28/01/2021 - 08:03

Ðiện ảnh Việt tiếp tục vượt khó 

Do dịch COVID-19, số lượng phim Việt ra rạp năm 2020 chỉ bằng một nửa so với năm 2019. Đầu năm 2021, tình hình doanh thu từ rạp chiếu vẫn chưa thực sự khởi sắc, dù đã ghi nhận một vài điểm sáng, đòi hỏi điện ảnh nước ta phải tiếp tục vượt khó bằng cách chăm chút nội dung, kỹ lưỡng trong chiến lược truyền thông.

Poster phim “Sám hối”.   

Nguyên nhân chính khiến thị trường phim chiếu rạp nói chung và điện ảnh Việt lao đao là do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Nếu như những năm trước đây, mỗi năm có khoảng 40-45 phim Việt ra rạp, thì năm 2020 chỉ còn khoảng hơn 20 phim được chiếu, nhiều phim phải hoãn hoặc dời lịch phát hành liên tục vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Số lượng khán giả đến rạp cũng giảm rất nhiều, nhất là giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội vào tháng 4-2020 đã làm thay đổi thói quen của khán giả. Công chúng có nhiều lựa chọn với phim trực tuyến tại nhà, nên khi trở lại rạp, họ khắt khe, chọn lọc hơn. Hiệu ứng truyền miệng hay khen chê của truyền thông cũng khiến tâm lý của khán giả bị tác động, nhất là khi cân nhắc lựa chọn những phim công chiếu cùng thời điểm. 

Cuối năm 2020 và đầu năm 2021, khi dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát ở nước ta, hàng loạt phim Việt đồng thời ra rạp với hy vọng thị trường điện ảnh khởi sắc trở lại. Các phim phong phú thể loại, đa dạng về nội dung và công tác quảng bá cũng được đẩy mạnh. Tuy nhiên, khi khán giả có nhiều cơ hội lựa chọn hơn thì sức cạnh tranh càng lớn hơn. Lúc này, yếu tố tiên quyết vẫn là chất lượng của phim mà quan trọng nhất vẫn là kịch bản. Trong khi đó, điểm yếu lâu nay của phim Việt vẫn là kịch bản còn nhiều lỗ hổng, nội dung thiếu thuyết phục hoặc chạy theo thị hiếu mà quên trau chuốt về chất lượng.

Vì vậy, xuất hiện những phim có kinh phí đầu tư hàng chục tỉ đồng nhưng doanh thu ảm đạm. Ðiển hình như “Cậu Vàng”, “Ðỉnh mù sương”, “Người cần quên phải nhớ”, “Võ sinh đại chiến”, “Sám hối”… Charlie Nguyễn - nhà sản xuất “Người cần quên phải nhớ” - cho rằng phim thất bại vì câu chuyện chưa chạm tới trái tim khán giả, nhà làm phim chưa kể một câu chuyện đủ hay. Phim “Sám hối” do Bình Minh đóng vai chính đang là cú trượt phòng vé khi đầu tư 50 tỉ đồng, nhưng đến ngày 20-1 chỉ đạt hơn 700 triệu đồng từ phòng vé. Nguyên nhân chính là câu chuyện về người cha võ sĩ vì cứu con mắc bệnh nan y mà chấp nhận tham gia đường dây dàn xếp kết quả có quá nhiều lỗ hổng và thiếu logic, khiến người xem bức xúc. Tác phẩm nhận được nhiều khen chê trái chiều và sự chú ý của dư luận nhất trong thời gian qua là “Cậu Vàng”, phim lấy cảm hứng từ truyện ngắn “Lão Hạc” của nhà văn Nam Cao. Dù có nhiều nỗ lực trong đầu tư bối cảnh, trang phục, diễn xuất… nhưng ê kíp làm phim không cứu nổi một tác phẩm quá ôm đồm nội dung, nhiều sạn và hình tượng chú chó gây nhiều tranh cãi. Trường hợp của “Võ sinh đại chiến” khá đặc biệt khi nội dung và kịch bản phim được đánh giá cao, nhưng nhà sản xuất quyết định rút khỏi rạp sau 6 ngày ra mắt vì cho rằng bị chèn ép trong khâu phát hành với các suất chiếu và giờ chiếu không thuận lợi cho người xem.

Dù vậy, phim Việt vẫn có điểm sáng khi có những bộ phim gây được tiếng vang, đạt doanh thu cao như: “Ròm”, “Tiệc trăng máu”, “Gái già lắm chiêu 3”, “Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử”… Những phim này, ngoài kịch bản tốt còn có những yếu tố khác như nội dung nhân văn, ý nghĩa, đội ngũ diễn viên thực lực, đạt những giải thưởng cao ở các liên hoan phim quốc tế hay sức hút từ phần 1… Ðiều đó cho thấy, khán giả sẽ không quay lưng với những tác phẩm chất lượng và đáp ứng được nhu cầu giải trí của số đông.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết