16/11/2017 - 22:23

Phiên chất vấn đầu tiên kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa 14:

“Nóng” vấn đề quản lý an toàn nợ công 

(TTXVN)- Sáng 16-11, Quốc hội bắt đầu hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, diễn ra đến ngày 18-11. 5 thành viên Chính phủ gồm Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tài Chính, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao sẽ đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Nguyễn Lân Hiếu chất vấn. Ảnh: DOÃN TẤN (TTXVN)

Là Tư lệnh ngành đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn của cử tri tại Kỳ họp thứ 4, sáng 16-11, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trả lời nhiều câu hỏi của đại biểu Quốc hội về công tác quản lý thuế, hải quan đảm bảo nền tài chính an toàn, bền vững và giải pháp tăng cường quản lý nợ công an toàn, hiệu quả.

Vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng là giải pháp tăng cường quản lý an toàn nợ công. Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận, trong giai đoạn vừa qua, nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn. Giai đoạn 2011 – 2015, nợ công tăng bình quân một năm 18,4%, đến năm 2016 tăng 15% và năm 2017 là 9%, nợ công đang được kiểm soát chậm lại. Bộ đã triển khai nhiều giải pháp, như báo cáo Thủ tướng ban hành Chỉ thị 02 về tăng cường quản lý nợ công; trình Bộ Chính trị thực hiện chủ trương về tái cơ cấu ngân sách, đảm bảo an toàn nợ công; trình Quốc hội ban hành Nghị quyết 25 về kế hoạch tài chính 5 năm trong đó có chỉ tiêu trần nợ công; hoàn chỉnh Luật Quản lý nợ công (sửa đổi).

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: NHẬT BẮC (VGP)

Theo Bộ trưởng, nợ công đã từng bước được kiểm soát chặt chẽ. Các chỉ tiêu nợ công năm 2015, 2016, 2017 vẫn nằm trong giới hạn Quốc hội cho phép; bước đầu kiểm soát được tốc độ gia tăng, thực hiện được kéo dài kỳ hạn phát hành trái phiếu. Từ 3,9 năm năm 2011, đến 10 tháng năm 2017, kỳ hạn phát hành trái phiếu trong nước là 12,57 năm. Lãi suất theo hướng giảm dần, từ 12,01%/năm 2011 đến 10 tháng năm nay lãi suất còn 6,04%/năm.
Đánh giá về phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định có 44 đại biểu đặt câu hỏi thẳng thắn, cụ thể có số liệu, dẫn chứng, 7 đại biểu tranh luận. Tuy nhiên việc trả lời một số nội dung chưa có giải pháp mới, mang tính đột phá, nhất là vấn đề liên quan đến quản lý nợ công, công tác quản lý thuế, quản lý hóa đơn mua bán hàng hóa thể hiện qua việc có nhiều đại biểu tranh luận lại. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan tiếp thu ý kiến của đại biểu quốc hội, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện các giải pháp đã đề ra nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong đó tập trung cải cách mạnh thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin gắn với hiện đại hóa phương thức quản lý trong lĩnh vực thuế, hải quan… 

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh:  “Vẫn phải tiếp tục kiểm soát chặt chẽ nợ công nhưng bước đầu thì kết quả cũng như các giải pháp chúng ta đang triển khai là đúng, từ hoàn thiện thể chế, tăng cường kiểm tra, kiểm soát đến việc chi tiêu hiệu quả của nợ công”.

Làm rõ thêm tranh luận của đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) về hiệu quả đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Trước đây, do chưa có Luật Đầu tư công, nên việc quyết định đầu tư còn tùy tiện, vượt so với khả năng cân đối của ngân sách cả ở Trung ương và địa phương. Khi Chính phủ đã ban hành nghị định sau đó được luật hóa lên thành Luật Đầu tư công, đến nay, trong giai đoạn 2016 - 2020, chỉ còn hơn 1.000 dự án, giảm đi rất nhiều so với giai đoạn trước đây, bám sát khả năng cân đối của ngân sách.

Tuy nhiên, với một số dự án có mức vượt lên nhiều so với tính toán và nhu cầu thực tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, “chưa có biện pháp để kiểm soát vấn đề này”. Hiện Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng, các bộ, ngành liên quan để xây dựng định mức để tính toán, làm cơ sở xây dựng dự toán và phê duyệt tổng mức đầu tư hợp lý.

Giải trình thêm về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, năm 2015, nợ công đã đến sát trần 65%, dư nợ Chính phủ trên 50%, vượt trần cho phép… Do đó, Chính phủ nói không với việc xin tăng trần nợ công.

Thay cho việc xin nới trần nợ công, Chính phủ và Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì xây dựng Đề án về cơ cấu lại thu chi ngân sách, đảm bảo bền vững an toàn nợ công để trình Bộ Chính trị. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 07 về chủ trương, giải pháp, cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn và bền vững. Theo Phó Thủ tướng, đây là văn kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng; lần đầu tiên Bộ Chính trị có một nghị quyết chuyên đề về vấn đề này.

Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành các Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn, Kế hoạch tài chính ngân sách trung hạn, với mục tiêu đảm bảo cân đối ngân sách một cách tích cực nhất, giữ vững an ninh tài chính quốc gia. Trong đó có các chỉ tiêu cụ thể là: Chi ngân sách phải giữ trong mức 24 - 25% GDP, trong đó phấn đấu chi đầu tư phát triển là 24 - 25%, chi thường xuyên dưới 64% và giảm dần bội chi đến năm 2020 là khoảng 3,5%. Quy mô nợ công đến năm 2020 là không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 54%, nợ nước ngoài quốc gia không quá 50%.  Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến quan điểm thực hiện chủ trương này là phải đặt trong tổng thể cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới tăng trưởng, đảm bảo hiệu quả, toàn diện và công bằng, bền vững; thực hành triệt để tiết kiệm, chống lãng phí.

Buổi chiều, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ hai về việc điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo hỗ trợ sản xuất kinh doanh và tăng trưởng tín dụng hợp lý... Quốc hội đã nghe Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng báo cáo tóm tắt những vấn đề đã được đại biểu Quốc hội gửi đến Thống đốc từ đầu kỳ họp thứ 4, trả lời trực tiếp các câu hỏi của 11 đại biểu Quốc hội tại hội trường và 3 đại biểu tranh luận về các nội dung chủ yếu: Việc điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo hỗ trợ sản xuất kinh doanh và tăng trưởng tín dụng hợp lý; kết quả tái cơ cấu ngân hàng; Xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém và giải pháp đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng; xử lý nợ xấu và các giải pháp đột phá để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu...

Còn 10 đại biểu đã đặt câu hỏi sẽ được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trả lời vào phiên họp sáng nay, ngày 17-11.

Hôm nay (ngày 17-11), Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, tiếp tục tiến hành chất vấn, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Phiên họp sẽ được Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam truyền hình, phát thanh trực tiếp.

 

Chia sẻ bài viết