20/03/2024 - 22:24

“Lúa ma” có lợi, “lúa cỏ” có hại 

Gần đây, có cảnh báo “lúa ma”, “lúa cỏ” đang đe dọa nghiêm trọng sản lượng lúa gạo ở châu Á; thậm chí có thể làm sản lượng lúa trên một cánh đồng giảm đến 80%. Trao đổi với chúng tôi về chuyện này, nhiều chuyên gia đã chỉ rõ, cần phân biệt đúng “lúa ma” có lợi và “lúa cỏ” có hại.

“Lúa cỏ” có hại

Dẫn thông tin từ báo South China Morning Post (SCMP), tác giả Khánh Lan cho biết: “Sự xâm lấn của các loài lúa ma, hay còn gọi là lúa cỏ (weedy rice), đang đe dọa nghiêm trọng sản lượng lúa gạo ở châu Á. Các nghiên cứu chỉ ra rằng lúa ma có thể làm sản lượng lúa trên một cánh đồng giảm đến 80%”.

Gặt lúa ma ở An Giang năm 2014. Ảnh: Lê Thanh Phong

Bài báo nhấn mạnh, những cánh đồng lúa trù phú ở châu Á cung cấp lương thực cho thế giới trong nhiều thế kỷ. Nhưng sản lượng lúa gạo của khu vực này đang đối mặt mối đe dọa từ  “người anh em họ” lúa ma, càng phát triển mạnh mẽ một phần do tập quán canh tác kém. SCMP viết tiếp: Với hạt có kết cấu tinh bột và vỏ trấu sẫm màu, không thích hợp để tiêu thụ, lúa ma có thể phát triển nhanh chóng và cao hơn các giống lúa trồng thông thường. Do lúa ma xâm lấn, chất lượng thu hoạch, năng suất và giá trị thị trường của lúa trồng thông thường giảm đáng kể trong những năm gần đây.

“Chúng đã trở nên “bất trị” thông qua một quá trình chọn lọc ngẫu nhiên. Chúng sẽ bám và ẩn mình trên các cánh đồng, nhưng vấn đề là vào thời điểm chúng được phát hiện, mức độ thiệt hại đã khá lớn. Một đợt tàn phá của lúa ma có thể làm giảm sản lượng lúa gạo trên một cánh đồng nhất định lên tới hơn 80%”, Kenneth Olsen, Giáo sư sinh học tại Đại học Washington (Mỹ), nói. Giáo sư Olsen là thành viên của một nhóm quốc tế bao gồm các nhà sinh vật học ở Mỹ, Thái Lan, Malaysia và Trung Quốc, tham gia phân tích mối đe dọa của lúa ma trong một nghiên cứu gần đây.

Nguồn gốc của lúa ma chưa được xác định rõ ràng. Nông dân ở châu Á lần đầu tiên báo cáo sự hiện diện của loại lúa này khoảng hai thập niên trước. Giáo sư Olsen cho biết, phần lớn các loại lúa ma ở Đông Á dường như có nguồn gốc trực tiếp từ các giống lúa lai được giới thiệu vào thập niên 1980. Theo một số nghiên cứu, lúa ma có thể liên quan đến một số giống lúa trồng ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. “Những loại lúa cỏ hung hãn này có thể phát triển lấn át các loại lúa trồng thông thường khác”, Giáo sư Olsen nói. Ông cho biết thêm, chỉ cần một lượng nhỏ lúa ma trên một mét vuông của cánh đồng cũng có thể gây thiệt hại lớn cho sản lượng của lúa trồng. Chẳng hạn, trong vài năm qua, Mỹ chứng kiến sản lượng lúa mất mát đủ để nuôi sống 12 triệu người do sự xâm lấn của lúa ma. Nhờ một đột biến gen nhất định, một số loài lúa ma có thể phát tán hạt giống rộng khắp ruộng lúa. “Những hạt giống này có thể nằm im và hoàn toàn có khả năng tồn tại trong 20 năm”, Olsen nói.

Theo Tonapha Pusadee, nhà nghiên cứu ở Đại học Chiang Mai, Thái Lan, báo cáo thiệt hại khoảng 10% sản lượng lúa gạo do vấn đề lúa ma trong những năm gần đây. Một số nghiên cứu cho thấy các loại lúa ma ở Đông Nam Á có các con đường tiến hóa khác nhau, bao gồm một số loại có nguồn gốc từ lúa trồng. Pusadee cho biết, nông dân Thái Lan đã sử dụng nhiều cách để đối phó với lúa ma, chẳng hạn như cắt bỏ bông hoặc phần ngọn của chúng, sử dụng hóa chất để loại bỏ hoặc chỉ trồng lúa một mùa mỗi năm. Bà nói thêm, giải pháp bỏ hoang cánh đồng có thể hiệu quả ở một mức độ nào đó trong việc tiệt trừ lúa ma, nhưng hầu hết nông dân cần canh tác để kiếm sống. “Nhiều nông dân không phải là chủ đất và hàng năm phải trả tiền thuê ruộng. Để xử lý lúa ma triệt để, bạn phải bỏ không cánh đồng trong 2-3 năm và sau đó, cố gắng tiêu diệt tất cả các cây lúa ma xuất hiện trên đồng”, bà nói thêm.

