20/11/2023 - 08:22

“Gieo chữ” ở Trường Sa 

Vượt qua những trở ngại nơi đầu sóng ngọn gió, bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ, những người thầy ấy đã thầm lặng “gieo chữ”, góp sức vào sự nghiệp trồng người nơi đảo xa. Nhiều năm qua, những thầy giáo ở Trường Sa vừa là giáo viên, vừa như người mẹ, đồng thời là chiến sĩ góp phần canh giữ biển, đảo Tổ quốc.

Ở Quần đảo Trường Sa đầy nắng gió, khí hậu khắc nghiệt, điều kiện học tập còn thiếu thốn, việc giảng dạy của các giáo viên gặp không ít khó khăn, nhưng những ngôi trường “đặc biệt” giữa mênh mông sóng nước luôn có người thầy tình nguyện gắn bó với các em học sinh qua nhiều thế hệ.

Trường tiểu học Đá Tây A

Đó là một giờ giảng bài của thầy giáo Nguyễn Công Qua, Trường Tiểu học Đá Tây A, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Trong khi cho học sinh lớp 4 đọc rõ, đọc hiểu bài của môn Tiếng Việt để bắt đầu giảng bài mới thì thầy lại tranh thủ kiểm tra bài viết chữ của học trò lớp 1 hay bài tập toán của học sinh lớp 3.

Khác với đất liền, việc dạy học trên đảo ở Trường Sa có những đặc thù riêng đòi hỏi sự cố gắng của cả thầy và trò. Lớp học có một thầy giáo nhưng học sinh lại ở nhiều độ tuổi khác nhau nên cùng lúc phải giảng dạy nhiều trình độ khác nhau, từ mầm non đến lớp 5 của bậc Tiểu học. Vì thế thầy giáo phải bố trí “xoay vòng”.

Dẫu vất vả như vậy nhưng với khát vọng được đem kiến thức của mình "gieo" chữ cho học sinh ở Trường Sa, 5 năm trước, thầy giáo Nguyễn Công Qua viết đơn tình nguyện ra Trường Sa dạy học. Sau 4 năm dạy tại Trường Tiểu học đảo Sinh Tồn, thầy Qua được điều sang đảo Đá Tây A tiếp tục dạy học cho các học sinh đủ các độ tuổi ở đây. Thầy giáo Nguyễn Công Qua chia sẻ, dạy học ở Trường Sa có thiếu thốn về vật chất nhưng luôn đầy ắp tình yêu thương và được cống hiến cho Trường Sa là một vinh dự lớn lao vì thế thầy luôn cố gắng để dạy những gì tốt nhất cho các em.

"Khó khăn nhất là các cháu nhiều độ tuổi. Ngoài dạy văn hóa thì tôi luôn có tiết ngoại khóa nhằm giáo dục các em có tình yêu với biển đảo, yêu tổ quốc, quê hương. Với học sinh lớp 4, 5, vào thứ 7, chủ nhật hàng tuần tôi đã giành thời gian để dạy tin học và Tiếng Anh cho các em.Mong muốn của tôi là sau khi học hết lớp 5 ở đảo, vào đất liền tiếp tục học tập, các em có đủ kiến thức, kỹ năng để theo kịp với các bạn trong đất liền, tiếp tục phấn đấy vươn lên để thành người có ích cho xã hội", thầy Qua nói.

Xuất phát từ tình yêu quê hương đất nước và mong muốn cống hiến sức trẻ của mình cho biển đảo, thầy giáo Phạm Xuân Diệu, Trường Tiểu học Sinh Tồn đã có nhiều năm gắn bó với các thế hệ học trò nơi đảo tiền tiêu. Thầy Diệu chia sẻ, xa đất liền, dẫu còn nhiều khó khăn nhưng được sự quan tâm đầu tư của đất liền nên trang thiết bị đồ dùng học tập cũng khá đầy đủ nhưng hơi mặn từ nước biển nhiều nên nhanh bị hư hỏng. Để có những bài giảng ở các lớp ghép, việc soạn giáo án của các thầy giáo cũng không hề đơn giản bởi đồng thời phải soạn bài cho các hệ lớp khác nhau. Không có mạng Internet nên hoạt động dạy và học trên các đảo hiện vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc tiếp cận, cập nhật các nội dung thông tin, kiến thức mới nhưng thầy Diệu cùng các thầy giáo ở đảo vẫn luôn tự học, tự nghiên cứu để cập nhật chương trình mới, không ngừng đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá… Nhờ đó, các em học sinh khi hết lớp 5 tại đảo đều đủ điều kiện vào đất liền để học tiếp lớp 6.

Thầy giáo Phạm Xuân Diệu bày tỏ: "Trước tiên là niềm đam mê dạy dỗ các em, thứ hai là được góp sức của mình để dạy dỗ các em tốt hơn. Được gieo con chữ nơi đầu sóng ngọn gió cũng là niềm tự hào của anh em giáo viên ở Trường Sa như chúng tôi".


Học sinh trường tiểu học Sinh Tồn

Vượt qua khó khăn, gian khó, các thầy giáo ở Trường Sa luôn coi đảo là nhà, coi học sinh như con em mình, luôn dành tất cả tình cảm, kiến thức mình có được để bồi đắp cho các em khôn lớn. Nhiều thế hệ học sinh ở quần đảo Trường Sa lớn lên trong vòng tay yêu thương của gia đình, cán bộ chiến sĩ và thầy giáo. Em Võ Trúc Quỳnh, học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Sinh Tồn và em Lê Thị Kim Thư, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Đá Tây A cho biết: 

"Thầy dạy dễ hiểu và chỉ bảo ân cần cho con. Con cố gắng học thật giỏi để không phụ công của thầy…"

"Em học ngày 2 buổi. Sáng từ 7-10 giờ, chiều từ 2-4 giờ. Con thấy thầy giảng dễ hiểu. Con rất thích ở Trường Sa, con yêu đảo, yêu đảo, yêu các chủ bộ đội HQ. Con sẽ cố gắng học tệp để làm người có ích cho Tổ quốc".

Nơi đảo xa, thời tiết khắc nghiệt, thiếu thốn cả về tinh thần lẫn vật chất nhưng niềm vui nhất của các thầy giáo là học trò rất ngoan, chăm chỉ học hành, có nhiều kỹ năng sống ở môi trường biển đảo. Các em rất thông minh, ham học, thuộc rất nhiều bài hát, bài thơ về Đảng, Bác Hồ, quê hương và Trường Sa.

Với tình yêu biển, đảo cùng trách nhiệm nghề nghiệp, những thầy giáo thế hệ 8X, 9X như thầy giáo Nguyễn Công Qua, Phạm Xuân Diệu …đã gác lại tình cảm riêng tư để gắn bó với Trường Sa, đồng hành cùng học sinh giữa trùng khơi sóng. Hình ảnh những thầy giáo hàng ngày đang đứng vững trên bục giảng “gieo chữ” ở Trường Sa đã và đang góp phần vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc nơi đầu sóng, ngọn gió.

Theo Thu Lan/VOV1

Chia sẻ bài viết