10/02/2020 - 15:14

“Giấc mơ đời người” và những nỗ lực để sống tốt 

“Giấc mơ đời người” (NXB Trẻ), tiểu thuyết thứ 3 của Đoàn Bảo Châu tiếp tục ghi thêm dấu ấn của một võ sư viết văn trong lòng độc giả, bằng câu chuyện đầy chất đời, tình người và tinh thần nghĩa hiệp. 

Bối cảnh của tiểu thuyết trải dài từ sau Cách Mạng Tháng 8 đến khi đất nước hòa bình, thống nhất. Nhân vật chính là Đình, một chàng trai thông minh, giỏi võ, làm nghề cơ khí. Sau bao năm chịu khó làm ăn, Đình có được một hãng xe khách tuy nhỏ nhưng đang ăn nên làm ra, một người vợ tài sắc, những đứa con đẹp đẽ đáng yêu. Biến cố xảy đến, anh mất hết cơ nghiệp, lại bị kẻ gian hãm hại; Đình đưa vợ con rời Hà Nội lên vùng kinh tế mới, làm lại từ đầu. Sau 5 năm, cuộc sống vẫn không thể khá hơn, anh lại đưa gia đình quay về thủ đô. Đình sửa xe ven đường, vợ chạy chợ buôn bán, các con cũng vất vả làm đủ việc… Sau cơn bạo bệnh của con trai lớn và cái chết của con trai thứ, Đình quyết định phải thay đổi số phận bằng cách lên rừng tìm Lâm, cậu em chí cốt đang đào vàng trên núi cao…

Mạch truyện diễn biến chậm rãi, không nhiều kịch tính, bất ngờ nhưng lôi cuốn người đọc nhờ giọng văn nhẹ nhàng, đầy tính tự sự và triết lý. Theo bước chân Đình trải qua bao thăng trầm, biến cố, người đọc hiểu hơn về dòng chảy của lịch sử, về những số phận con người. Dù số phận cứ liên tục trêu ngươi Đình bằng những bất công, cay đắng nhưng trong những năm tháng cơ cực và chông chênh đó, luôn lấp lánh tình người: tình cảm gia đình, tình thầy trò, tình bằng hữu, tình xóm giềng… Đó cũng chính là điểm sáng nhất của tác phẩm này.

Gia đình của Đình cũng gặp khó khăn chung như mọi người khi đất nước còn chiến tranh và sau khi mới hòa bình, độc lập. Nhưng dù ở đâu, làm nghề gì, anh và người thân vẫn luôn sống tử tế. Dù vẫn luôn tự dằn vặt, day dứt bản thân vì để cho vợ con sống khổ nhưng sự chịu khó, tình yêu thương, chia sẻ của những người thân khiến Đình cũng nhẹ lòng rất nhiều. Tác giả đã dành nhiều chương để viết về những đứa con của Đình, nhất là Hùng, con trai lớn, rất giỏi giang, hiểu chuyện và là cánh tay đắc lực giúp bố mẹ nuôi bầy em khôn lớn. Từng biến cố và cách ứng xử của Đình và vợ con cho thấy một mái ấm gia đình bền chặt, là động lực để mỗi thành viên cố gắng vượt qua khó khăn, thử thách…

Là võ sư nên trong những tác phẩm của mình, Đoàn Bảo Châu không chỉ lồng vào đó những tình huống dụng võ, trên hết là đạo ứng xử của người học võ. Trong “Giấc mơ đời người”, những đạo lý làm người và tinh thần nghĩa hiệp được tác giả khắc họa qua nhiều chi tiết, trong đó nổi bật qua hình tượng thầy dạy võ của Đình, qua những lời khuyên thấu tình đạt lý của bậc sư phụ lỗi lạc, quang minh. “Không có gì là vĩnh cửu con ạ, vạn sự trên đời đều là biến dịch, con hãy tỉnh táo quan sát rồi hãy quyết định. Ở đời, có lúc ta phải chịu nhục, là thường, nhưng điều ấy chỉ là tạm thời. Con hãy coi đấy là cơ hội để luyện tâm…” (trang 121). Lời khuyên của sư phụ dành cho Đình cũng là triết lý cuộc sống.

Giấc mơ cả một đời của Đình cuối cùng cũng thực hiện được khi anh mang lại cho vợ con niềm vui, hạnh phúc, cuộc sống đủ đầy sau những nỗ lực không ngừng. Đó cũng là lúc anh ra đi trong thanh thản, nhẹ nhàng vào một ngày mùa xuân. Để khi khép sách lại, lòng người đọc lắng đọng bao cảm xúc bâng khuâng, ngậm ngùi nhưng không tiếc nuối.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết