31/08/2019 - 07:32

“Chiếc cặp” - Tình yêu lắng đọng 

Tiểu thuyết “Chiếc cặp” của nhà văn Hiromi Kawakami đoạt giải thưởng văn học TANIZAKI uy tín của Nhật Bản, kể một câu chuyện tình khá đặc biệt, để lại cho người đọc những dư vị lắng đọng về tình yêu giữa hai người cách xa nhau về tuổi tác. Sách do Phương Nam Book và NXB Phụ nữ liên kết phát hành năm 2019.

Tsukiko, một phụ nữ 37 tuổi, tình cờ gặp lại thầy giáo thời trung học của mình trong một quán ăn. Thầy tên Harutsuna nhưng Tsukiko, quen gọi là “Sensei”, một cách gọi phổ biến của học sinh với giáo viên. Sau đó, hai người thường hẹn nhau đến quán quen và trò chuyện như những người bạn thân. Thỉnh thoảng, Tsukiko đến nhà thầy chơi. Bản thân cô cảm thấy điều mơ hồ trong tình cảm của mình dành cho thầy mà không biết gọi tên nó là gì. Để rồi khi gặp lại Kojima, người bạn thời trung học và được anh theo đuổi, Tsukiko mới nhận ra tình yêu của mình thật sự dành cho ai…

Tiểu thuyết không có nhiều kịch tính, mạch truyện êm đềm diễn ra theo cảm xúc của nhân vật nữ chính. Phần lớn câu chuyện là những cuộc gặp gỡ giữa cô và thầy giáo cùng những cuộc hội thoại. Người đọc dễ nhận thấy, người thầy lớn hơn 30 tuổi ấy rất chừng mực và giữ khoảng cách với cô học trò cũ trong các cuộc gặp. Và Tsukiko, có những lúc muốn vượt qua ranh giới của tình thầy trò nhưng vẫn bị “cái tôi” kiềm giữ lại, bị sự đàng hoàng của thầy ngăn cản. Lúc này, nhân vật thứ ba xuất hiện như một chất xúc tác để giúp Tsukiko kiểm chứng lại tình cảm của mình. Dù nhận lời hẹn hò, đi chơi cùng bạn cũ Kojima, nhưng tâm trí của cô lại chỉ nghĩ về “Sensei”. Để rồi cô chủ động tỏ tình với thầy trong một chuyến đi du lịch đến đảo xa.

Tới đây, tác giả dường như muốn trêu đùa người đọc khi dẫn dắt chuyện tình của hai nhân vật chính rẽ vào những khúc quanh uốn lượn với những tình tiết lưng chừng và khá bất ngờ. Nhưng có lẽ, điều họ cần nhất chính là thời gian để xác định rõ tình cảm của mình dành cho đối phương là tình yêu thật sự hay chỉ là những rung động nhất thời…

Câu chuyện còn phản ánh sự cô đơn của con người trong nhịp sống công nghiệp hối hả và tất bật. Tsukiko là điển hình của nhiều người trẻ đang sinh sống và lập nghiệp ở những đô thị lớn, chỉ biết vùi đầu vào công việc, hờ hững với tình yêu và đôi lúc giật mình thảng thốt khi nhận ra thanh xuân đã vụt qua rất nhanh. Trong khi đó, nỗi buồn của thầy Harutsuna là sự cô độc khi về già, của một cuộc hôn nhân không trọn vẹn và luôn nhớ về những kỷ niệm xưa. Hai tâm hồn đơn độc ấy đã kết nối với nhau và tìm thấy hạnh phúc, dù rằng ngắn ngủi.

Chiếc cặp, vật luôn gắn bó với người thầy, giờ là kỷ vật để Tsukiko tưởng nhớ sau khi ông qua đời. Nó tuy trống rỗng nhưng lại chứa đầy tình yêu thương và kỷ niệm của hai người.

Cát Đằng

Chia sẻ bài viết