02/04/2023 - 09:30

“Nhà lúc đông lúc vắng” nhưng luôn ấm tình gia đình 

CÁT ÐẰNG

Gia đình không chỉ có tình thân, mà còn là nơi để về sau những vấp ngã, giông bão cuộc đời. Những cung bậc cảm xúc về gia đình đã được tác giả Hoàng My thể hiện tròn đầy trong tập tản văn “Nhà lúc đông lúc vắng” (NXB Tổng Hợp TP Hồ Chí Minh), mang đến cho độc giả những trang viết lắng đọng và ý nghĩa.

Hơn 50 tản văn trong “Nhà lúc đông lúc vắng” được viết dưới góc nhìn của nhiều nhân vật đều là nữ giới, có khi là chính tác giả, có khi là một cô gái trẻ, có khi là một người phụ nữ tất bật với chuyện nhà... Do đó, các đề tài là những vấn đề mà phụ nữ quan tâm: chuyện chồng con, chuyện làm dâu, nội trợ, công việc, những vấn đề trong gia đình, chữ hiếu với cha mẹ… Ðặc biệt là những nỗ lực âm thầm để giữ lấy nếp nhà giữa xung đột của truyền thống và hiện đại.

Có những bài viết là chia sẻ, cảm nhận của tác giả về một vấn đề nào đó của xã hội hay đơn giản là thủ thỉ kể chuyện nhà. Có một số bài dụng công hơn và tương tự như một truyện ngắn. Nhưng dù sử dụng bút pháp nào, từng trang viết vẫn toát lên sự chân tình, mộc mạc, chan chứa yêu thương và trăn trở, suy tư… Yêu thương bởi dù viết về chồng con, cha mẹ, chị em hay bạn bè… tác giả đều dùng cái tình để cảm nhận và nói về họ. Dù có lúc yêu, lúc ghét, lúc giận, lúc bực bội; nhưng cuối cùng họ vẫn là người thân, mà đã là người thân thì mọi sự đều dễ dàng bỏ qua cho nhau và nghĩ vì nhau.

Trong ngôi nhà, lúc quá đông người thì thấy mệt mỏi, phức tạp, nhưng khi vắng ai hoặc chỉ còn ít người thì lại thấy nhớ, thấy thiếu thiếu điều gì không thể gọi tên... Ðó là cảm giác của nhân vật Ngân ở bài viết “Nhà lúc đông, lúc vắng” trong suốt nhiều năm làm dâu, làm vợ, làm mẹ. Ðể rồi, cô nhận ra: “Ðơn giản, nhẹ nhàng, bình yên là đủ. Nhà rộng hay chật, đông hay vắng, miễn vui là được rồi” (trang 30). Cứ thế, tác giả dẫn dắt người đọc cùng trải qua bao tâm tình buồn vui của những người phụ nữ. Có khi, đó là những niềm vui bé mọn, dịu dàng. Có lúc lại là những câu chuyện đầy day dứt khiến người đọc xót xa đến rơi nước mắt. Ðiển hình như truyện người vợ bị chồng bỏ rơi khi biết cô bị bệnh ung thư, một mình nuôi con thui thủi và chiến đấu với bệnh tật đã khiến tâm tính chị hay bẳn gắt, khó gần. Khi thấy con gái cắt mái tóc dài suôn mượt, chị nổi giận la mắng con nặng lời. Vậy nên ít lâu sau, khi nhận được bộ tóc giả được làm từ tóc thật của con gái tặng, chị khóc không thành tiếng, khóc trong niềm hạnh phúc và sự hối hận… (“Chuyện nhỏ như sợi tóc”).

Tình mẫu tử, tình phụ tử là một trong những đề tài ấn tượng của tác phẩm. Rất nhiều bài viết về các đấng sinh thành, về những trải nghiệm mà chỉ khi làm mẹ, làm vợ thì ta mới hiểu và cảm thông cho các bậc phụ huynh. Người đọc không nhiều thì ít sẽ thấy bóng dáng mình hoặc các vấn đề gia đình mình gặp phải trong các bài: “Ðời bà tôi, mẹ tôi, rồi con gái tôi”, “Có ba chờ”, “Chạm tuổi hưu”, “Ðưa má đi xem phim”, “Người già đi du lịch”, “Vì đời có ba”, “Bà mẹ trong truyền thuyết”, “Giận nhau với má”, “Bố mẹ sẽ sống cùng ai”, “Bố chồng, mẹ chồng”, “Về ngủ với mẹ”, “Ta còn mẹ cha, ngày hôm nay”…

Bên cạnh đó là những trăn trở khi tác giả cảm nhận tình cảm gia đình nói riêng và tình  người nói chung trong nhịp sống bận rộn của thời hiện đại ngày càng phai nhạt, thiếu gắn kết, tương tác và quan tâm nhau. Ví như nhiều người có thể ngồi ăn với cái điện thoại chứ không phải là người thân hay bạn bè; không dành tặng cho chồng, vợ, con cái một lời khen hay động viên khi họ làm tốt điều gì; hoặc đơn giản chỉ là biết lắng nghe nhau hoặc hỏi nhau một câu: ngày hôm nay thế nào?

Dung dị mà thấm sâu, tập tản văn góp phần giúp độc giả nhìn nhận lại vấn đề của bản thân và gia đình để biết mình cần làm gì để sống vui và ý nghĩa hơn.

Chia sẻ bài viết