25/09/2022 - 07:18

“Nhật ký buồn cho Hải Âu”
Hạnh phúc mong manh nhưng vẫn ươm mầm xanh hy vọng 

Đúng như tiêu đề, truyện dài “Nhật ký buồn cho Hải Âu” (NXB Trẻ) của tác giả Nguyễn Trí Công là một câu chuyện buồn về tình yêu, hôn nhân và gia đình. Tuy nhiên, giữa những bi kịch, vẫn có mầm xanh hy vọng từ các nhân vật bởi họ chọn cách sống lạc quan, chọn lối đi phù hợp với mình.

Hoàng Oanh - nữ sinh lớp 12 hồn nhiên, sống vui vẻ trong một gia đình hạnh phúc: cha là một nhà văn nổi tiếng, mẹ xinh đẹp và tháo vát, anh trai tên Hiếu đang là sinh viên đại học. Nhưng hạnh phúc ấy bỗng chốc tan thành mây khói khi cha mẹ Oanh đều ngoại tình và chuẩn bị ly hôn. Oanh và anh trai bị sốc, tâm lý và việc học bị ảnh hưởng nặng nề. Lúc này, chú ruột của Oanh là Cường, 29 tuổi, công tác trong lực lượng hải quân, được nghỉ phép và về nhà Oanh ăn Tết. Chú Cường nỗ lực khuyên giải cha mẹ Oanh để hàn gắn tình cảm của họ. Chú cũng có dịp tiếp xúc và làm quen với bạn bè của Oanh, trong đó có Cúc Phượng, một cô bạn xinh xắn, cá tính. Chú Cường và Cúc Phượng nảy sinh tình cảm, nhưng chỉ một thời gian sau khi chú quay trở về đơn vị, gia đình Oanh nhận được tin dữ…

Câu chuyện được kể với góc nhìn, tâm sự của nhiều nhân vật: Oanh, Cúc Phượng, Hiếu, ba Oanh nên linh hoạt giọng điệu, giúp người đọc có cái nhìn đa chiều và hiểu hơn tâm tư của các nhân vật. Tác phẩm viết cho tuổi mới lớn nên các tình tiết nhẹ nhàng, đôi chỗ dí dỏm, hài hước đúng tuổi học trò. Quá trình nảy sinh tình cảm giữa chú Cường và Cúc Phượng cũng dễ thương, trong sáng. Đặc biệt, nhân vật chú Cường được xây dựng với hình tượng kiểu mẫu: chững chạc, nghiêm túc, hiểu chuyện và có cái nhìn, cách nghĩ sâu sắc. Sự xuất hiện của chú như chiếc phao cứu sinh với 2 anh em Oanh khi chú vừa cố gắng khuyên giải anh chị, vừa an ủi động viên 2 cháu.

Nút thắt nặng nề nhất trong truyện là tình cảm của cha mẹ Oanh và cuộc hôn nhân không thể cứu vãn. Bi kịch gia đình Oanh cũng là một lát cắt của xã hội khi đằng sau một vẻ ngoài tưởng chừng hoàn hảo của một gia đình, luôn có những góc khuất ít ai biết. Ly hôn luôn để lại những tổn thương cho người trong cuộc, đặc biệt là những đứa con. Phản ứng tiêu cực của Oanh và Hiếu trong truyện cũng là điều dễ hiểu khi họ chưa chấp nhận được sự thật đau buồn.

Và điều khiến các nhân vật cũng như độc giả tiếc nuối, bất ngờ nhất chính là sự ra đi mãi mãi của chú Cường khi làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo của Tổ quốc. Nỗi đau chồng thêm nỗi đau. Mỗi người đón nhận hung tin bằng thái độ, tâm tư khác nhau, nhưng ai cũng tự hứa với lòng, sống thật tốt, thật có ích để không phụ lòng của chú. Trong đó, Hiếu, chàng trai từng chán đời, bất mãn sau biến cố gia đình, vẫn luôn nhớ lời dạy của chú về mục tiêu sống, anh khẳng định: “Cháu không lên được đỉnh Ê-vơ-ret nhưng cháu sẽ bay vào bầu trời  mênh mông ấy. Chú ơi! Hiếu của chú vẫn là một đứa cháu xứng đáng, cháu sẽ không là bèo bọt mà sẽ là cánh Hải Âu lao mình trong đại dương muôn trùng sóng vỗ” (trang 119).

Hải Âu là hình tượng ẩn dụ ý nghĩa, không chỉ đại diện cho nhân vật Cường mà còn là mục tiêu để các nhân vật hướng tới về cách sống, cách đối mặt với khó khăn, thử thách. Dù tác phẩm là câu chuyện buồn nhưng tình yêu, niềm tin và hy vọng mà tác phẩm truyền tải vẫn đong đầy qua những trang sách.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết