Các vua chúa, chế độ phong kiến sau khi thống nhất được lãnh thổ, hoặc đang cai trị đất nước thường có những chủ trương, chính sách chiến lược về chính trị, quân sự, văn hóa, kinh tế, xã hội nhằm tạo sự ổn định, phát triển đất nước một cách an ninh, bền vững. "Ngụ binh ư nông" tức "gởi binh vào nông" hay "gởi quân lính về đồng ruộng" là chính sách sử dụng một bộ phận các lực lượng quân sự sau chiến tranh hoặc lúc không có chiến tranh tham gia sản xuất nông nghiệp như là một hoạt động bình thường. Các lực lượng này vừa khai hoang lập ấp, sản xuất nông nghiệp, vừa luyện tập quân sự thường xuyên, và có thời gian nghỉ ngơi dưỡng sức, dự phòng khi có chiến tranh, giặc giã.
Trong lịch sử, quân đội luôn là lực lượng chủ yếu bảo vệ đất nước, do đó, các quốc gia luôn cần có một lực lượng vũ trang hùng hậu, tinh nhuệ. Nhưng, nhu cầu nhân lực để sản xuất cũng rất lớn! Để giải quyết bài toán ấy, các nhà chiến lược thời xưa đã lập nên phép "Ngụ binh ư nông" như là sự kết hợp hài hòa giữa quân sự và kinh tế, có thể xoay chuyển nhanh chóng tình thế từ thời bình sang thời chiến khi cần thiết. Nhờ chính sách này, các Nhà nước phong kiến đời Lý Trần Lê sơ luôn có được một lực lượng quân sự hùng mạnh, đông đảo mà sản xuất nông nghiệp vẫn ổn định. Thời Lý có số quân huy động chống nhà Tống khoảng 10 vạn, thời Trần lúc kháng chiến chống Nguyên-Mông có hơn 20 vạn, đến thời Lê sơ khi có chiến tranh có thể huy động từ 25 đến 30 vạn quân. Trong quá khứ, chính sách Ngụ binh ư nông có tác dụng rất tích cực, chứng tỏ các nhà hoạch định chính sách thời ấy đã có cái nhìn sâu xa với tư duy sinh động, đứng đắn trong công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.
Nước ta từ năm 1945 trở về trước là một nước nông nghiệp truyền thống được cai trị bởi các chế độ quân chủ phong kiến. Ngược dòng lịch sử, vào thế kỷ thứ 10, phép "Ngụ binh ư nông" được áp dụng đầu tiên ở Việt Nam do Nhà Đinh (968-980). Những trai tráng (đinh nam ) từ 18 tuổi trở lên phải gia nhập quân ngũ. Ngoài lực lượng quân binh đóng thường trực ở kinh đô, được gọi là quân cấm vệ, túc vệ, các lực lượng quân tại các địa phương được gọi là lộ quân hay sương quân. Triều đình chia số binh lính trong sương quân thành nhiều phiên, chỉ giữ một số ít phiên thường trực, còn lại cho về quê sản xuất nông nghiệp; cứ như vậy từng đợt luân phiên nhau. Vào thời Lý, triều đình chỉ cấp lương cho quân túc vệ, còn sương binh tự túc lương thực. Thời Hậu Lê, chính sách Ngụ binh ư nông áp dụng cả với cấm quân ở kinh thành. Từ thời Mạc, chính quyền áp dụng chế độ "lộc điền", cấp ruộng thẳng cho binh lính tại địa phương cư trú nhằm ưu đãi cho lực lượng quân đội. Tới thời chiến tranh Nguyễn-Tây Sơn, khoảng cận cuối thế kỷ 18 (1790), phép Ngụ binh ư nông được Nguyễn Ánh thi hành ở nhiều nơi thuộc Gia Định thành, quân binh lúc không đánh giặc được huy động vào việc sản xuất nông nghiệp để tạo nguồn lương thảo phục vụ cho chiến tranh và dự phòng.
|
Các chiến sĩ giúp dân thu hoạch lúa. Ảnh: baoquangngai.com.vn |
Chúa Nguyễn Ánh cho rằng "Ngụ nông ư binh"là phép tốt. Ông ra lệnh cho các đội Túc vệ và các vệ, Thuyền dinh Trung quân ra vỡ ruộng ở Thảo Câu (Vàm Cỏ) đặt tên là trại Đồn Điền. Lại xuống lệnh cho các quan và dân chúng, ai mộ được 10 người trở lên thì cho làm Cai trại. Đây cũng là lực lượng dự bị khi có chiến tranh. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Ánh, kể cả lúc bị truy đuổi, luôn để người lại những vùng đất mà ông ta đã đi qua để làm ruộng, trồng trọt, khai khẩn đất hoang, sản xuất lương thực, đợi thời cơ. Những đồn điền như Cù lao Tân Lộc ở Cần Thơ, căn cứ Hồi Oa, Nước Xoáy ở Đồng Tháp, đảo Phú Quốc là một trong những hình thức của phép "Ngụ binh ư nông". Nguyễn Ánh khi chạy qua Xiêm đã từng xin đất ở ngoại ô Vọng-Các để làm ruộng rẫy nuôi sống quân binh, sĩ tốt.
Theo nhà sử học Phan Huy Chú trong sách Lịch triều hiến chương loại chí (tập II) thì: "Vào năm 1128 đời Lý Thần Tông, nhà vua "cho sáu quân thay phiên nhau về làm ruộng theo chế độ xưa"- ngoài quân cấm vệ "lại có chín quân như sương quân: để sai khiến làm mọi việc, mỗi tháng đến phiên một lần gọi là đến canh, hết canh cho về nhà cày cấy hoặc làm công nghệ, tự cấp lấy chứ không được cấp lương. Khi có chiến tranh thì cho gọi ra lệ thuộc vào các tướng. Nếu số quân này không đủ thì chiểu sổ dân ra tòng ngũ. Xong việc lại cho về làm ruộng".
Số sương quân và quân các đạo (ngoại binh) có nhiệm vụ thay phiên nhau cày ruộng tự túc lương thực. Với chính sách "Ngụ binh ư nông", không những nông dân không phải trích ra một lượng sản phẩm lớn đề nuôi quân, mà nông nghiệp không mất đi một nguồn lao động quan trọng (tráng đinh). Phải nhìn nhận đây cũng là một quyết sách quan trọng của nhà nước thời Lý - Trần nhằm duy trì, củng cố tiềm lực kinh tế trên cơ sở của nền nông nghiệp lúa nước.
Đời Trần, nhà nước có chế độ ban cấp thái ấp cho các vương hầu, tôn thất. Tại các điền trang, thái ấp, gia binh của vương hầu làm nhiệm vụ sản xuất và phục dịch lúc thời bình theo chủ trương "Ngụ binh ư nông". Thái ấp là mô hình kết hợp khéo léo gữa kinh tế với quốc phòng. Trước khi phong cấp thái ấp, nhà nước Trần đã có ý thức giao cho vương hầu tôn thất nhiệm vụ vừa sản xuất vùa trấn giữ những vùng quan trọng, hiểm yếu của đất nước. Qua bản đồ phân bố các thái ấp, không phải ngẫu nhiên mà ta thấy nổi lên các vùng chiến lược trọng yếu của Đại Việt lúc bấy giờ như: vùng biên cương phía bắc (Chí Linh, Đông Triều - Quảng Ninh); vùng cửa ngõ đông bắc (Hải Phòng, Thái Bình); vùng phên giậu phía nam (Thanh Hóa).
*
* *
Ngày nay, một số bộ phận của lực lượng quân đội nước ta đã tham gia mạnh mẽ vào công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế đất nước, trong đó có sản xuất nông nghiệp. Có khá nhiều nông, lâm trường ở vùng biên giới, vùng xa, vùng hải đảo được quân đội khai phá, sản xuất và quản lý. Các đơn vị này ngoài việc thường xuyên được huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ tổ quốc, họ còn giúp dân xây dựng nông thôn mới, cụ thể như các đơn vị Bộ đội biên phòng ở các vùng xa, biên giới, hải đảo. Không ít các chiến sĩ, bộ đội đã trở thành "thầy giáo" dạy chữ, "kỹ sư" nông nghiệp, "bác sĩ" điều trị cho nhân dân ở những địa bàn nông thôn còn rất khó khăn. Các chiến sĩ sau khi hoàn thành nghĩa vụ có thời hạn trong các lực lượng vũ trang thường trực được xuất ngũ, ra quân về nguyên quán làm ăn, học tập, sản xuất. Họ được chuyển ngạch sang quân dự bị và sẵn sàng tham gia quân đội khi cần thiết. Quy trình ấy thể hiện sự ứng dụng sinh động phép "Ngụ binh ư nông" nhưng đã có nhiều sự cải tiến, bởi nước ta ngày nay không còn là một đất nước thuần nông như trước kia, mà hiện tại, đang trong quá trình đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa với mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp. Những người lính khi trở về với đời thường, họ làm nhiều ngành nghề khác nhau, chứ không nhất thiết phải làm ruộng, hoặc được cấp phát đất để sản xuất nông nghiệp. Nội dung "ngụ binh" thì vẫn còn, nhưng hình thức "ư nông" thì đã thay đổi. Đây cũng là sự thích nghi tất yếu, thuận theo quy luật phát triển khách quan của thời đại, lịch sử. Hiện nay trên thế giới, đa số các quốc gia áp dụng chính sách, chế độ "quân dịch". Tất cả các nam thanh niên (có nơi luôn cả nữ như Israel) đến tuổi quy định đều phải thi hành nghĩa vụ quân sự có thời hạn. Chỉ những trường hợp rất đặc biệt mới được miễn giảm "thi hành quân dịch" Sau khi làm xong nghĩa vụ họ được xuất ngũ trở về với địa phương, đời sống xã hội, sinh hoạt bình thường như mọi công dân khác. Và. Nhà nước luôn có trong tay một lực lượng quân dự bị đông đảo, đã kinh qua huấn luyên, sẵn sàng phục vụ, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Mai Lý
Sách tham khảo:
- Việt sử xứ Đàng Trong (Phan Khoang 1970- Nxb Văn Nghệ tái bản 2005).
- Đại Nam thực lục (Quốc sử quán triều Nguyễn- Nxb Giáo dục tái bản 2004).
- Lịch triều hiến chương loại chí Phan Huy Chú NXB.
- Việt Nam sử lược Trần Trọng Kim NXB Khoa học Xã hội 2001.