Các giống lúa kháng thuốc diệt cỏ đã được giới thiệu để giúp hạn chế sự lây lan của lúa ma. Nhưng chúng lại khiến vấn đề trở nên trầm trọng hơn vì một số loại lúa ma đã tiến hóa để kháng thuốc diệt cỏ. “Một số loại lúa ma đã trở nên kháng thuốc diệt cỏ”, B K Song, một nhà nghiên cứu lúa ma người Malaysia, đồng thời là tác giả của nghiên cứu mới về loại lúa này, nói. Ông cho biết, một số nông dân không tuân thủ các hướng dẫn về quản lý lúa kháng thuốc diệt cỏ và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng. Chẳng hạn, họ trồng lúa kháng thuốc diệt cỏ nhiều năm liên tiếp trên một cánh đồng, tạo điều kiện những cây lúa ma bị bỏ sót tiến hóa để kháng thuốc diệt cỏ. Ở một số vùng của Malaysia, sự thất bại trong việc áp dụng công nghệ lúa kháng thuốc diệt cỏ chủ yếu do sự thiếu hiểu biết của nông dân và thiếu hệ thống hỗ trợ họ.

Trong khi đó, sự gia tăng cơ giới hóa nông nghiệp ở châu Á cũng khiến lúa ma phát tán rộng hơn, vì nông dân không thể phát hiện ra lúa ma để loại bỏ bằng thủ công. “Các quốc gia theo đuổi nền nông nghiệp công nghiệp hóa đã đối mặt với vấn đề lúa ma trong hơn ba, bốn thập niên qua”, giáo sư Olsen nói. Ông cho biết thêm, ngay cả những khu vực sản xuất lúa gạo khác như Nam Mỹ cũng không tránh khỏi tai họa lúa ma. Brazil báo cáo rằng lúa ma đã ảnh hưởng sản lượng lúa gạo của nước này.

“Lúa ma” có lợi

Ngày 12-3-2024, thông qua zalo, chúng tôi đã hỏi một số chuyên gia nông nghiệp: “Thông tin trên có như thế nào? Lúa ma này khác lúa ma xưa của ĐBSCL ra sao?”. Các câu trả lời qua zalo sau đây đều khẳng định, nên phân biệt rõ “lúa ma” của ĐBSCL là loài có lợi, cần được bảo tồn và “lúa cỏ” như thông tin trên là loài có lại.

Gặt lúa ma ở Đồng Tháp Mười. Ảnh: Lê Anh Tuấn

GS.TS Võ Tòng Xuân: “Lúa ma này là loài cỏ mọc hoang trong ruộng lúa thường. Lúa ma ngày xưa (wild rice) cũng được gọi như thế, hoặc “lúa hoang” là giống lúa mọc tự nhiên theo các bờ mương hoặc ruộng hoang ở Đồng Tháp Mười, đến mùa thu hoạch nông dân chèo xuồng ra thu hoạch về tiêu thụ. Ta có 2 giống lúa ma là Oryza rufipogon và Oryza nivara. Lúa ma trong bài báo đúng là lúa cỏ mọc lẫn với lúa ăn, phát tán rất nhanh, hạt dễ rụng và nằm lẫn trong ruộng để mọc trở lại trong mùa tới. Cách diệt chúng là trong mùa lúa kế tiếp, chủ ruộng khoan gieo lúa ăn để chờ bọn lúa ma mọc lên rồi cày vùi chúng vào đất làm phân hữu cơ luôn, sau đó mới sạ lúa ăn”.

PGS.TS Bùi Bá Bổng, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Lúa ma còn được gọi là lúa cỏ, lúa đỏ, lúa lộn có phổ biến trên ruộng lúa sạ, tuy nhiên có thể quản lý để không ảnh hưởng đến năng suất lúa. Hiện nay với kỹ thuật sạ bằng máy (sạ hàng hay sạ cụm) và sử dụng hạt giống xác nhận sẽ giúp giảm đáng kể lúa bị lẫn lúa ma. Có nhiều tài liệu tiếng Việt về lúa cỏ. PGS.TS Dương Văn Chín là chuyên gia về lúa ma”.

GS.TS Bùi Chí Bửu, Nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL: “Lúa ma khác với lúa cỏ (weedy rice). Lúa ma hay lúa hoang là tài nguyên di truyền phải bảo tồn, rất quan trọng. Nó là nguồn cung cấp gen quý hiếm trước biến đổi khí hậu. Lúa cỏ là lúa mọc lẫn trong ruộng. Nếu áp dụng canh tác cấy lúa hoặc sử dụng thuốc cỏ đúng phương pháp đều có thể kiểm soát được. Lúa ma ở ĐBSCL là Oryza rufipogon. Lúa cỏ là lúa lai tạp với lúa ma nhưng phần lớn là dòng con bị phân ly trở lại kiểu hình hoang dại, dễ rụng hạt. Chỉ có Malaysia bị lúa cỏ nặng. Bình Thuận và Long An trước đây cũng bị. Chiến dịch “1 phải, 5 giảm” đã khắc phục lâu rồi”.

Lúa ma có lợi. Ảnh: Lê Anh Tuấn

Dịch chữ weedy rice là lúa ma là không đúng. Người viết bài lúa cỏ rất cực đoan. Không khéo nông dân mình phát bỏ lúa hoang nổi trên kinh rạch, nguy hiểm vô cùng. Bảo quản lúa hoang trong ngân hàng gen không tốt bằng trong tự nhiên bởi vì nó còn cơ hội tiến hóa và tăng cường đa dạng di truyền, là yếu tố then chốt của nông nghiệp xanh”.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Đệ, Trường Đại học Cần Thơ: “Chữ “Weedy rice” dịch đúng là “lúa cỏ”. Từ “Lúa ma” hay “lúa trời” là từ dân gian để gọi cho cây lúa hoang (Oryza rufipogon), khác loài với lúa trồng, mọc lẫn trong ruộng “lúa mùa nổi” ngày xưa. Đây là cây “đa niên” có thể phát triển theo cả hai cách, “vô tính” (mọc từ thân ngầm dưới mặt đất) và “hữu tính” (từ hạt rơi rụng từ mùa trước); hạt dễ rụng, ăn được, ngon, Đài truyền hình Cần Thơ đã có phim tư liệu thu hoạch lúa ma của cư dân vùng lúa nổi, bằng cách bơi xuồng có ngăn tấm đệm ở giữa rồi dùng hai cây sào gạt bông lúa, cho rụng hạt vào xuồng.

Còn “Lúa cỏ” (Weedy rice), xuất hiện gần đây trên lúa cao sản ngắn ngày. Cách đây khoảng gần 15-20 năm, hiện tượng này khá phổ biến trên các trà lúa ngắn ngày như mô tả trong bài báo. PGS.TS Dương Văn Chín cũng đã có một số bài báo khoa học nghiên cứu về vấn đề này.

Gần đây, do việc canh tác của nông dân mình tốt lên, đặc biệt là công tác chọn và giữ giống (công tác “1 phải”: dùng giống xác nhận, không lẫn tạp), làm đất kỹ, có khi còn để một thời gian cho các hạt lúa rơi rụng vụ trước mọc lên rồi vùi đi, hoặc dùng thuốc diệt lúa cỏ trước khi gieo sạ, nên hầu như đến bây giờ chuyện lẫn lộn lúa này không còn là vấn đề quan trọng nữa”.

PGS.TS Lê Anh Tuấn, Trường Đại học Cần Thơ: “Lúa ma là loại lúa hoang dại, chỉ mọc được một số vùng đặc biệt như Tràm Chim chẳng hạn. Nó có tính chống chịu khắc nghiệt cao, có những gen quý hiếm có thể lai tạo cho những loài lúa khác để tạo ra những giống chịu ngập, chịu phèn và chống bệnh cây”.

PGS. TS Lê Văn Vàng, Trường Đại học Cần Thơ: “Lúa cỏ là một dạng “biến dị” của lúa trồng (tên khoa học là Oryza sativa). Trước đây lúa hoang (tên khoa học là Oryza rufipogon) được gọi là lúa ma. Hình thái và đặc điểm sinh trưởng của lúa cỏ hiện tại gần với lúa trồng, nên đây là đối tượng rất khó quản lý”.

TS Dương Văn Ni, Trường Đại học Cần Thơ: “Cái nầy không nên gọi là lúa ma, mà là lúa lai tạp, hay lúa tạp, tức nó là do các giống lúa mình canh tác lai tạp với nhau, tạo thành giống mới, không tên không tuổi”.

HUỲNH KIM

Chia sẻ bài viết