18/12/2022 - 11:03

“Màu của lửa” - Buồn nhưng nhân văn 

CÁT ĐẰNG

Tập truyện ngắn “Màu của lửa” của cây viết trẻ Lê Quang Trạng chất chứa những phận người mang nhiều nỗi niềm. Dưới ngòi bút của tác giả, những câu chuyện lại càng thêm se sắt, chắt lọc những phận đời, những cá tính đủ để khiến người đọc cảm thông, hiểu và chia sẻ cùng nhân vật nhiều hơn.

Sách do NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh phát hành năm 2022.

Ở tập truyện này, âm hưởng đồng bằng và cá tính trong phong cách viết của cây bút quê An Giang ngày một rõ nét. Độc giả có thể ngửi thấy mùi khói bếp hay rơm rạ đồng bằng đan lẫn những nỗi niềm và trăn trở của những con người miệt vườn chân chất. Dù bối cảnh là sông, là biển, là thôn quê hay phố thị thì cái chất suy tư về cuộc đời, về sự chọn lựa, về quyết định của nhân vật vẫn trải dài qua từng trang viết. Nó khiến người đọc day dứt, đau đáu cùng nhân vật, đôi khi, khiến người đọc thấy nặng nề và bị ghì cảm xúc. Nhưng lại không buông bỏ được, lại phải đọc tiếp… Vì sao? Vì truyện tuy buồn nhưng lại nhân văn. Và cái nguyên cớ khiến các nhân vật khổ cũng chỉ vì hy sinh cho người thân, gia đình, vì nặng lòng với đất quê…

Gia đình có lẽ là tiếng gọi thiêng liêng nhất trong tập truyện này. Các truyện “Đò dọc sông trôi”, “Người của đất”, “Ký ức trổ bông”, “Cuộc tìm nhau”, “Phấn mây”… đều làm người đọc rưng rưng xúc động vì tình mẫu tử, phụ tử, nghĩa vợ chồng. Bên cạnh đó, sự day dứt và ám ảnh về tâm nguyện chưa thực hiện được hay một điều gì đó được tác giả khai thác và truyền tải đầy ấn tượng qua những câu chuyện mới lạ. Đó là ước mong tìm được lưỡi tầm sét để giải oan cho người chồng chết vì sét đánh của bà nội, của con cháu trong gia đình suốt mấy chục năm dài đăng đẵng (“Lưỡi tầm sét”). Hay sự ám ảnh bởi tin rằng sẽ gặp xui xẻo khi “chim sa” khiến người đàn ông phải làm một khu vườn nhân tạo để nuôi nhốt chim theo ý mình (truyện “Chim sa cá nhảy”). Hoặc lời nguyện bắt được cá hổ của một dòng họ suốt 4 đời (truyện “Lưỡi câu cá hổ”). Ấn tượng nhất là quyết tâm phải giữ ngọn đèn báo bão không tắt của một gia đình làm nghề canh đèn biển, dẫu đánh đổi bằng tính mạng trong cơn bão dữ (“Thắp đèn trong bão”).

Bão có lẽ là hình tượng ghi dấu ấn sâu sắc nhất trong tập truyện này. Bởi gần phân nửa các truyện viết về bão. Cơn bão trong đất liền ở đồng bằng hay bão ở ven biển, ở đảo đều mang đến những mất mát. Nó không chỉ cướp lấy sinh mạng của những người đàn ông đi biển, của những nạn nhân vô tội mà còn tạo nên những khoảng trống không thể lấp đầy trong lòng người ở lại. Và đáng buồn hơn là những cơn “bão lòng” của các nhân vật. Như cô vợ luôn trăn trở với câu hỏi mình có yêu chồng thật không, chỉ đến khi anh bị bão cuốn theo những cơn sóng, cô mới bừng tỉnh rằng điều đó không quan trọng bằng việc có anh bên đời (“Mùi bão đọng”); là sự sợ hãi của người thân trong gia đình (“Biển vọng”) hay sự xa lánh của người dân với cậu bé mồ côi chỉ vì cái tên mang điềm xấu của cậu (“Người trong bão”)… Lê Quang Trạng cũng phơi bày những góc khuất của lòng tham cùng luật nhân quả.

Khai thác sâu vào ngóc ngách nội tâm của nhân vật, miêu tả và khắc họa sống động nhịp sống của từng bối cảnh trong truyện, dẫn dắt người đọc bằng nhưng tâm tư, hoài niệm của nhân vật…, tất cả khiến 20 truyện ngắn trong tập truyện tạo được ấn tượng và cảm xúc cho người đọc; đồng thời, khẳng định phong độ và sức viết của nhà văn trẻ miền Tây sông nước.

Chia sẻ bài viết