19/04/2022 - 08:15

Ðiện ảnh Nhật Bản và nghịch lý với “Drive My Car” 

BẢO LAM (Theo Nytimes)

Tác phẩm của điện ảnh Nhật Bản “Drive My Car” vừa thắng tượng vàng Oscar 2022 Phim quốc tế xuất sắc nhất. Thành công này vốn dĩ được kỳ vọng sẽ mở ra trang mới cho ngành công nghiệp điện ảnh Nhật, nhưng “Drive My Car” lại tạo một nghịch lý mới.

Phim “Drive My Car”.

Lần cuối một phim Nhật Bản đoạt Oscar Phim quốc tế hay nhất cách đây 13 năm. Khi đó “Departures” của đạo diễn Yojiro Takita gần như vô danh và chiến thắng Oscar đã khiến nhiều người quan tâm đến “Departures” cũng như điện ảnh Nhật. Bởi vì điện ảnh Nhật Bản đã qua giai đoạn hoàng kim của thời giữa thế kỷ XX, nên thành công của “Departures” đánh thức các thế hệ làm phim mới. Từng bước, điện ảnh Nhật Bản tạo sự chú ý trở lại với “Shoplifters” (2018) của Hirokazu Kore-eda khi phim chiến thắng Cành cọ vàng tại Liên hoan phim quốc tế (LHP) Cannes, góp mặt trong đề cử Phim quốc tế xuất sắc nhất ở Oscar; hay “Wife of a Spy” của Kiyoshi Kurosawa thắng giải đạo diễn xuất sắc ở LHP Venice năm 2020. Cho đến khi sự xuất hiện của “Drive My Car” đã thực sự phá vỡ sự tĩnh lặng của ngành công nghiệp điện ảnh Nhật Bản.

“Drive My Car” của đạo diễn Ryusuke Hamaguchi được đề cử Oscar ở các hạng mục Kịch bản chuyển thể, Ðạo diễn xuất sắc, Phim quốc tế xuất sắc nhất và Phim xuất sắc nhất. Chiến thắng Phim quốc tế xuất sắc nhất Oscar 2022 của “Drive My Car” được xem như đánh dấu sự trở lại đỉnh cao của các nhà làm phim Nhật Bản trên trường quốc tế, bởi đây là phim Nhật hiếm hoi mang tính toàn cầu. Nội dung phim xoay quanh một nhóm diễn viên từ nhiều quốc gia phải cùng làm việc trong một tác phẩm nhạc kịch, vì thế có nhiều ngôn ngữ xuất hiện trong “Drive My Car”. Phim thể hiện một Nhật Bản được quốc tế hóa và khắc họa những nhân vật sống cách ly xã hội, cộng hưởng với những ấn tượng của phương Tây về xã hội Nhật Bản. Jennifer Coates, giảng viên Ðại học Sheffield (Anh), cho rằng câu chuyện của “Drive My Car” phù hợp với thực tế, bởi sự cô đơn do đại dịch hoặc hiện tượng sống ẩn dật cực độ (gọi là “hikikomori”) đang tồn tại không chỉ ở xã hội Nhật mà còn nhiều nơi khác.

Mặc dù “Drive My Car” được cộng đồng làm phim quốc tế đón nhận, nhưng tại quê nhà Nhật Bản phim chỉ thu về khoảng 889 triệu yen (tương đương hơn 7 triệu USD) từ khi ra rạp vào tháng 8-2021. Doanh thu này cho thấy một nghịch lý mới nảy sinh trong ngành công nghiệp phim ảnh Nhật Bản. Bởi vì Nhật Bản có nhiều chính sách và ưu đãi dành cho phim nội địa, nên trong thời gian dài các phim Nhật đều có chỗ đứng vững chắc ở phòng vé quốc gia, ngay cả các phim từ Hollywood cũng phải chịu lép vế ở thị trường này. Nhưng “Drive My Car” đang cho thấy một thực tế ngược lại: đáng lẽ một phim được vinh danh ở Oscar sẽ được chào đón nồng nhiệt hơn, nhưng điều đó không xảy ra.

Lý giải về nguyên nhân, các chuyên gia cho rằng đạo diễn Ryusuke Hamaguchi không làm phim theo truyền thống của các hãng phim đại chúng Nhật Bản, nơi nguồn tài chính đến từ mạng lưới các nhà sản xuất phim, công ty quảng cáo, đài truyền hình và thậm chí công ty mỹ phẩm. Thay vào đó, Ryusuke Hamaguchi đã tìm kiếm tài trợ độc lập từ các công ty nhỏ không có nhiều sức mạnh quảng bá trên thị trường nội địa, nhưng đổi lại anh được giữ sự sáng tạo của riêng mình.

Thực tế, khán giả Nhật chi tiêu khoảng 162 tỉ yen (tương đương 1,3 tỉ USD) vào rạp phim trong năm 2021 với gần 80% trong số đó là dành cho phim sản xuất tại Nhật Bản. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, các phim Nhật nội địa rất khó tiếp cận thị trường quốc tế vì đa phần không có câu chuyện phù hợp với thị trường này. Vì thế, nhà sản xuất kiêm phê bình Tamaki Tsuda cho rằng thành công ở Oscar của “Drive My Car” có thể khiến nhiều nhà làm phim Nhật Bản cân nhắc tới khán giả quốc tế hơn và đổi mới cách làm, nhất là ngày càng có nhiều nền tảng trực tuyến như Netlix, Amazon… giúp phim Nhật dễ tiếp cận thị trường toàn cầu hơn.

Chia sẻ bài viết