25/06/2015 - 20:34

“Cứu tinh” của phụ nữ bị sa tạng vùng chậu

Theo công bố trong Hội thảo chuyên đề “Phẫu thuật phục hồi sàn chậu - sử dụng mảnh ghép tổng hợp” tổ chức tại Bệnh viện Từ Dũ năm 2011, có khoảng 50% phụ nữ từ 15 – 50 tuổi bị chứng sa tạng vùng chậu. Nếu trước đây, các bác sĩ điều trị bằng cách cắt tử cung hoặc khâu treo bàng quang, thì hiện nay, với sự tiến bộ của khoa học, các bác sĩ ở Bệnh viện Quốc tế Phương Châu phẫu thuật có sử dụng mảnh ghép tổng hợp polypropylene để phục hồi sàn chậu cho bệnh nhân...

        Phẫu thuật nội soi tại Bệnh viện Quốc tế Phương Châu.

Sa tạng vùng chậu (hay còn gọi là sa các cơ quan vùng chậu), sa sinh dục… là thuật ngữ chung dùng để chỉ các loại bệnh lý như sa bàng quang, sa tử cung, sa trực tràng. Đây là bệnh lý không ảnh hưởng tính mạng nhưng ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt cũng như chất lượng sống phụ nữ. Chị L.A, phường An Hòa, quận Ninh Kiều kể: “Thỉnh thoảng, tôi cảm thấy đau tức vùng bụng dưới, đau lưng. Khổ nhất là khi tôi vận động mạnh, ho, thậm chí cười thì bị rò rỉ nước tiểu nhưng thấy ngại nên không đi khám. Khi tôi phát hiện ở vùng kín có khối thò ra; đi khám thì mới biết bị sa tạng”. Nhiều bệnh nhân e ngại đến khám ở các cơ sở y tế mà thường dùng những biện pháp dân gian như xông hơ, bôi thuốc... khiến tình trạng bệnh nặng thêm.

Theo thống kê của Bệnh viện Từ Dũ, trên 70% những bệnh nhân bị sa tạng vùng chậu có số lần sinh con trên 3 lần. Còn tại Bệnh viện Quốc tế Phương Châu, gần 80% bệnh nhân bị sa tạng vùng chậu sinh con trên 3 lần. Phụ nữ làm việc nặng và thường xuyên tăng áp lực ổ bụng cũng là yếu tố nguy cơ gây bệnh. Theo Thạc sĩ, bác sĩ Lương Ngọc Bích, Trưởng khoa Khám bệnh Sản phụ khoa, Bệnh viện Quốc tế Phương Châu: “Sa tạng chậu là sự sa xuống khỏi vị trí bình thường của các tạng trong vùng chậu như bọng đái, thành trước và thành sau âm đạo, tử cung, mỏm cắt (mỏm cụt) âm đạo, ruột non, mạc nối lớn, trực tràng, đại tràng chậu hông. Bệnh lý này được phân làm 4 độ. Độ 0: Không sa sinh dục. Độ I: Sa trong âm đạo, trên mép màng trinh 1cm. Độ II: Sa trên mép màng trinh <1cm cho đến màng trinh. Độ III: Sa hơn 1 cm dưới mép màng trinh nhưng có thể tự thụt vào khi nghỉ ngơi. Độ IV: Sa toàn bộ ra ngoài và không tự lên được khi nghỉ ngơi. Đối với những bệnh nhân sa tạng vùng chậu mức độ nhẹ, khối sa còn nằm trong âm đạo thì việc tự phát hiện hơi khó khăn. Bệnh nhân có thể phát hiện khối trong âm đạo khi vệ sinh vùng kín. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ bệnh, bệnh nhân nên đến cơ sở y tế khám và điều trị sớm sẽ đạt hiệu quả và ít tốn kém”.

Trước đây, việc điều trị những người mắc phải chứng bệnh này thường dùng phương pháp vật lý trị liệu tập cơ sàn chậu, kích thích điện cơ (đối với bệnh nhân nhẹ) hoặc phẫu thuật cắt tử cung ngã âm đạo để điều trị sa tử cung hoặc khâu treo bàng quang (đối với bệnh nhân nặng). Tuy nhiên, phương pháp này trên thực tế kém hiệu quả vì tỷ lệ tái phát bệnh trên 30%. Ngày nay, với sự tiến bộ của y học, vấn đề điều trị sa tạng vùng chậu mở ra những triển vọng tốt đẹp. Thạc sĩ, bác sĩ Lương Ngọc Bích cho biết: “Tùy mức độ bệnh lý, bạn sẽ được tư vấn điều trị nội khoa với vật lý trị liệu hoặc phẫu thuật. Bệnh viện Quốc tế Phương Châu đào tạo nhân sự và nhận chuyển giao công nghệ phẫu thuật nội soi và thực hiện các kỹ thuật mới như đặt mảnh ghép tổng hợp hoặc treo tử cung - mỏm cắt vào mỏm nhô từ các chuyên gia đầu ngành ở Bệnh viện Từ Dũ hơn 2 năm nay. Đối với những bệnh nhân sa tạng vùng chậu nhưng chống chỉ định phẫu thuật, có thể thực hiện phương pháp đặt vòng nâng trong âm đạo. Phương pháp này được nhiều bệnh nhân chọn lựa khi đến khám và điều trị tại Bệnh viện Quốc tế Phương Châu. Kết quả trên đang mở ra hướng mới trong điều trị cho chị em khỏi chứng bệnh sa tạng vùng chậu”.

Bài, ảnh: P.V

Chia sẻ bài viết