03/05/2021 - 07:04

“Gieo mồi vào sóng” và những cách nhìn cuộc đời 

“Gieo mồi vào sóng” (NXB Trẻ) là tập truyện ngắn của tác giả Trịnh Sơn. Tất cả 19 truyện ngắn là những mảnh ghép đa sắc về những phận người, gieo vào lòng người đọc những suy tư, trăn trở về kiếp nhân sinh.

Nhân vật của tập truyện rất đa dạng: từ anh công chức, sếp lớn đến người bán vé số, nhặt ve chai hay kẻ ở tù về… Dù là thành phần gì, giàu hay nghèo, họ vẫn luôn có những góc khuất trong cuộc sống, có những niềm đau và bí mật khó sẻ chia. Tác giả là người kết nối độc giả đến với những nỗi niềm của nhân vật, để hiểu hơn về sự đa dạng trong cách nhìn cuộc đời của con người.

Người đọc không khỏi xót xa, cảm thương cho những số phận bất hạnh trong “Thảo nguyên gió giỡn”, “Dưới chân cầu”, “Đếm sao cho hết con đường chưa đi”, “Rồi sẽ có bạn”. Bên cạnh thiếu thốn về vật chất, tác giả còn chú trọng khắc họa nỗi đau tinh thần của họ. Đó là ước mong biết được nguồn cội của 2 đứa trẻ mồ côi; là khao khát được yêu thương, được thừa nhận của một cậu bé bỏ quê lên thành phố; là nỗi lòng của người vừa ra tù đến thăm gia đình của người bạn tù mà anh quý mến… Tầng lớp trí thức cũng có cái khổ từ sự tù túng trong cuộc sống, sự giả tạo của các mối quan hệ, sự day dứt lương tâm khi trót làm điều sai trái hay nỗi buồn vì hiếm muộn, vì sự cô đơn, lạc lõng trong chính căn nhà của mình.

Dù là ai thì họ giống như đang lưu lạc và chênh chao với cuộc đời, đến nỗi không nhận ra mình bị bệnh gì, đã làm gì như nhân vật “tôi” trong truyện “Thuốc cho ngày mai”, không hiểu mình sống vì lẽ gì như đôi vợ chồng trong truyện “Mất phương hướng”… Phải chăng đó cũng là căn bệnh chung của nhiều người hiện nay khi họ không tìm được niềm vui, ý nghĩa của cuộc sống. Trong những gam màu u buồn đó, vẫn lóe lên những đốm sáng ấm lòng người, để không khiến con người rơi vào bế tắc, tuyệt vọng. Như nhân vật giám đốc tìm thấy niềm vui, sự hứng thú qua tình thương cảm với cậu bé nơi bờ biển; như hai cha con lão ăn xin liều mình cứu người tự tử; như sự quan tâm ngây thơ của cậu bé chăn bò dành cho kẻ vượt ngục…

Một khía cạnh khác đáng chú ý trong tập truyện là những phận người trong chiến tranh, với các nhân vật để lại những ngậm ngùi bởi sự tàn khốc của cuộc chiến. Tình bạn trong truyện “Quá khứ chưa xong” hay tình yêu trong “Chân của Yết Kiêu” đều khiến người đọc day dứt, suy tư. Nhưng trên hết là cách cư xử đẹp của các nhân vật với nhau, nên dẫu chiến tranh đã lùi xa mấy mươi năm, họ vẫn tìm được giá trị của tình bạn, tình yêu, của hạnh phúc…

Không chỉ “Gieo mồi vào sóng”, tác giả đã gieo vào lòng độc giả những thông điệp ý nghĩa để biết trân trọng và yêu quý cuộc sống hơn.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết