20/12/2015 - 15:09

“Hành trình trên đất phù sa”

Ngồi trên đò Đường Đức, nghe giọng Phương Mỹ Chi ngọt lành với những ca từ của bài hát "Hành trình trên đất phù sa" của nhạc sĩ Thanh Sơn, chúng tôi càng cảm nhận sâu sắc hơn vẻ đẹp của dòng sông Hậu hiền hòa, nuôi lớn từng giấc mơ tôi…

Đứng trên cầu Cần Thơ, chụp tấm ảnh mặt trời mọc và tự hỏi sông Hậu sẽ chảy về đâu? Và như có sự thôi thúc của một người đã và đang rất yêu con sông này, tôi men theo dòng sông theo tuyến quốc lộ 54 đi thẳng… Giữa sông Hậu và quốc lộ 54 là những vườn cây ăn trái, những ngôi nhà mới, những thị trấn, thị tứ ven sông. Ở những đoạn như thế này, tôi cảm nhận dòng sông bằng những con kênh nhỏ đưa nước từ sông Hậu vào tưới mát những vườn cây trái, ruộng rẫy miệt Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh. Dọc quốc lộ là những vườn bưởi đang trĩu quả mà người dân đang "o bế" để đón Tết Nguyên đán 2016 sắp tới. Bưởi bán Tết để chưng nên được chăm rất kỹ, đảm bảo không tì vết. Mỹ Hòa nổi tiếng với bưởi Năm Roi, nhưng lác đác, nhiều nhà vườn đang trồng thử nghiệm bưởi da xanh bởi loại bưởi này thường bán có giá hơn. Đến một vườn cây nhỏ cặp quốc lộ thuộc xã Đông Thành, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long tôi ngạc nhiên vì vườn bưởi da xanh trồng gần 2 năm được phun tưới hoàn toàn bằng hệ thống phun tưới tự động. Theo chị Nguyễn Thị Hòa, nhà ở đối diện vườn cây, chỉ cần bật mô-tưa lên là nước được bơm và tự xoay như người ta tưới cỏ tự động ở thành phố". Đông Thành vừa được công nhận xã nông thôn mới, rõ ràng, chuyện cơ giới hóa nông nghiệp của nông thôn mới cũng làm cho nông dân đổi mới hơn trong tư duy làm vườn.

"Làm ruộng bây giờ sướng lắm cháu ơi…. Nhà chú đang thu hoạch lúa mà chỉ có một mình chú ở ngoài ruộng thôi: Rơm còn không dính vô áo nữa nói gì đất lấm chân. Cắt lúa thì có máy gặt đập liên hợp, gom bao lúa thì có xe tự chế nên chú chỉ đứng đây coi đếm được bao nhiêu bao lúa. Lát nữa, xe tải đến, mình chỉ cần cây viết với cuốn sổ để cân lúa cho thương lái. Xong, lấy tiền đem về nhà"- chú Lâm Văn Thắng, xã Phong Phú, huyện Cầu Kè nói. Rồi chú Thắng nói thêm: "Bây giờ, cái gì thuộc về cây lúa, mình bán được hết nghe cháu. Mình bán rơm cho lái rơm, bán đồng cho chủ đàn vịt chạy đồng cũng kiếm thêm được một ít".

 Máy bó rơm đang hoạt động trên đồng.

Ở những cánh đồng đã cắt lúa xong, tôi thấy một cái máy nhỏ đang chạy băng băng, chốc chốc dừng lại, mở hộp phía sau, "nhả" ra một cục rơm to. Chỉ một lát, những cọng rơm vừa được máy gặt đập liên hợp nhả ra được vo lại thành từng bó, tròn và rất chắc. Thấy tôi chụp hình mấy bó rơm, anh Huỳnh Văn Bảy, ở Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, chạy đến hỏi: "Chị muốn mua rơm hả? Rơm này tôi có mối giao ở Thốt Nốt, TP Cần Thơ rồi. Nếu chị mua, mai tôi mới giao được…". Thì ra, đây là anh lái rơm mà chú Thắng vừa nhắc. Tôi sống ở quê, nghe lái cam, lái quýt, lái xoài…., bây giờ, mới biết thêm "lái rơm". Cũng phải thôi vì đây cũng là một hình thức kinh doanh rạch ròi giữa mua và bán. Lái rơm thường "mua mão" cả cánh đồng, rồi sau đó cho xe vào bó rơm. Theo kinh nghiệm mua bán rơm của anh Bảy, thường một công có trên 10 bó, tùy lúa trúng thất. Còn phải coi đường sá di chuyển xe bó rơm, chở rơm như thế nào mới ra giá được. Nhưng anh Bảy chia sẻ thêm, hầu hết lái rơm đều có lời vì "rơm rạ trước đây nông dân bỏ đó, đốt đồng hoặc cho không… bây giờ, đem bán nên mình lời là cái chắc".

Anh Bảy trở thành lái rơm cũng do cái duyên. Nhà không ruộng đất nên được Nhà nước hỗ trợ cho vay nuôi bò. Ban đầu, hai vợ chồng xin cắt cỏ ở xóm, vừa dọn sạch vườn cho người ta, mình có cỏ cho bò ăn. Lâu dần, bò mẹ đẻ bò con, hai vợ chồng thấy ham nên không bán, đàn bò lớn dần. Rồi nhiều nhà trong xóm cũng nuôi bò, cỏ thành hàng hiếm nên đến mùa lúa, anh Bảy men theo Quốc lộ 54, xuống vùng Tiểu Cần, Cầu Kè, Trà Cú… để mua rơm cho bò ăn. Rồi, người ta chỉ ở Thốt Nốt có người mua rơm để trồng nấm, nuôi bò và nghe đâu để xuất khẩu nữa nên anh Bảy chạy thẳng lên Thốt Nốt kiếm mối bán. Bây giờ, mối mang đầy, không sợ rơm ế. Anh Bảy kể: "Lúc trước mua rơm, phải thuê nhân công gom rơm, rồi bó bằng tay nên giá thành cao. Mấy chuyến đầu không lời, tôi hỏi vay tiền ngân hàng, bán thêm bò, qua Đồng Tháp mua máy bó rơm, giờ làm ăn được lắm". Đang nói chuyện, điện thoại anh Bảy reo, có người bán rơm, thế là anh Bảy chạy ngay đến đồng mới vì trễ người khác mua mất. Bây giờ, lái rơm đông lắm!

Thấy chú Thắng đang đếm bao lúa ven quốc lộ, một thanh niên chạy xe sà đến, hỏi: "Chú bán đồng chưa chú? Bán cho con đi?"- lại một cuộc thương lượng mới giữa chủ ruộng và chủ đàn vịt chạy đồng: Đồng bao nhiêu công, bán bao nhiêu ngày? Xong giá cả, anh Thanh- chủ đàn vịt chạy đồng, nói: "Vậy ngày mai, chú xả nước vô ruộng giùm con, mốt con chạy xe mang vịt đến". Trời đứng nắng, 8 công ruộng của chú Thắng đã cắt xong, lúa được mang ra tận quốc lộ. Chú Thắng tươi cười: "Lúa mùa giữa mà như vầy thì cũng có lời. Chú có 16 công ở đây, ngày mai, cắt thêm 8 công nữa. Mấy đứa con chú cứ kêu, đất mặt lộ, ba bán rồi lấy tiền sống cho khỏe, cần gì làm ruộng nữa cho cực. Nhưng bây thấy đó, làm ruộng bây giờ có cực nữa đâu, toàn máy móc nó làm thay mình. Sau khi cho vịt chạy đồng diệt ốc, sâu bọ trên ruộng, 10 ngày sau, chú lại kêu máy làm đất. Đợt này, chú tính thử nghiệm ít công trồng lúa bằng máy cấy lúa thử coi sao".

