22/07/2021 - 08:08

“Midway” tái hiện cuộc chiến lịch sử 

Trận chiến Midway là một sự kiện quan trọng trong Thế chiến II, diễn ra vào đầu tháng 6-1942 giữa quân đội Mỹ và Nhật Bản tại khu vực đảo Midway, Thái Bình Dương. Ðạo diễn Roland Emmerich và biên kịch Wes Tooke tái hiện cuộc chiến này qua bộ phim “Midway” một cách chi tiết, hoành tráng và công phu, giúp người xem hiểu hơn về lịch sử.

Phim Mỹ, phát sóng lúc 19 giờ 45, thứ bảy, ngày 24-7 trên kênh HBO.

Midway” tái hiện bức tranh toàn cảnh khá đầy đủ về mặt trận Thái Bình Dương, bắt đầu từ quân đội Nhật đột ngột tấn công căn cứ hải quân Mỹ tại Trân Châu Cảng, buộc Mỹ chính thức tham gia vào Thế chiến II tại mặt trận trên biển. Hải quân và không quân Mỹ liên tiếp tổ chức các cuộc tấn công vào lực lượng hải quân Nhật Bản, thực hiện các chiến dịch ném bom nhằm trả đũa. Lúc này, đảo Midway là căn cứ trọng yếu của quân đội Mỹ, được phía Nhật Bản âm thầm lựa chọn làm mục tiêu lớn tiếp theo cho chiến dịch đánh bật hoàn toàn hải quân Mỹ khỏi vùng biển Thái Bình Dương. Tuy nhiên, nhờ tin tình báo nên quân đội Mỹ đã chủ động thế trận và giành chiến thắng, khiến quân Nhật phải rút lui.

Với kinh phí 100 triệu USD, “Midway” được xem là một trong các phim độc lập (không thuộc về những hãng lớn) có kinh phí cao nhất mọi thời đại của Hollywood. Phim phản ánh thế cục chiến tranh dựa trên sự tương đồng về lực lượng và chiến lược của cả hai phía, tạo nên những cuộc đấu trí gay cấn và góc nhìn đa chiều cho người xem. Ðây là điểm đáng ghi nhận cho một bộ phim chiến tranh. Tuy nhiên, vì có quá nhiều nhân vật và ôm đồm nhiều sự kiện, chi tiết nên phim bị rơi vào tình trạng dàn trải. 1/3 thời lượng phim dành để giới thiệu hệ thống nhân vật, tương quan lực lượng giữa 2 bên, khán giả đôi khi chưa kịp nhận biết nhân vật thì họ đã tử trận. Nửa thời lượng phim về sau, hệ thống nhân vật mới ổn định và dễ nắm bắt hơn. 

Phim tập trung vào 3 mạch truyện: Tuyến đầu tiên xoay quanh hai phi công tinh nhuệ Dick Best và Bruno Gaido cùng quá trình chiến đấu của họ, góp phần làm nên chiến thắng của quân đội Mỹ trong trận Midway. Tuyến thứ 2 là sĩ quan tình báo Edwin Layton cùng chuyên gia giải mã Joseph Rochefort và Ðô đốc hải quân giữ nhiệm vụ theo dõi sát sao các tín hiệu vô tuyến của phe Nhật, giúp quân Mỹ hóa giải kế hoạch tác chiến. Bên kia chiến tuyến, Ðô đốc Nhật Isoroku Yamamoto, tổng chỉ huy cuộc tập kích Midway quyết tâm hạ bệ Mỹ như từng đã làm ở Trân Châu Cảng.

Và Midway - trận chiến tâm điểm của phim đã được tái hiện sinh động, hấp dẫn bằng những trường đoạn hành động cháy nổ máu lửa, hay những phân cảnh phô diễn hiệu ứng kỹ xảo thông qua các pha không chiến dồn dập. Khán giả phải thót tim trước các cảnh tấn công bằng máy bay bổ nhào từ trên không xuống giữa những làn mưa đạn ở dưới bắn lên, sau đó, thả 1 quả bom hạng nặng vào đúng chiến hạm địch, tạo nên cảnh cháy nổ rợp trời giữa biển khơi. Hay cảnh phi cơ của hai bên rượt đuổi và bắn nhau quyết liệt trên trời cũng tạo cảm giác căng thẳng của sự sống chết trong tích tắc. Tuy phần hiệu ứng hình ảnh của bộ phim còn một số hạn chế, nhưng cũng đủ làm “no mắt” người xem bằng những trận chiến hoành tráng, quy mô.

Phim có lồng ghép yếu tố gia đình, tình cảm vợ chồng của những người lính. Những cảnh thương tiếc đồng đội đã hy sinh hay nhớ vợ con tạo nên khoảng lặng cần thiết cho một bộ phim chiến tranh dữ dội. Nhìn chung, “Midway” bám sát những sự kiện, nhân vật trong lịch sử, chuyển tải trọn vẹn một cột mốc quan trọng trong thế cục của Chiến tranh thế giới thứ II.

CÁT ÐẰNG

Chia sẻ bài viết