02/06/2020 - 06:18

“Những ngày cách ly” đậm chất thời sự 

Thông qua chuyện về một gia đình ở Hà Nội đi cách ly vì dịch COVID-19, tiểu thuyết “Những ngày cách ly” của tác giả Bùi Quang Thắng giúp người đọc nhìn lại một chặng đường chống dịch bệnh của nước ta. Tác phẩm nóng hổi tính thời sự, đầy ắp những tư liệu hiện thực và không thiếu những tình tiết hấp dẫn…
Sách do NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh phát hành quý II-2020.

Không chỉ là một doanh nhân thành đạt, ông Trương còn tự hào với gia đình hạnh phúc. Con gái duy nhất của vợ chồng ông là Hoàng Cúc đang du học ở Anh và được vợ chồng ông đón về nước khi dịch COVID-19 bùng phát. Nào ngờ, người yêu của Hoàng Cúc là Phúc đến ăn cơm với gia đình ông Trương sau khi có tiếp xúc với một cô gái ngoại quốc nhiễm COVID-19. Sau đó Phúc được xét nghiệm và có kết quả dương tính nên nhập viện điều trị, còn ông bà Trương và Hoàng Cúc phải vào khu cách ly. Từ đây, cả gia đình vốn quen sống với những tiện nghi hơn người phải thích ứng với môi trường mới...

Có thể nói, hơi thở cuộc sống như phả ra từ những trang sách, bởi những gì tác giả viết gần gũi đời thực. Từ không khí chống dịch khẩn trương của các ngành các cấp; đến sự lo lắng ban đầu của những người bị cách ly; sự phục vụ tận tình, chu đáo của đội ngũ làm nhiệm vụ; hoặc chuyện có người không thể về nhà chịu tang cha nên lập bàn thờ vọng tại khu cách ly… Ngay cả tâm thế chủ quan trước dịch bệnh của những người như Phúc, ông Trương cũng được phản ánh, để rồi cuối cùng họ bàng hoàng, sửng sốt khi trở thành nạn nhân.  

Tác phẩm khắc họa thuyết phục quá trình thay đổi của mỗi người trong thời gian cách ly. Từ một tiểu thư chưa từng động tay vào việc nhà, Hoàng Cúc dần trưởng thành. Sau cú sốc tâm lý ban đầu, cô gái trẻ dần nhận ra những điều thú vị khi sống trong khu cách ly. Đặc biệt, sự quan tâm, chia sẻ của Tuấn, người lính làm nhiệm vụ tại đây đã giúp cô hiểu thêm nhiều điều về cuộc sống, để rồi sau đó Cúc cũng xin làm tình nguyện viên, góp sức chống dịch bệnh. Nếu Hoàng Cúc và bà Trương dần thích nghi với hoàn cảnh mới thì ông Trương lại không thể chấp nhận hiện thực. Chi tiết ông mang theo rất nhiều tiền mặt vào nơi cách ly và muốn dùng số tiền ấy để điều khiển mọi người đáp ứng nhu cầu của ông rất đắt giá và ý nghĩa. Một người coi trọng tiền bạc và các giá trị vật chất như ông Trương không thể hiểu vì sao ở nơi cách ly này, đồng tiền trở nên vô nghĩa. Tất cả phải thực hiện theo quy định và những nguyên tắc thống nhất, ai cũng bình đẳng như nhau, dù đó là người giàu có hay nghèo khổ, là người nổi tiếng hay thường dân…

Ở một tuyến khác đóng vai trò quan trọng trong tác phẩm là các nhân vật Tuấn, Linh, Hào... làm nhiệm vụ chống dịch. Họ đại diện cho lối sống đẹp, lý tưởng cống hiến vì đất nước mà không ngại khó khăn, nguy hiểm. Họ truyền năng lượng tích cực và lan tỏa những giá trị sống đến mọi người một cách giản dị, tự nhiên từ chính việc làm và nhân cách, chứ không giáo điều hay lý thuyết suông.

Mỗi nhân vật đã đi qua những ngày khó khăn bằng một tâm thế khác nhau nhưng nói như Tuấn thì: “Điều quan trọng nhất không phải là chuyện gì sẽ đến với mình mà là mình sẽ đối diện với nó như thế nào”.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết