Câu chuyện về những đứa trẻ hậu ly hôn trong tiểu thuyết "Ngôi nhà vui vẻ" của nhà văn Hàn Quốc Gong Ji Young để lại trong lòng người đọc những khoảng lặng. Tuy nhiên, bằng nỗ lực và tình cảm chân thành, mỗi thành viên trong gia đình đổ vỡ đã tìm thấy niềm vui, sự gắn kết để có thể gạt qua nỗi đau, sống vui vẻ cùng nhau dưới một mái nhà.
Sách do NXB Phụ nữ phối hợp cùng Phương Nam Book phát hành.
ha mẹ ly hôn, Wi Nyeong sống cùng cha từ khi còn rất nhỏ và cha cô lấy vợ mới khi cô bé 9 tuổi. Từ đây, cuộc sống của Wi Nyeong ngột ngạt, bức bối với cảnh "mẹ ghẻ - con chồng". 16 tuổi, cô bé quyết định chuyển đến ở với mẹ, một tiểu thuyết gia thành công trong sự nghiệp nhưng thất bại trong hôn nhân. Đã 3 lần ly hôn, bà hiện đang nuôi 2 đứa con trai cùng mẹ khác cha. Khi chuyển đến nhà mẹ, Wi Nyeong phải học cách quen dần với nếp sống mới, với những đứa em chỉ mang một nửa dòng máu như mình.
Không có nhiều kịch tính, cũng không có những tình tiết bất ngờ, nhưng câu chuyện trong "Ngôi nhà vui vẻ" lại cuốn hút người đọc bởi những sự việc hết sức đời thường. Tác giả đã khéo léo kết nối và làm mới những điều rất cũ: sự tổn thương của con trẻ sau khi cha mẹ ly hôn, mâu thuẫn giữa mẹ kế và con chồng, những xung đột trong một gia đình chắp vá, bỏ qua những lỗi lầm để yêu thương nhau
Qua đó, mang đến một câu chuyện xúc động và ý nghĩa.
Tác phẩm được nữ nhà văn Gong Ji Young viết dựa trên chính cuộc đời mình: một bà mẹ đơn thân nuôi 3 đứa con khác họ, nên những chi tiết sống động và chân thật. Tuy nhiên, câu chuyện lại được thể hiện qua góc nhìn của một cô bé mới lớn Wi Nyeong, nên không rơi vào lối mòn kể lể mà lại gây ấn tượng bởi nội tâm sâu sắc của nhân vật chính. Từng trang viết dẫn dắt người đọc đồng hành cùng niềm vui và nỗi buồn của một cô bé đang tuổi ăn tuổi lớn nhưng lại già dặn trong suy nghĩ.
Điểm nhấn của câu chuyện là quá trình thay đổi nhân sinh quan của Wi Nyeong sau khi về sống với mẹ. Từ một cô gái luôn nhìn đời bi quan, oán trách cha mẹ ly hôn mà mình chịu khổ, Wi Nyeong dần thay đổi sau khi trải qua nhiều sự việc. Cô đã gặp những người đau khổ, bất hạnh hơn mình nhưng vẫn cố gắng sống tốt. Cô đã thấy được tình cảm của cha mẹ dành cho mình, cảm nhận được sự gắn kết của những thành viên trong gia đình qua những việc nhỏ nhặt và hiểu thêm nhiều điều tình thân, tình yêu, tình bạn. Để từ đó, cô bé dần trưởng thành, biết yêu thương, chia sẻ, biết thông cảm và bỏ qua những lỗi lầm của người lớn, biết hòa hợp và gắn kết với mọi người để có được niềm vui và hạnh phúc.
Ngoài Wi Nyeong, các nhân vật khác trong truyện cũng để lại ấn tượng mạnh. Một người mẹ có lối sống phóng khoáng, mất niềm tin vào tình yêu và hôn nhân, nhưng rất mực yêu thương các con, luôn dành điều tốt nhất cho con. Một người cha trầm tĩnh, nghiêm khắc, luôn bị dằn vặt, khó xử trong mối quan hệ giữa con gái riêng và vợ kế. Một người mẹ kế đối xử nghiêm khắc với con chồng nhưng tận sâu trong lòng vẫn là sự yêu thương. Hai đứa em trai trái tính: một trầm tư, ít nói và một hiếu động, nghịch ngợm, mang lại những sắc màu tươi sáng cho câu chuyện. Đặc biệt là nhân vật chú Daniel- người giúp Wi Nyeong hiểu thêm cuộc sống, người làm mẹ Wi Nyeong có lại niềm tin với tình yêu. Bằng những lời khuyên chân thành và hành động chân tâm, chú Daniel giúp mối quan hệ của hai mẹ con Wi Nyeong ngày càng cải thiện.
Câu chuyện khép lại trong niềm hạnh phúc khi các nhân vật đã tự "cởi trói" cho bản thân mình để tìm thấy sự vui vẻ trong các mối quan hệ, trong cuộc sống. Qua đó, nhắn gửi thông điệp nhẹ nhàng: hãy trân trọng tình cảm gia đình, hãy cố gắng sống tốt dù đời có những điều không như ý.
CÁT ĐẰNG