Du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch COVID-19. Nhiều kịch bản, giải pháp đã được ngành Du lịch từ Trung ương đến các địa phương xây dựng, để duy trì sự tồn tại và nỗ lực thay đổi thực trạng. Du lịch Cần Thơ cũng đang từng bước tháo gỡ khó khăn, xây dựng định hướng thích ứng theo tình hình mới.
Kiểm tra việc thực hiện 5K tại các bến tàu du lịch (Ảnh chụp từ tháng 5-2021).
Gỡ khó
Theo ghi nhận của ngành Du lịch thành phố, trong 7 tháng đầu năm 2021 lượng du khách đến Cần Thơ chỉ đạt trên 2 triệu lượt (chủ yếu ở giai đoạn 4 tháng đầu năm), ở mức 33,4% kế hoạch năm. Mức sụt giảm lượng khách đến nặng nề nhất là trong tháng 7 và 8, giảm hơn 98% so với cùng kỳ năm trước. Ðây cũng là giai đoạn TP Cần Thơ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch.
Du lịch tại Cần Thơ gần như đã dừng hoạt động từ tháng 6. Trong đó, các doanh nghiệp lớn vẫn duy trì trong tình trạng cầm chừng, bảo trì, cắt giảm nhân sự. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các điểm vườn gần như đóng cửa 100%, hoặc chuyển đổi mô hình hoạt động. Không chỉ doanh nghiệp gặp khó, người lao động cũng rơi vào tình trạng mất việc, nhất là lực lượng hướng dẫn viên.
Từ thực tế này, ngành Du lịch TP Cần Thơ đã xây dựng các giải pháp và đề xuất với UBND thành phố những chính sách hỗ trợ phù hợp. Theo đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) thành phố đã phối hợp với Sở Công Thương, Ðiện lực thành phố để có chính sách hỗ trợ về thuế, giảm giá điện cho các doanh nghiệp. Ðồng thời, ngành Du lịch thành phố đã tổng hợp danh sách các hướng dẫn viên để đề xuất hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP 2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Ðến nay, Sở VHTT&DL đã trình UBND thành phố ban hành quyết định hỗ trợ 41 hướng dẫn viên du lịch, với số tiền trên 152 triệu đồng. Triển khai đăng ký tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhân viên, người lao động đến doanh nghiệp du lịch trên địa bàn TP Cần Thơ. Hiện đã có 150 doanh nghiệp đăng ký, với tổng số 3.839 nhân viên, người lao động. Bên cạnh đó, ngành Du lịch cũng tích cực hỗ trợ các đơn vị có nhu cầu vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 gửi về Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố. Qua đó, có 9 doanh nghiệp đăng ký vay vốn, với số tiền trên 28 tỉ đồng.
Trước nhiều khó khăn, ngành Du lịch thành phố đã nỗ lực để cùng doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh dịch vụ, khu điểm vườn và người lao động trong ngành cùng nhau vượt khó. Ðây là những giải pháp tạm thời nhưng cấp bách và cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Về lâu dài, ngành Du lịch địa phương đang xây dựng nhiều định hướng để khôi phục, phát triển bền vững, thích ứng với dịch bệnh.
Thích ứng theo hoàn cảnh
Ðại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đòi hỏi các địa phương phải dần thích ứng và tạo điều kiện để khôi phục các hoạt động kinh tế, xã hội. Trong bối cảnh vừa giữ an toàn vừa thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, ngành Du lịch xác định việc duy trì và phát triển là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài. Theo đó, thời gian tới ngành Du lịch Cần Thơ tiếp tục tập trung xây dựng các sản phẩm mới, trong đó tập trung cho các loại hình chính như: du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo), du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch sông nước, du lịch văn hóa - lịch sử… Ðịa bàn tập trung là các quận, huyện: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Phong Ðiền, Thốt Nốt.
Du lịch cộng đồng cồn Sơn, TP Cần Thơ, trước khi dịch bệnh bùng phát.
Sở VHTT&DL thành phố đã xây dựng kế hoạch khảo sát và xây dựng sản phẩm, dịch vụ du lịch; kế hoạch khảo sát, đánh giá sản phẩm du lịch tại các mô hình du lịch cộng đồng... trên địa bàn. Qua đó, từng bước hỗ trợ các địa phương xây dựng sản phẩm, thương hiệu riêng. Trước mắt là quận Thốt Nốt có đề án “Phát triển du lịch phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ” giai đoạn 2021-2025, nhằm từng bước xây dựng thương hiệu du lịch và mô hình du lịch cộng đồng tại phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt; xây dựng thí điểm mô hình du lịch cộng đồng tại huyện Phong Ðiền; tiến hành các bước xây dựng đề án phát triển du lịch nông nghiệp tại thành phố...
Song song đó, ngành Du lịch thành phố định hướng phát triển làng nghề gắn với du lịch, trên cơ sở Cần Thơ hiện có 4 làng nghề đã được UBND TP Cần Thơ công nhận. Các làng nghề tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị và đang hoạt động khá ổn định, trong đó đã hình thành 2 hợp tác xã, 50 doanh nghiệp với khoảng 869 hộ và trên 4.200 lao động tham gia. Doanh thu hàng năm ước đạt 138 tỉ đồng. Từ đó, ngành Du lịch cũng đang phối hợp với các địa phương xây dựng và triển khai những chính sách hỗ trợ phù hợp, nhằm đẩy mạnh các hoạt động này. Cụ thể như ngành đã phối hợp với quận Bình Thủy triển khai thí điểm các mô hình nông nghiệp đô thị gắn với du lịch tại phường Long Tuyền, tổ chức các lớp tập huấn về du lịch và chuyển giao khoa học kỹ thuật góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất của làng nghề theo định hướng liên kết và phát triển phục vụ khách du lịch.
Ngoài ra, ngành Du lịch thành phố cũng đang phối hợp với các cơ quan, viện, trường và các đơn vị liên quan tổ chức các lớp đào tạo nhân lực cho Chương trình OCOP. Theo đó, tại Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020, thành phố đã lựa chọn được 40 sản phẩm tập trung vào 6 ngành hàng, như: thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, lưu niệm - nội thất- trang trí, dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng. Hiện nay, toàn thành phố có 27 sản phẩm OCOP. Ðây là những chương trình góp phần tạo ra sản phẩm quà tặng, lưu niệm cho du khách đến thành phố, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu, sản phẩm địa phương.
Sở VHTT&DL thành phố tiếp tục triển khai thực hiện các dự án, đề tài: “Xây dựng mô hình tuyến du lịch đường sông theo liên kết chuỗi cung ứng dịch vụ tại TP Cần Thơ”, “Phát triển mô hình du lịch MICE tại TP Cần Thơ”, “Ðánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp khai thác hiệu quả các di tích lịch sử - văn hóa vào phát triển du lịch ở TP Cần Thơ”, nhằm xây dựng mô hình liên kết chuỗi cung ứng dịch vụ, du lịch đường sông để khai thác tối đa tiềm năng, phát huy lợi thế sản phẩm du lịch đặc thù của thành phố. Song song đó, du lịch TP Cần Thơ cũng xây dựng các kế hoạch xúc tiến quảng bá đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xây dựng tuyến du lịch đặc trưng, hấp dẫn, thu hút du khách. Ðồng thời, để thích ứng theo bối cảnh mới, ngành sẽ tập trung ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành hoạt động du lịch; chủ động, sáng tạo, tiếp cận công nghệ mới, chuyển đổi cách thức hoạt động và phát triển các sản phẩm mới, tận dụng cơ hội chuyển đổi số một cách hiệu quả.
Mặt khác, Sở VHTT&DL TP Cần Thơ vẫn tiếp tục đồng hành và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để cùng doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19. Trong đó, tập trung vào công tác phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn trong hoạt động du lịch, đặt an toàn của du khách, người dân, người lao động du lịch lên trên hết; từng bước phục hồi hoạt động du lịch khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.
Bài, ảnh: ÁI LAM