23/08/2023 - 08:32

“Chiến dịch đặc biệt” của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam 

DUY KHÔI

Tập thơ “Nhật ký người xem đồng hồ” của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều in khổ 18x24cm, do NXB Hội Nhà văn ấn hành. Tập thơ được chia làm 2 phần: “Nhật ký người xem đồng hồ” và “Hồ sơ tự khai của đồ vật có trong phòng viết”, có in chân dung tác giả do nhà thơ Đỗ Trung Quân vẽ. Các phụ bản tập thơ là tranh do nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vẽ.

Tập thơ “Nhật ký người xem đồng hồ”. Ảnh: FBNV

“Tôi bắt đầu một chiến dịch “đặc biệt””, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, bắt đầu một bài đăng trên facebook như vậy. Và bài đăng ấy nhận được sự chia sẻ của rất nhiều người, không chỉ là hội viên mà còn của người yêu văn học.

Ông viết tiếp: “Với tôi, đây là một “chiến dịch” thật sự. Vậy đó là chiến dịch gì? Đấy là chiến dịch... BÁN THƠ”. Chuyện là ông vừa ra mắt tập thơ “Nhật ký người xem đồng hồ” và bài đăng là cách để ông tiếp thị cho sản phẩm văn học mới. Chuyện này khiến nhiều người tò mò lẫn hoài nghi, vì không biết liệu ông Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam rao bán thơ thì có “mất mặt” không.

Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, trước giờ ông in thơ ít khi bán mà chỉ tặng. Nghĩ lại, ông có chút “ân hận” vì “có người không đọc mà mình cứ tặng”. Những quyển sách khi ấy chỉ vướng víu, chật nhà. Đó là một kiểu làm phiền người khác. Vậy là ông quyết định bán thơ trong lần xuất bản này: “Họ quan tâm thì họ mới mua”.

Sau những dòng viết giới thiệu kỹ càng về tập thơ mới, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều kết luận: “Tóm lại là việc viết, việc in, việc bán thơ là việc VUI. Phải không mọi người?”. Đáp lời câu hỏi này, nhiều người đồng tình với Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.

Từ “chiến dịch đặc biệt” của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhiều người từ bất ngờ đến giật mình. Giật mình vì sao lại bất ngờ từ một điều vốn dĩ rất bình thường. Thời gian dài, nhiều người sáng tác chỉ dừng lại ở việc in thơ và làm quà tặng cho bạn bè, người quen. Đúng như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ, đã là quà tặng ngẫu nhiên thì sẽ có người thích (cần) hoặc không. Nhưng một khi ấn phẩm ấy thành hàng hóa thì lại khác. Người thích (hoặc cần) họ sẽ mua và sử dụng.

Thực tế thời gian qua, rất nhiều nhà thơ, trong đó có nhiều nhà thơ trẻ, khi in tác phẩm và phát hành đã bán rất chạy, được nhiều người ủng hộ. Một số tác giả quảng bá và bán tác phẩm một cách đầy tự tin, đặc biệt thông qua mạng xã hội. Nhưng số lượng đó chưa nhiều và “chiến dịch đặc biệt” của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều như một “phát pháo” cho người làm thơ.

Việc tự bán thơ mình cũng là một phép thử chính xác để người làm thơ “nhìn lại và bước tiếp”, xem người đọc cần gì, nghĩ gì. Một cuốn thơ được bán sẽ tiếp thêm cho người viết động lực lẫn nguồn lực để tiếp tục sáng tạo.

Chia sẻ bài viết