18/07/2023 - 10:22

“Biệt đội” vá đường không công 

Bài, ảnh: NGUYỄN TRINH

Suốt 7 năm qua, hàng chục nông dân tại xã Long Điền B, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, tự nguyện đóng góp tiền, ngày công để vá đường với mong muốn việc đi lại an toàn.

Đội vá đường không công của ông Cường đang tiến hành vá lấp tuyến đường xuống cấp.

Đội vá đường do ông Tạ Ngọc Cường (59 tuổi) thành lập năm 2016, hiện có hơn 50 thành viên tham gia, tuổi đời từ 50-70, đa phần là những nông dân, y sĩ, giáo viên, thợ mộc… “Tôi là y sĩ có 37 năm làm việc ở Khoa Ngoại chấn thương Bệnh viện Chợ Mới. Tôi đã chứng kiến nhiều ca tai nạn do bà con tự té hoặc va chạm do tránh ổ voi, ổ gà. Vì thế, tôi quyết định vá đường để giảm bớt tai nạn cho bà con” - ông Cường tâm sự.

Theo ông Cường, khi mới thành lập, do chưa có kinh nghiệm trong lấp vá đường nên các thành viên góp tiền mua nhựa trộn sẵn, chi phí rất cao. Sau khi nghiên cứu, các thành viên trong đội mua thùng phuy nhựa giá hơn 2 triệu đồng/thùng đem về trộn với đá mi, chi phí rẻ, lại vá được nhiều đường hơn… Các thành viên trong đội còn nghiên cứu, tìm cách nấu nhựa vá đường tại chỗ, không dùng vật liệu xi măng như nhiều nơi đã làm. Bởi thế đường làm vừa lâu hư, ít bị trơn trợt do rong rêu bám. “Trước đây mỗi tháng nhóm ra quân 4 lần tổ chức giặm vá đường, hiện đã nâng lên 8 lần đi giặm vá. Bình quân chi phí mỗi chuyến vá đường từ 10-15 triệu đồng do anh em trong đội đóng góp và vận động thêm từ các nhà hảo tâm. Mặc dù các thành viên trong đội không nhận thù lao, nhiều lúc phải xuất tiền túi hùn mua vật liệu nhưng ai cũng vui bởi cùng có mong muốn mang lại sự bình yên trên những cung đường cho người tham gia giao thông” - ông Cường nói.

Nhiều năm qua, mỗi khi nhận được thông tin đường nông thôn trên địa bàn có “ổ voi”, “ổ gà”, gây nguy hiểm cho người đi đường là đội vá đường của ông Cường liền có mặt, khảo sát rồi lên kế hoạch xử lý. Khi tập hợp đủ nhân lực, việc phân chia từng khâu vá đường cũng khá bài bản. Tùy theo độ tuổi và sức khỏe, mỗi người sẽ được phân công việc phù hợp, như người phụ trách lái xe chở dụng cụ, vật liệu, người nấu nhựa, rải đá, đầm đá… nên công việc hoàn thành nhanh chóng. Ông Cao Văn Cường (52 tuổi, ở huyện Chợ Mới) cho biết: “Tôi tham gia từ khi đội mới thành lập và phụ trách lái xe chở vật liệu đến chỗ giặm vá. Các thành viên trong đội ai cũng nhiệt tình, không ngại khó, ngại cực khổ, luôn quyết tâm hoàn thành để những tuyến đường xuống cấp trở nên đẹp đẽ, an toàn”.

Cứ thế suốt 7 năm qua, những “kỹ sư cầu đường chân đất” đã làm mới, vá hơn 20km đường nông thôn, giúp bà con lưu thông thuận lợi, an toàn. Cụ Nguyễn Hữu Hùng (73 tuổi, ở xã Long Điền B, huyện Chợ Mới) cho biết: “Tôi tham gia đội vá đường từ những ngày đầu mới thành lập. Tuy mỗi người mỗi việc khác nhau, nhưng khi có đường cần giặm vá thì chúng tôi đều tạm gác việc gia đình lại, cùng nhau làm xong sớm nhất những tuyến đường hư hỏng để bà con lưu thông an toàn”.

Chia sẻ bài viết