17/09/2018 - 20:40

“Hạt nhân” trung tâm dịch vụ vùng 

Nằm ở vị trí địa lý đặc biệt, TP Cần Thơ là cửa ngõ kết nối 12 tỉnh Tây Nam bộ. Từ lợi thế này, thành phố xác định phát triển thương mại - dịch vụ là mũi nhọn phát triển kinh tế. Cũng từ đây, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp chọn Cần Thơ làm “hạt nhân” trong chiến lược đầu tư để lan tỏa tại ĐBSCL.

"Hạt nhân" vùng ĐBSCL

Nhận định về TP Cần Thơ, ông Achim Fock, Quyền Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng: Sự phát triển đầy ấn tượng về cơ sở hạ tầng đã làm cho Cần Thơ trở thành cửa ngõ của hạ lưu sông Mekong và là đầu tàu kinh tế của toàn bộ khu vực. Bộ mặt đô thị của thành phố đang phát triển theo hướng hiện đại, xanh, sạch và đẹp, đáp ứng tiêu chí đô thị của thành phố loại I và là 1 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước. Hoạt động kinh doanh của khu vực tư nhân trên địa bàn thành phố đang tăng nhanh chóng. Thành phố không ngừng nỗ lực đầu tư vào cơ sở hạ tầng công cộng. Cơ sở hạ tầng vật chất đã được tăng cường với nhiều dự án mang tính bước ngoặt như: Cảng biển Cái Cui quy hoạch Trung tâm logistics hạng II, Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn, quốc lộ 1A, cầu Cần Thơ, quốc lộ 91B và mạng lưới giao thông nông thôn đang từng bước được xây dựng và nâng cấp. Thành quả rõ nét của tư duy thu hút đầu tư đổi mới là việc TP Cần Thơ xác lập vị trí thứ 10 trong bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017, liên tục có mặt trong nhóm đứng đầu cả nước về PCI trong 6 năm trở lại đây. TP Cần Thơ được xem là "hạt nhân" cho chiến lược đầu tư tại ĐBSCL.

Sự góp mặt của hệ thống Vimcom Plaza tại TP Cần Thơ đã tạo diện mạo mới ngành thương mại dịch vụ trên địa bàn thành phố.

Điển hình rõ nét nhất là sự phát triển của hệ thống trung tâm thương mại. Trên địa bàn TP Cần Thơ có sự xuất hiện của các thương hiệu bán lẻ trong và ngoài nước như: LOTTE Mart, Big C, Mega Market, Sense City, Vincom, Co.opmart, Vinmart, Nguyễn Kim, Thegioididong, FPT… cùng các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini và hệ thống chợ truyền thống đã và đang khẳng định tính năng động, đa dạng của dịch vụ. Ông Đoàn Diệp Bình, Trưởng Phòng Truyền thông và Thương hiệu, LOTTE Mart Việt Nam, cho biết, với tiềm năng phát triển cao, thị trường rộng lớn, đây cũng chính là lý do để chúng tôi quyết định đầu tư tại Cần Thơ. Một thành phố với nhịp sống sôi động, điểm sáng của vùng ĐBSCL, hội tụ đủ những yếu tố hỗ trợ sự phát triển của thương mại dịch vụ, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao… là đầu tàu giúp cho các tỉnh thành khu vực sông Mekong phát triển.

Đặt mục tiêu  du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đưa TP Cần Thơ là "Điểm đến du lịch lý tưởng - An toàn - Thân thiện - Chất lượng". Để hiện thực hóa mục tiêu này, TP Cần Thơ đã tích cực chủ động tìm kiếm, mời gọi nhà đầu tư có thế mạnh vào từng khu vực dự án trọng điểm. Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT, Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư địa ốc Nova (Novaland), cho biết với tổng vốn đầu tư 700 triệu USD, Novaland khởi động với Khu nghỉ dưỡng cao cấp Azerai Cần Thơ (cồn Ấu) nay đã hoàn chỉnh và đưa vào hoạt động; dự án chuyển đổi bến phà Cần Thơ cũ thành bến tàu du lịch trung tâm, phát triển các tuyến du lịch trên sông, nối kết với các tỉnh và các nước trong khu vực; gián tiếp hỗ trợ việc khai thác sân bay Cần Thơ… Novaland cũng đang phối hợp với nhà tư vấn cùng Lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL để tìm ra nhiều mô hình du lịch thích hợp có tiềm năng sẵn có tại địa phương và nâng cấp theo tiêu chuẩn quốc tế nhưng vẫn bảo vệ môi trường, bảo tồn được bản sắc văn hóa miền sông nước.

Hiện thực hóa

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, TP Cần Thơ đang là điểm đến hấp dẫn cho những ai tìm kiếm cơ hội tốt hơn. Để làm được điều này, ông Achim Fock cho rằng, thành phố cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông đa phương thức, cùng với việc tạo ra một môi trường thuận lợi cho các dịch vụ logistics hiệu quả cao. Cần thu hút thêm nguồn lực từ khu vực tư nhân (trong và ngoài nước) để đầu tư vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng vật chất; các dịch vụ giáo dục và y tế chất lượng cao; các ngành công nghiệp xanh; du lịch; nông nghiệp công nghệ cao và hiện đại hóa chuỗi giá trị nông sản thực phẩm, đặc biệt là gạo và các sản phẩm thủy sản.

Bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC cho rằng, để TP Cần Thơ có được bước tiến tích cực về môi trường đầu tư như hôm nay, một phần rất lớn xuất phát từ "cú huých niềm tin" của một Chính phủ kiến tạo và hành động. Trong chiến lược phát triển bất động sản nghỉ dưỡng đa hình thái thời gian tới, Tập đoàn FLC lựa chọn TP Cần Thơ làm "hạt nhân" cho chiến lược đầu tư tại ĐBSCL. Trên cơ sở tiềm năng sẵn có của Cần Thơ, Tập đoàn FLC đã và đang nghiên cứu đầu tư 3 dự án hạ tầng du lịch quy mô lớn, bao gồm mô hình tháp biểu tượng dịch vụ 5 sao tại trung tâm thành phố và hai quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, đầy đủ tiện ích tiêu chuẩn quốc tế, tổng diện tích lên tới 1.600ha. Sức bật từ những dự án du lịch này được kỳ vọng sẽ lan tỏa động lực cộng hưởng cho toàn vùng, biến các liên kết song tỉnh hiện hữu thành các liên kết đa tỉnh, tạo nền tảng hình thành một mạng lưới hạ tầng du lịch đồng bộ giúp khai thác triệt để toàn bộ thế mạnh của từng địa phương để đưa TP Cần Thơ trở thành vùng lõi của thương hiệu du lịch "một hành trình, nhiều điểm đến".

TP Cần Thơ được Chính phủ lựa chọn là nơi để xây dựng Trung tâm logistics hạng II với diện tích 242ha tại khu vực cảng Cái Cui, quận Cái Răng. Trong chiến lược phát triển dịch vụ logistics, TP Cần Thơ đã ban hành các quyết định về quy hoạch hệ thống cảng biển, bến thủy nội địa; phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics... TP Cần Thơ cũng đã nâng cấp, cải tạo một số cảng như: cảng Cần Thơ, cảng Hoàng Diệu, khu bến Cái Cui, khu bến Trà Nóc - Ô Môn nhằm góp phần tăng cường khối lượng vận chuyển hàng hóa, kết nối vùng trong khu vực và giảm thời gian, chi phí vận chuyển hàng hóa.

Về phát triển dịch vụ logistics theo quy hoạch Trung tâm logistics hạng II, thành phố cần sớm tiến hành xây dựng một cảng Cái Cui thống nhất để tận dụng tốt lợi thế địa lý, phát huy sức mạnh tập trung, đáp ứng yêu cầu của thành phố và khu vực. Ông Phùng Ngọc Minh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho rằng: "Nếu được giao quản lý, Tân Cảng Sài Gòn cam kết sẽ nỗ lực để phát triển cụm cảng Cái Cui thành cảng biển lớn, hiện đại và là Trung tâm logistics lớn của khu vực ĐBSCL, giảm được chi phí vận chuyển tối thiểu 5-10 USD/tấn hàng, giảm thời gian vận chuyển trung chuyển lên TP Hồ Chí Minh (2-3 ngày); tạo điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa xuất nhập khẩu vùng ĐBSCL, góp phần thu hút đầu tư vào khu vực ĐBSCL, đưa Cần Thơ trở thành trung tâm kinh tế của toàn khu vực ĐBSCL. Mấu chốt thành công của một cảng container mang tầm quốc tế là phải có một hệ thống kết nối với cảng (phải có hệ thống chân hàng phía trước và sau cảng) và như vậy chúng tôi tin tưởng vào sự thành công của cụm cảng Cái Cui khi được kết nối với hệ thống Tân Cảng Sài Gòn".

Dự kiến, năm 2021, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ sẽ thông tuyến; từ Cảng hàng không quốc tế nhiều đường bay quốc tế được kết nối tạo điều kiện thuận lợi để kết nối liên vùng, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, sự nhiệt tình hỗ trợ của Ban Lãnh đạo thành phố Cần Thơ, thành phố Cần Thơ chắc chắn sẽ là một nơi đầu tư hấp dẫn, hiệu quả.

Bài, ảnh: Khánh Nam

Chia sẻ bài viết