03/10/2020 - 18:27

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam:

Ðề cao kỷ cương trong chống dịch, giữ yên bình cho cả nước 

Đó là phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống dịch COVID-19, sáng 3-10. Tại đầu cầu Cần Thơ, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thị Hồng Ánh dự hội nghị (ảnh).

►Nguy cơ luôn thường trực

Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, dự báo mùa đông, dịch bệnh diễn biến khốc liệt hơn. Ở Việt Nam, 31 ngày qua không có trường hợp nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Tuy nhiên, Quyền Bộ trưởng nhấn mạnh: Nguy cơ luôn luôn thường trực ở các trường hợp nhiễm là người nhập cảnh trái phép và hợp pháp, có thể xảy ra ở bất kỳ địa phương nào.

Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng, tiếp tục kiên định kiểm soát chặt nguồn bệnh từ bên ngoài, kiểm soát người nhập cảnh. Trước khi nhập cảnh, bắt buộc khai tờ khai y tế. Trong vài ngày nữa, Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn mới. Trong tờ khai, có danh sách tất cả các cơ sở cách ly và giá cả để người cách ly chọn. Bắt buộc người nhập cảnh phải cập nhật tình trạng sức khỏe hằng ngày.

Ðến nay, các cơ sở y tế trên cả nước đã xét nghiệm 1,4 triệu mẫu. Trên 100 cơ sở có khả năng làm xét nghiệm. Trong thời gian tới, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục tăng cường năng lực xét nghiệm. Càng xét nghiệm nhanh, càng khoanh vùng và dập dịch nhanh.

Quyền Bộ trưởng nhấn mạnh, các địa phương quan tâm vấn đề cách ly và đảm bảo không lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế. Nếu xảy ra lây nhiễm chéo ở cơ sở y tế, cần kiên quyết xử lý.

►Kinh nghiệm từ các điểm nóng

Tại hội nghị, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Trần Như Dương, người có mặt ở tất cả các điểm nóng phòng chống dịch COVID-19, đã đúc rút các kinh nghiệm chống dịch tại thực địa. Theo đó, 5 chiến lược lớn xuyên suốt, nhất quán và đã được chứng minh tính hiệu quả qua thực tiễn, là: ngăn chặn; phát hiện; cách ly; khoanh vùng dập dịch và điều trị hiệu quả.

Khi ca bệnh COVID-19 xảy ra trong cộng đồng, việc đầu tiên là phải truy vết tất cả những người tiếp xúc với bệnh nhân để tổ chức cách ly, nhất là các trường hợp F1. Nguyên tắc truy vết là phải “thần tốc và triệt để”. Thần tốc, ở bất cứ khâu nào, cũng phải “chạy” nhanh hơn sự lây lan của dịch. Chậm chễ giờ nào, phút nào là nguy cơ F1 có thể trở thành F0 và sẽ lây ra toàn cộng đồng. Còn triệt để có nghĩa là phải truy vết được hết, không để sót F1.

Hành khách trên chuyến bay quốc tế làm thủ tục khai báo y tế tại sân bay Cần Thơ. Ảnh: H.HOA

Theo Phó Viện trưởng Trần Như Dương, hiện nay đã dự thảo cuốn “Sổ tay hướng dẫn truy vết người tiếp xúc với ca bệnh COVID-19” và đã gửi Bộ Y tế. Bộ đang thẩm định để sớm ban hành.

Cũng theo Phó Viện trưởng, khi dịch bệnh lây nhiễm trong cộng đồng thì tình huống sẽ trở nên hết sức phức tạp vì mầm bệnh đã xâm nhập và có thể xuất hiện ở bất cứ nơi đâu, với bất cứ đối tượng nào. Chúng ta nhanh chóng tận dụng khoảng thời gian vàng ngay từ đầu để tổ chức giám sát, phát hiện, lấy mẫu và cách ly tất cả những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh trong cộng đồng. Thực hiện được điều này triệt để sẽ phát hiện được sớm nhất nguồn nghi ngờ lây nhiễm, cách ly, cô lập kịp thời, làm suy giảm tốc độ lây truyền của dịch.

Một trong những biện pháp giúp Việt Nam chống dịch thành công là thực hiện cách ly một cách triệt để, cô lập nguồn lây và không cho nguồn lây có cơ hội lây lan ra cộng đồng. Kiên quyết không được cho F1 tự cách ly tại nhà. Trong 1 tháng chống dịch, Ðà Nẵng đã huy động, tận dụng mọi nguồn lực để tổ chức cách ly tập trung 11.621 trường hợp F1; trong đó, đã phát hiện được 121 ca bệnh dương tính từ những trường hợp F1. Những trường hợp F1 này đều đã được “quây” chặt ngay từ đầu nhờ thực hiện chiến lược cách ly tập trung. Nhờ đó mà các nguồn lây trong cộng đồng đã được cô lập và cách ly kịp thời, góp phần quan trọng cho việc dập dịch thành công.

Theo ông Trần Như Dương, khoanh vùng dập dịch cũng là vấn đề hết sức quan trọng. Khi xuất hiện các điểm nóng dịch tễ, ổ dịch phức tạp, ổ dịch có các yếu tố dịch tễ khó kiểm soát thì phải tiến hành khoanh vùng, cách ly y tế toàn bộ vùng có dịch, dập dịch triệt để ở bên trong để ngăn chặn không cho dịch lan rộng trong cộng đồng và không để dịch lây lan sang các vùng khác, địa phương khác với nguyên tắc khoanh vùng gọn nhất, nguy cơ đến đâu thì khoanh vùng
đến đó.

Một trong những kinh nghiệm góp phần thành công trong chống dịch tại thực địa là việc huy động sức mạnh của cộng đồng. Tổ COVID-19 cộng đồng là một minh chứng. Trong đợt chống dịch vừa qua, tại miền Trung, chỉ trong một thời gian ngắn, chính quyền các địa phương đã thành lập được hàng vạn tổ phòng chống dịch COVID cộng đồng trực tiếp tham gia vào công tác phòng, chống dịch. Việc thành lập các tổ phòng, chống COVID cộng đồng là sự sáng tạo, sự độc đáo của Việt Nam. Tổ phòng, chống COVID cộng đồng đã đưa các biện pháp phòng, chống dịch tới từng hộ gia đình. Ðây chính là biểu hiện sinh động nhất của việc phòng chống dịch dựa vào nhân dân.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm.

Giám đốc Sở Y tế Ðà Nẵng Ngô Thị Kim Yến cho biết: Ðến nay, Ðà Nẵng đã có 35 ngày không có ca bệnh trong cộng đồng. Từ thực tế chống dịch, Ðà Nẵng rút ra các bài học: cách ly triệt để F1, tăng cường năng lực xét nghiệm (nâng từ 700 mẫu lên 14.000 mẫu/ngày); huy động cả hệ thống chính trị, người dân; sự hỗ trợ trang thiết bị từ doanh nghiệp, nhà hảo tâm; thành phố cũng thành lập hội đồng mua sắm, thủ tục mua sắm thuận lợi, đáp ứng kịp thời chống dịch. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ của Bộ Y tế, của các tỉnh bạn.

Theo chia sẻ của TP Hồ Chí Minh về quá trình thực hiện kiểm tra, đánh giá mức rủi ro lây nhiễm COVID-19 tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, UBND thành phố đã ban hành Bộ Chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm virus Corona tại doanh nghiệp.  Ban Quản lý các Khu Chế xuất - Khu Công nghiệp, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố. UBND các quận huyện triển khai Bộ chỉ số đến tất cả các doanh nghiệp để tự đánh giá. Sau đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố phối hợp UBND các quận, huyện và y tế địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát. Ðồng thời, hướng dẫn các đơn vị biện pháp khắc phục, cải thiện; sau đó, tổ chức tái kiểm tra. Doanh nghiệp không đáp ứng các chỉ số đánh giá theo quy định sẽ bị yêu cầu tạm dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh cho đến khi đáp ứng được.

Tại hội nghị, có tỉnh phản ánh khó khăn trong thu phí người cách ly tập trung. Phó Thủ tướng đã giao các bộ, ngành nghiên cứu, giải quyết.

►Kiên trì các giải pháp chung sống an toàn với dịch

Theo Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam, mùa đông sắp đến, nguy cơ dịch bệnh cao hơn. Qua thực tế chống dịch, khẩu trang là giải pháp đơn giản nhất, hiệu quả nhất. Tiếp đó, phát hiện nhanh, truy vết, cách ly để dịch không lan rộng. Giãn cách xã hội là giải pháp quan trọng khi có dịch để giảm tốc độ lây lan.

Theo dự báo, còn tối thiểu hơn 1 năm mới hết dịch, cần tiếp tục kiên định các biện pháp chống dịch, giữ an toàn, không để dịch bùng phát. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, dịch không chừa bất cứ ai. Bất cứ địa phương  cũng có thể bị bùng phát dịch như Ðà Nẵng, nếu không siết lại. Tỉnh không có dịch cũng không được chủ quan. Kiên trì thực hiện các giải pháp chung sống an toàn với dịch. Quản lý, kiểm soát chặt người nhập cảnh. Tới đây sẽ triển khai giám sát công tác phòng, chống dịch ở các địa phương bằng công nghệ thông tin. Các địa phương chủ động, minh bạch mua sắm trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm chống dịch.

Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết