NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh vừa tổ chức buổi giao lưu, giới thiệu tự truyện "Ði qua trăm năm" của nhà nghiên cứu Nguyễn Ðình Tư. Tác phẩm đưa bạn đọc đi xuyên qua hai thế kỷ cuộc đời của nhà nghiên cứu nay đã ở tuổi quá bách niên (ông sinh năm 1920), cùng nhiều tư liệu quý trong hành trình biên khảo văn hóa, lịch sử, địa lý của ông...
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cùng gia đình tại buổi giao lưu, giới thiệu sách.
Sách dày 384 trang gồm 11 chương: "Quê hương - Ký ức vẹn nguyên", "Ít mảnh sử làng xã vùng đất Thanh Chương", "Một thuở ấu thơ", "Thời học sinh và chí lập thân", "Một người cha gương mẫu", "Tập tành đường chính trị", "Cuộc sống gia đình", "Dập dềnh sóng biển xuôi Nam", "Theo thời tìm kế mưu sinh", "Những khúc quanh cuộc đời", "Nghiệp cầm bút" và phụ lục những hình ảnh lưu giữ quá khứ và hiện tại. Tự truyện được nhà nghiên cứu Nguyễn Ðình Tư dồn hết động lực và trí nhớ để hoàn thành trong 6 tháng. Sách giúp độc giả hiểu thêm về cuộc đời ông từ thuở ấu thơ và có thêm nhiều kiến thức lịch sử, văn hóa, địa lý... qua quá trình 80 năm cầm bút của nhà nghiên cứu Nguyễn Ðình Tư.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Ðình Tư được độc giả biết đến như một nhà văn với bộ tiểu thuyết dã sử 6 tập "Loạn 12 sứ quân". Ông cũng là nhà biên khảo nổi tiếng, trong nhiều năm mang cơm và trải chiếu nghỉ trưa ở hành lang Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II đợi giờ mở cửa, miệt mài nghiên cứu nguồn tài liệu gốc về lịch sử, văn hóa, địa lý vùng đất Nam Bộ. Tính đến nay, nhà nghiên cứu Nguyễn Ðình Tư có khoảng 60 đầu sách đã xuất bản: "Non nước Phú Yên", "Ðịa chí Khánh Hòa", "Non nước Ninh Thuận", "Ðường phố nội thành TP Hồ Chí Minh", Từ điển "Ðịa danh hành chính Nam Bộ" (Giải Bạc Sách Hay của Hội Xuất bản Việt Nam năm 2009), "Non nước Quảng Trị", "Tiểu sử và hành trạng các nhà khoa bảng Hán học Nam Bộ", "Sổ tay tên đường ở TP Hồ Chí Minh", Bộ sách "Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ (1859-1954)" (gồm 2 tập, Giải A Sách hay Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ nhất năm 2018), "Ðịa chí hành chính các tỉnh Nam kỳ thời Pháp thuộc (1859-1954)", Bộ sách "Gia Ðịnh - Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698-2020)" (tác giả nhận Giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu lần thứ 11 năm 2023 Chuyên ngành lịch sử với bộ sách này)...
Nhà nghiên cứu Nguyễn Ðình Tư tâm sự về lý do đến bây giờ mới viết tự truyện: "Nhìn lại quãng đời đã qua với nhiều kỷ niệm vui buồn, những thăng trầm trong cuộc sống, chứng kiến nhiều biến chuyển của thời cuộc, của vận mệnh quốc gia, của đời sống xã hội, tôi thấy đáng ghi lại để cho con cháu biết về quê hương, về các bậc tiền bối, để rút ra những kinh nghiệm về cuộc sống, biết cái gì nên tránh cái gì nên làm, cái gì nhất thời, cái gì là vĩnh cửu". Ðến những dòng cuối cùng của tự truyện, bạn đọc vẫn cảm nhận được tình cảm và đam mê viết của nhà nghiên cứu Nguyễn Ðình Tư: "Tập tự truyện này đã khép lại trang sau cùng. Những gì bạn đọc đã lướt qua đều thấy cuộc đời của tôi đã trải qua những gì khổ cực nhất, vất vả nhất, buồn tủi nhất chiếm đến hai phần ba năm tháng mới được hưởng những gì gọi là vinh dự vào cuối đời, không khác gì một câu chuyện cổ tích ngày xưa vậy. Và lời cuối trước khi khép lại tự truyện này, tôi vẫn còn dự định trong những ngày cuối đời sẽ viết tiếp 10 đầu sách nữa, nếu sức khỏe cho phép".
Bà Ðinh Thị Thanh Thủy, nguyên Giám đốc, Tổng biên tập NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: "Tác phẩm "Ði qua trăm năm" ra mắt như một món quà mừng đại thọ tuổi 104 mà NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh trang trọng trao tặng cụ Nguyễn Ðình Tư - người của trăm năm. Ngay sau "Ði qua trăm năm", nhà nghiên cứu tuổi quá bách niên Nguyễn Ðình Tư sẽ lại dành 10 tiếng đồng hồ mỗi ngày bên máy vi tính và sách vở để làm việc, miệt mài với những số liệu, thông tin để viết tiếp những đề tài trong dự kiến như: Từ điển địa danh hành chính Bắc Bộ, Trung Bộ; Lịch sử thành lập và phát triển các tỉnh Bắc Bộ - Trung Bộ - Nam Bộ và Tây Nguyên…".
Q.M