Rời những cánh đồng thơm mùi rơm, rạ, tôi men theo hương lộ nhỏ tìm về sông Hậu. Con đường nhỏ mát rượi bởi tàng của những cây nhãn cổ thụ vươn ra che nắng. Càng thấy vườn cây tươi tốt, tôi càng cảm nhận được hơi thở của dòng sông. Sông Hậu hiện ra trước mắt với những con sóng nhỏ vỗ về mang phù sa bồi đắp. Đến vàm Đường Đức, tôi xuống đò, vượt sông Hậu. Từ sông, nhìn Cồn Mỹ Phước, xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng như một dĩa trái cây khổng lồ mà thiên nhiên ban tặng cho dòng sông Hậu. Bởi Mỹ Phước hiện tại là điểm du lịch xanh của tỉnh Sóc Trăng với hơn 300ha trồng các loại cây ăn trái nổi tiếng của ĐBSCL, như: nhãn, chôm chôm, măng cụt, cam, bưởi…. Phút thư thái trên đò, tôi cảm nhận được tấm lòng của dòng sông chăm bồi cho những vườn cây sai trái, những cánh đồng bát ngát hương xuân…

Đò cập bến, tôi đã đến đường Nam sông Hậu, tuyến đường này, mới mấy năm trước thôi còn rất ít xe cộ, nhưng nay đã tấp nập hẳn lên. Từ đây về lại Cần Thơ chỉ còn chưa đầy 40km. Vượt qua ngã tư đông đúc, bất chợt hương thơm ngào ngạt của những vườn nhãn chín oằn cây, níu chân tôi ở lại. Nam sông Hậu là tuyến đường mới nên nhà cửa ven lộ không nhiều, nhất là ở những vườn cây lớn. Vì vậy, khi thấy một dì lớn tuổi đang rải phân cho nhãn, tôi ghé vào. Đó là dì Nguyễn Ngọc Điệp, ở An Lạc Tây, huyện Kế Sách, Sóc Trăng. Vườn nhãn của dì Điệp được khoảng 6 công, không trồng đồng loạt nên có cây to, cây nhỏ. Do gia đình trồng sau nên không có được nhiều cây cổ thụ như những vườn khác, vì vậy, sản lượng cũng không bằng. Nhưng nhờ là cây tơ, trái lại thưa nên nhãn của vườn dì Điệp trái nào cũng to thấy ham. Chợt nhớ bệnh chổi rồng trên nhãn, tôi hỏi dì Điệp, thì dì cười nói: "Bệnh thì bệnh, mình cứ làm tới. Con coi, cây này cũng có chùm bị chổi rồng chứ bộ, nhưng kệ nó, rảnh thì mình cắt bỏ, không thì cứ để, lo chăm những chùm trái khác trên cây. Mỗi cây có vài ba chùm bị chổi rồng cũng không hề gì". Theo dì Điệp, bây giờ, nhãn xuống giá rồi, hàng đẹp, chỉ còn khoảng 10.000 đồng/1 kg lấy tại vườn nên dì đang o mấy cây nhãn ra muộn vì nó chín kịp Tết Nguyên đán nên bán sẽ có giá hơn.

Chia tay, dì Điệp còn chạy theo máng lên xe cho tôi mấy chùm nhãn sai oằn, chín mọng. Chợt nhớ, hết câu chuyện, dì Điệp vẫn không hề hỏi tên tôi, hỏi tôi chụp hình và hỏi dì đủ thứ trên đời từ nhà cửa con cái, đến bón phân gì cho nhãn… để làm gì, mà chỉ chân tình chia sẻ mọi chuyện. Những trái nhãn dì Điệp cho với tôi như ngọt ngào, đậm đà hơn vì sự chân chất, rộng rãi của dì, giống như hàng vạn nông dân khác của xứ sở mình. Để rồi tận đáy lòng, tôi thấy thêm yêu "dòng sông Hậu miên man"…

Bài, ảnh: Hà Thanh

Chia sẻ bài viết