03/08/2024 - 09:37

“Công nghệ số không xa vời!” 

Đó là cảm nhận của nhiều học sinh khi tham gia chương trình “Mùa hè số”. Bên cạnh những hoạt động truyền thống trong mùa hè tình nguyện như vệ sinh môi trường, làm đường giao thông, về nguồn… thì “Mùa hè số” phát huy khả năng sáng tạo và tạo môi trường để học sinh, sinh viên tiếp cận gần hơn với công nghệ số, dần hiện thực hóa những ý tưởng.

Tổ giới thiệu về nón bảo hiểm cảnh báo nguy hiểm.

“Đất nước mình có bờ biển dài và đẹp, thu hút rất đông khách du lịch. Tuy nhiên, tình trạng bãi biển bị ô nhiễm bởi rác thải là vấn đề đau đầu của không ít địa phương. Đó chính là lý do để tổ chọn thực hiện dự án này” - Trần Anh Vũ, sinh viên ngành Công nghệ thông tin, Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Trường Đại học Cần Thơ, mở đầu giới thiệu về sản phẩm công nghệ “Xe sàng cát làm sạch bãi biển”. Xe có hệ thống băng chuyền, bộ phận xúc cát biển, cát được đưa lên băng chuyền để sàng cát trả lại bãi biển, rác sẽ được đưa vào bộ phận tích trữ để xử lý. Đặc biệt, xe sử dụng năng lượng mặt trời để hoạt động và vận hành hệ thống chiếu sáng nên rất thân thiện với môi trường.

Nhóm thực hiện dự án này gồm 3 sinh viên và 4 học sinh đến từ Trường THPT Phan Ngọc Hiển và Trường THCS Chu Văn An, quận Ninh Kiều. Các học sinh nêu ý tưởng và thực hiện dưới sự hướng dẫn của giảng viên, các sinh viên chuyên ngành. Dù sản phẩm chỉ mới là thiết kế mô phỏng nhưng cho thấy tính sáng tạo và khả thi rất cao. Em Trần Đặng Hồng Ngân, sắp vào lớp 9, Trường THCS Chu Văn An, cho biết: “Tổ chúng em rất vui khi có thể tự tay làm mô hình xe này để góp phần bảo vệ môi trường. Qua đây em mới thấy, công nghệ số không xa vời, số hóa cũng không xa vời, chỉ cần có đam mê và chịu học, ai cũng có thể tiếp cận”.

Đại diện tổ 2, em Lâm Uyển Dung, sắp vào lớp 11, Trường THPT Phan Ngọc Hiển, giới thiệu về sản phẩm “Máy cắt cỏ tự động”. Máy được thiết kế cầm tay nhỏ gọn, phù hợp sử dụng chăm sóc cây kiểng, vườn tược trong khuôn viên gia đình. Máy sử dụng pin năng lượng và có bộ phận dùng chứa cỏ đã được cắt. Phần trình bày của Dung cùng các thành viên trong tổ khá thuyết phục. Tương tự, các tổ khác cũng trình bày rất hay dự án robot cứu hỏa, máy chăm sóc thú cưng, hệ thống AI tư vấn tâm lý học đường, nón bảo hiểm cảnh báo nguy hiểm…

Những dự án nêu trên là những thành quả của “Mùa hè số”. Chương trình do Đoàn Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Trường Đại học Cần Thơ phối hợp Đoàn phường Tân An, Đoàn phường Xuân Khánh (quận Ninh Kiều) và Xã đoàn Mỹ Khánh (huyện Phong Điền) thực hiện. Anh Huỳnh Ngọc Thái Anh, Bí thư Đoàn Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, cho biết: Đây là năm thứ 2 các đơn vị cùng phối hợp thực hiện “Mùa hè số”, nhằm tạo sân chơi ngày hè và cũng giúp học sinh học thêm kiến thức, kỹ năng về công nghệ số. “Mùa hè số” năm nay gồm chuỗi hoạt động như chuyên đề tư duy thiết kế, đấu trường tri thức, học vẽ Sketchup 3D, hoàn thiện thiết kế trên 3D và bản prototype, cuối cùng là phản biện ý tưởng về mô hình khi đã tích hợp STEM.

“Nhân vật chính” của “Mùa hè số” là học sinh. Với sự hướng dẫn của sinh viên chuyên ngành, giảng viên, các em tự lên ý tưởng và cùng nhau thực hiện dự án của mình. Hơn 100 bạn trẻ tham gia chuỗi chuyên đề trực tiếp, gần 1.200 học sinh cấp THCS và THPT trong và ngoài TP Cần Thơ tham gia các buổi huấn luyện cho thấy sức hút của chương trình năm nay. Em Trương Ngọc Trang, sắp vào lớp 12, Trường THPT Phan Ngọc Hiển, chia sẻ: “Tham gia “Mùa hè số”, em đã bước ra vùng an toàn của bản thân, mạnh dạn nói lên ý tưởng của mình. Em cũng cảm nhận được vai trò của chuyển đổi số, công nghệ ở mọi lĩnh vực của đời sống hiện đại”.

Đồng hành cùng “Mùa hè số” 2 năm qua, theo anh Nguyễn Phú, Bí thư Đoàn phường Tân An, các học sinh trên địa bàn rất hào hứng, tham gia rất đông. “Mùa hè số” khơi gợi tính sáng tạo, khả năng ứng dụng khoa học công nghệ của học sinh. Đây cũng là cách làm hay trong hiện thực hóa chương trình chuyển đổi số quốc gia, hình thành thế hệ công dân toàn cầu. Anh Huỳnh Ngọc Thái Anh chia sẻ: “Qua “Mùa hè số”, các em còn được tích lũy thêm nhiều kỹ năng mềm như làm việc nhóm, tư duy phản biện, kỹ năng thuyết trình... và quan trọng hơn là giúp các em làm quen với công nghệ số”.

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết