10/08/2019 - 10:02

“Chắp cánh” cho văn hóa Cần Thơ hội nhập 

Những năm qua, công tác giáo dục di sản văn hóa trong học đường luôn được ngành Văn hóa và ngành Giáo dục thành phố quan tâm. Với nhiều mô hình thiết thực, tuổi trẻ thành phố thêm hiểu và trân quý những giá trị lịch sử, truyền thống của quê hương, xứ sở. Ðể rồi chính các em trở thành những sứ giả góp phần bảo tồn và “chắp cánh” cho văn hóa Cần Thơ hội nhập.

Mới đây, Đoàn Phường An Thới (quận Bình Thủy) đã tổ chức cho gần 500 học sinh trên địa bàn tham quan, tìm hiểu tại Di tích quốc gia Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa. Các em được thuyết minh viên của Bảo tàng TP Cần Thơ và Phòng Văn hóa và Thông tin quận Bình Thủy kể về cuộc đời và sự nghiệp của cụ Thủ khoa, tham quan khuôn viên di tích... Anh Nguyễn Hoàng Kiệt, Bí thư Đoàn Phường An Thới, cho rằng tham quan di tích lịch sử văn hóa là một phương pháp học tập thực tế và hiệu quả, giúp tuổi trẻ được trải nghiệm và vun bồi những giá trị nhân văn, truyền thống. Dịp hè này, các Di tích Lịch sử - Văn hóa trên địa bàn thành phố đã đón khoảng 3.000 lượt học sinh, sinh viên tham quan trong chương trình "Sinh hoạt hè 2019".

Ngay từ đầu năm học 2018-2019, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Sở Giáo dục và Đào tạo đã có kế hoạch liên tịch về phối hợp giáo dục truyền thống và di sản văn hóa trong học đường. Những con số cho thấy hiệu quả từ việc phối hợp, như: hơn 7.100 lượt học sinh, sinh viên tham gia các chương trình do Bảo tàng TP Cần Thơ tổ chức; gần 42.500 lượt học sinh, sinh viên tham quan và học tập tại Bảo tàng và các Di tích Lịch sử - Văn hóa trên địa bàn thành phố… Những chương trình thời gian qua do Bảo tàng TP Cần Thơ tổ chức đã tạo được thương hiệu và sức hút với giới trẻ như Sắc xuân miệt vườn, Tiết học Sử tại Bảo tàng, Tìm hiểu làng nghề truyền thống ở Cần Thơ…

Điển hình như việc thành lập và duy trì 12 Đội tuyên truyền di sản văn hóa trong học đường. Chính các em học sinh là cầu nối lan tỏa giá trị truyền thống tốt đẹp của đất nước và quê hương Cần Thơ. Còn nhớ cách đây chưa lâu, Ban Quản lý di tích thành phố (nay đã sáp nhập về Bảo tàng thành phố) tổ chức Hội thi tuyên truyền về di sản văn hóa trong học đường tại quận Thốt Nốt, với những phần thi thật sự xúc động. Những em thiếu nhi áo trắng, quàng khăn đỏ dần thành thạo và chuyên nghiệp trong tuyên truyền di sản văn hóa. Những câu chuyện về văn hóa truyền thống của Cần Thơ lại được kể sống động, tình cảm và tâm huyết qua những tuyên truyền viên nhí. Tham gia giới thiệu về nhân vật lịch sử Lê Thị Tạo, em Phạm Phương Anh, học sinh Trường THCS Thốt Nốt, chia sẻ: "Quận Thốt Nốt có đường và công viên mang tên Lê Thị Tạo nhưng quả thật em chưa biết nhiều. Qua hội thi, em tìm hiểu và biết hơn về tấm gương của nữ anh hùng quê Thốt Nốt".

Học sinh Trường THPT Nguyễn Việt Hồng (quận Ninh Kiều) tham gia tiết học môn Lịch sử tại Bảo tàng.

Một mô hình khác cũng rất ý nghĩa là tiết học môn Lịch sử tại Bảo tàng, được Bảo tàng thành phố phối hợp với các trường THPT trên địa bàn thực hiện từ nhiều năm nay. Không chỉ là bài học trong sách giáo khoa, các em được nghe, được thấy và tận tay sờ vào hiện vật để cảm nhận hết giá trị thiêng liêng từ quá khứ. Năm học 2018-2019, Trường THPT Trần Đại Nghĩa (quận Cái Răng) đã thực hiện 44 tiết học cho gần 750 học sinh khối 10 và 11. Thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa, đánh giá: Mô hình này đã giúp giáo viên được mở rộng và làm phong phú môi trường giảng dạy, có điều kiện đổi mới phương thức dạy học. Học sinh được trải nghiệm môi trường học tập mới, thêm yêu thích và hứng thú với môn học, bồi dưỡng tình yêu quê hương. "Các hoạt động này đã thu hút các em học sinh tham gia tích cực, trách nhiệm, góp phần nâng cao chất lượng việc dạy và học Sử trong nhà trường", thầy Bằng chia sẻ. Một điển hình khác là Trường THPT Nguyễn Việt Hồng (quận Ninh Kiều) đơn vị mở đầu và duy trì mô hình này suốt nhiều năm qua. Năm nay, có 400 học sinh khối lớp 10 của trường tham gia. Em Phạm Thị Ngọc Mai, học sinh Trường THPT Nguyễn Việt Hồng vừa chăm chú tham quan các hiện vật trong tiết học Lịch sử tại Bảo tàng, vừa chia sẻ: "Tiết học Lịch sử địa phương này giúp em biết TP Cần Thơ mình có nhiều di tích lịch sử, di sản văn hóa rất có giá trị. Có dịp, em sẽ đi tham quan những nơi đó để hiểu biết hơn về quê hương".

Ngoài ra, từng trường, từng địa phương ở TP Cần Thơ cũng có nhiều cách làm hay nhằm kết nối giới trẻ với di sản văn hóa như chăm sóc di tích, tham quan di tích, tìm hiểu về truyền thống lịch sử - văn hóa địa phương… Thầy Nguyễn Hoàng Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Văn Trị (huyện Phong Điền), chia sẻ: Với phương châm "dạy chữ - dạy người", nhà trường phải phân bổ thời gian hợp lý để truyền thụ kiến thức, giáo dục đạo đức cho học sinh. Vậy, thời gian nào để tuyên truyền giáo dục truyền thống và di sản văn hóa cho các em? Đây là cái khó khiến nhà trường rất lo lắng. Theo thầy Minh, chính sự hỗ trợ của Bảo tàng TP Cần Thơ với cách làm sinh động, hiệu quả đã giúp "gỡ khó" cho nhà trường. Cô Nguyễn Thị Thu Thảo, giáo viên Tổng phụ trách Đội, Trường Tiểu học Thới Thạnh (huyện Thới Lai), cho rằng: Một khi "thoát" ra khỏi sách vở và ghế nhà trường, được học tập tại các di tích, công trình văn hóa, các em học sinh rất háo hức, năng động tiếp thu những kiến thức mới. "Các em được rèn tinh thần tập thể, nề nếp, kỷ luật, biết quan sát thế giới xung quanh…", cô Thu Thảo thông tin.

Như một quy luật, có hiểu thì mới yêu, có yêu thì mới trân quý, giữ gìn. Với những mô hình rất hay và ý nghĩa, giá trị truyền thống, di sản văn hóa được lan tỏa đến giới trẻ Cần Thơ một cách tự nhiên và đằm sâu nhất. Mỗi em được hiểu, quý trọng và như thấy mình có trách nhiệm hơn với di sản cha ông để lại. Như câu nói mà chúng tôi được nghe từ rất nhiều em học sinh, sinh viên khi tham quan di tích ở Cần Thơ: "Đi rồi mới thấy văn hóa Cần Thơ mình đẹp và thật đáng tự hào!". Và chúng tôi tin rằng, từ những nghĩ suy chín chắn đó, các em sẽ chung tay đưa văn hóa Cần Thơ ngày càng hội nhập, vươn xa.

Bài, ảnh: Ðăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết