26/12/2019 - 10:40

“Mắt Biếc” - Thành công mới của Victor Vũ 

“Mắt Biếc”, bộ phim của đạo diễn Victor Vũ, đã khép lại năm 2019 của điện ảnh Việt một cách ấn tượng khi nhận được sự quan tâm và những phản hồi tích cực của khán giả, giới chuyên môn. Chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, phim truyền tải tốt tinh thần và cảm xúc của nguyên tác, đưa khán giả đến với câu chuyện tình buồn đầy day dứt.
Tại Cần Thơ, phim đang chiếu tại các cụm rạp của Lotte Cinema và CGV.  

Ngạn và Hà Lan, hai nhân vật chính trong phim.

Ngạn (Trần Nghĩa) và Hà Lan (Trúc Anh) là đôi bạn lớn lên ở làng Đo Đo, cùng nhau bước qua tuổi thơ cho đến khi trưởng thành. Hà Lan có đôi mắt biếc khiến Ngạn si mê, yêu thầm. Khi cả hai lên thành phố học cấp 3, Hà Lan bị vẻ hào nhoáng, sành điệu của Dũng (Trần Phong) - anh họ của Ngạn - quyến rũ. Lúc cô có thai thì bị Dũng bỏ rơi, Ngạn vẫn luôn quan tâm, giúp đỡ cho đến ngày cô sinh con gái. Sau khi tốt nghiệp, Ngạn về quê dạy học và coi con gái Hà Lan như con gái của mình. Thế nhưng, tình cảm của anh với mẹ con Hà Lan lại đi vào bước ngoặt mới đầy éo le…

Mối tình si mà Ngạn dành cho cô bạn “mắt biếc” Hà Lan là câu chuyện đơn phương nổi tiếng nhất của tác giả best-seller Nguyễn Nhật Ánh. Khi lên phim, mối tình này được khắc họa chi tiết, rõ nét qua 3 giai đoạn: thời thơ ấu, tuổi trẻ và khi các nhân vật bước qua nửa đời người. Dù tình cảm không được đáp lại, Ngạn vẫn khờ khạo, tôn thờ đôi mắt biếc, vẫn yêu duy nhất một người, làm những việc tốt nhất cho người ấy. Thậm chí, từ chối tấm chân tình của những người con gái khác. Cách yêu của Ngạn khiến không ít người cảm động, trân quý, nhưng với nhiều người thì điều đó thật không đáng. Ở góc độ của phim, nhà sản xuất đã khiến người xem tin vào tình yêu của Ngạn, làm bật được nỗi tình si của nhân vật qua từng biểu cảm, ánh mắt và cả những tình tiết nhỏ. Diễn viên Trần Nghĩa rất hợp vai Ngạn với vóc dáng gầy gò, thư sinh cùng đôi mắt biết nói, như nhân vật từ trong truyện bước ra.

Bối cảnh, phục trang, đạo cụ của “Mắt Biếc” được ê-kíp sản xuất chăm chút, đầu tư cẩn thận, tạo nên sự chỉn chu và đưa người xem trở về khoảng thời gian của mấy thập niên trước. Khán giả ngạc nhiên và đầy hoài niệm khi nhận ra những vật dụng, đồ dùng một thời đã qua; cảm nhận được sự yên bình của ngôi làng nhỏ ở miền Trung, cảnh đẹp của khu rừng sim tím đầy thơ mộng, nét dân dã của phiên chợ quê hay nét đẹp của nữ sinh trường nữ học khi tan trường… Qua những giai điệu do Christopher Wong và Phan Mạnh Quỳnh sáng tác, cảm xúc khán giả được đẩy lên hòa cùng tâm trạng nhân vật. Mỗi lần ca khúc “Có chàng trai viết lên cây” vang lên đều khiến trái tim người xem rung động. Đặc biệt, trường đoạn cuối phim, âm nhạc góp phần đẩy mọi thứ lên cao trào, tạo ra cái kết dở dang đầy nuối tiếc.  

So với truyện gốc, phim cải biên khá nhiều chi tiết. Một số nhân vật phụ được cắt bỏ hoặc lướt qua; 1 nhân vật hoàn toàn mới  được thêm vào là Hồng, người yêu thầm Ngạn và ôm mối tình si suốt bao năm giống như Ngạn đối với Hà Lan. Điều này giúp phim tập trung khai thác tối đa mối quan hệ của 2 nhân vật chính cũng như lột tả được nỗi lòng của những người yêu đơn phương. Tuy nhiên, đôi chỗ mạch phim hơi chậm, sa đà vào việc kể chuyện mà thiếu ngôn ngữ điện ảnh. Một số chi tiết chưa hợp lý về mặt thời gian, hóa trang nhân vật…

Phim không có ngôi sao hay diễn viên nổi tiếng mà toàn những gương mặt trẻ của điện ảnh nhưng họ đã thể hiện tròn vai và tạo được ấn tượng cho người xem. Với “Mắt Biếc”, đạo diễn Victor Vũ một lần nữa khẳng định tài năng và rất có duyên trong việc chuyển thể tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh lên màn ảnh, sau “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (năm 2015).

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết