Những năm qua, phong trào chuyển đổi số (CÐS) được TP Cần Thơ triển khai rộng rãi trên mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó có nông nghiệp, nông thôn. Hướng đi này được đánh giá đúng đắn, phù hợp với xu thế chung và là bước đệm, nền tảng vững chắc đưa công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) thành phố sang trang: NTM thông minh.
Trà mãng cầu Kim Nhiên sản phẩm OCOP 4 sao của xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ được thành phố hỗ trợ gắn mã QR, tiếp cận thị trường...
Nhiều chuyển biến
Nói đến CÐS nông nghiệp, nông thôn phải đề cập đến Kế hoạch số 98/KH-UBND của UBND thành phố về ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện số hóa trong nông nghiệp giai đoạn 2022-2025 (tháng 5-2022) và Kế hoạch số 113/KH-UBND về việc thực hiện chương trình CÐS trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh đến năm 2025 trên địa bàn thành phố (tháng 6-2023).
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, thời gian qua, ngành Nông nghiệp triển khai nhiều ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp. Ðơn cử, ứng dụng Mobi Agri thông tin dự báo thời tiết, tư vấn kỹ thuật sản xuất các loại cây trồng chủ lực như lúa, sầu riêng, xoài; hướng dẫn nông dân ghi chép sổ nhật ký điện tử bằng phần mềm Agritask; sử dụng phần mềm cơ sở dữ liệu quốc gia về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói phục vụ cho việc xuất khẩu nông sản... Ðể tìm đầu ra cho nông sản, thành phố tăng cường quảng bá, tuyên truyền các sản phẩm nông nghiệp của địa phương trên cổng thông tin “chonongsancantho.vn”. Hiện nay, có 114 đơn vị đăng ký, 168 sản phẩm và 130.125 lượt truy cập. Ngành Nông nghiệp còn phối hợp với sở ban ngành, địa phương cấp QR Code cho 240 chủ thể sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản, với 589 sản phẩm.
Ở góc độ đẩy mạnh CÐS hướng đến xây dựng NTM thông minh được đề cập cụ thể ở tiêu chí số 8 về thông tin và truyền thông, tiêu chí 13 về tổ chức sản xuất, tiêu chí số 15 về hành chính công… trong Bộ tiêu chí về xã NTM nâng cao và tiêu chí số 7 về CÐS trong Bộ tiêu chí NTM kiểu mẫu. Ông Võ Trung Cảnh, Chủ tịch UBND xã Thới Hưng, huyện Cờ Ðỏ, cho biết: Ðẩy mạnh CÐS trong nông nghiệp, nông thôn, nhiều hợp tác xã, cơ sở sản xuất và nông dân mạnh dạn tiếp cận, quảng bá, bán hàng qua kênh thương mại điện tử và thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng nhanh chóng và tiện lợi hơn. Hiện 100% sản phẩm chủ lực của xã đã được bán trên các sàn thương mại điện tử. Nổi bật có thể kể đến như thanh nhãn, rau thủy canh, trà và rượu mãng cầu. Ngoài ra, xã cũng quan tâm đến việc cấp mã số vùng trồng cho vườn cây ăn trái. Ðến nay, xã có 12 vùng nguyên liệu (nhãn, sầu riêng, mít ruột đỏ…) được cấp mã vùng trồng, diện tích 224,9ha.
Giải pháp đồng bộ
Kế hoạch số 98/KH-UBND đặt mục tiêu xây dựng và phát triển ứng dụng thông minh cung cấp thông tin về khoa học kỹ thuật, nhật ký sản xuất, bản đồ số về vùng trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản… để cung cấp thông tin hỗ trợ công tác quản lý, tăng cường liên kết cung cầu. Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp; 100% xã phường nông nghiệp có cung cấp số liệu báo cáo và truy xuất số liệu từ hệ thống dùng chung; trên 80% dịch vụ công của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được triển khai thực hiện đến mức độ 3, 4. Ðối với Kế hoạch số 113/KH-UBND đặt mục tiêu đến năm 2025, 66% số xã đạt tiêu chí số 8 về thông tin và truyền thông và 66% số xã đạt tiêu chí số 15 về hành chính công theo Bộ tiêu chí về xã NTM nâng cao TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2025. Ðồng thời, ít nhất 70% xã có các hợp tác xã, 70% cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số…
Từ định hướng trên, các xã xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu của thành phố đã vạch lộ trình CÐS nông nghiệp, nông thôn tại địa phương. Chẳng hạn, xã Thới Hưng xác định tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/HU của Huyện ủy Cờ Ðỏ về Phát triển kinh tế tập thể và kinh tế vườn. Qua đó, phối hợp với các bên liên quan vận động nhân dân tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số, sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP để nâng cao giá trị nông sản… Nhiều xã tập trung tuyên truyền, vận động người dân và doanh nghiệp đồng hành trong hành trình CÐS; khuyến khích người dân, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính mức độ 3, 4. Ngoài ra, để bắt kịp xu thế, các xã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đưa sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử; áp dụng công nghệ 4.0 trong hành trình hướng tới xã NTM thông minh...
Ông Lê Văn Tính, Phó Chánh chuyên trách Văn phòng điều phối NTM TP Cần Thơ, nhấn mạnh: CÐS nông nghiệp, nông thôn sẽ là “đòn bẩy” thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới NTM thông minh. Thời gian tới, thành phố tiếp tục triển khai kế hoạch về hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử; tuyên truyền về CÐS, lồng ghép các hoạt động tập huấn, hội thảo... Ðơn cử như, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, CÐS, thông qua phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP; số hóa sản xuất và tiêu thụ nông sản; cải cách thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp… Cùng với đó, tập trung tuyên truyền về những mô hình tốt, cách làm hay, có hiệu quả về CÐS nông nghiệp, nông thôn để kịp thời nhân rộng, tạo tính lan tỏa trong cộng đồng.
Bài, ảnh: MỸ THANH