16/04/2020 - 09:28

“Bắt tay” tạo lợi thế trong sản xuất, tiêu thụ trái cây 

Huyện Phong Điền, TP Cần Thơ là nơi hội tụ cây lành, trái ngọt với các vườn cây ăn trái trĩu quả quanh năm. Để giảm thiểu rủi ro, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình sản xuất; tạo lợi thế khi  tiêu thụ sản phẩm, các nhà vườn nơi này được tập hợp vào các Hợp tác xã (HTX), Tổ hợp tác (THT). Nhờ đó, nhà vườn dần thay đổi tư duy sản xuất theo hướng sản xuất sạch, an toàn với chi phí thấp nhất và không còn nơm nớp lo cảnh “trúng mùa, mất giá”. 

Thu hoạch vú sữa tại HTX Trường Khương A.

►Thành công nhờ liên kết

Ông Nguyễn Út Em, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền, chia sẻ: Quá trình vận động nông dân chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, cải tạo vườn tạp, xây dựng các vùng chuyên canh cây ăn trái, ngành Nông nghiệp huyện đã vận động, khuyến khích nông dân vào các HTX, THT. Ban đầu bà con cũng không mặn mà vì vẫn còn giữ thói quen làm ăn riêng lẻ, manh mún. Từ khi có mô hình làm ăn hiệu quả thì bà con mới tin tưởng và tự nguyện tham gia. Hiện nay, một số thành viên HTX, THT không chỉ trồng các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế mà còn kết hợp phát triển du lịch đem lại thu nhập khá cao”. Trên địa bàn huyện Phong Điền hiện nay có một số HTX, THT trồng cây ăn trái hoạt động hiệu quả: HTX Trường Thuận 1, với quy mô 9,85ha và HTX Vú Sữa Trường Khương A, diện tích 45,5ha (xã Trường Long); Tổ Liên kết sản xuất cây ăn trái VietGAP Phong Điền, diện tích 7,55ha (thị trấn Phong Điền); HTX nhãn Nhơn Nghĩa, quy mô 19,1ha (xã Nhơn Nghĩa); THT sản xuất Sầu riêng Tân Thới, xã diện tích 17,1ha (xã Tân Thới)…

HTX Trường Khương A thuộc xã Trường Long ghi dấu ấn không chỉ với các loại vú sữa đặc sản nức tiếng gần xa mà còn quy trình sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Trần Văn Chiến, Giám đốc HTX xã Trường Khương A, chia sẻ: HTX hiện có 30 thành viên với khoảng 47ha trồng các loại vú sữa: Lò rèn, vú sữa bơ hồng, tím Bắc Thảo. Vú sữa của HTX được trồng theo quy trình VietGAP và được bao trái ngay khi còn nhỏ nên không chỉ có chất lượng đảm bảo mà còn an toàn cho người tiêu dùng. Năm 2018 đánh dấu thành công lớn của HTX khi sản phẩm vú sữa của HTX chính thức xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Hiện tại, HTX liên kết với Công ty TNHH Sản xuất Chế biến nông sản Cát Tường (tỉnh Tiền Giang) và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (tỉnh Bến Tre) trong khâu bao tiêu đầu ra.

Đến gặp anh Nguyễn Văn Nhuận, Tổ THT sầu riêng Trường Tây, xã Tân Thới, tôi được anh chia sẻ về cách làm thế nào để vừa trồng sầu riêng “nhàn nhã” vừa đem lại thu nhập cao. Anh Nguyễn Văn Nhuận chia sẻ: “Tôi áp dụng hệ thống tưới, phun thuốc, bón phân tự động thông qua điều khiển bằng điện thoại thông minh. Đến giờ hoặc thời điểm thích hợp chỉ cần ấn nút thì hệ thống tự vận hành. Do đó, mặc dù diện tích vườn đến 9.000m2 nhưng tôi không phải vất vả cho khâu chăm sóc. Tôi có thể tưới nước, bón phân, thuốc cho vườn sầu riêng bất cứ khi nào, ở đâu mà không cần phải ra đến tận vườn vừa tiết kiệm chi phí lại không phải tốn công, tốn sức”. Theo anh Nhuận, rút kinh nghiệm từ mô hình của gia đình mình, hiện nay anh đã chia sẻ kinh nghiệm và trực tiếp chuyển giao, thi công hệ thống phun tưới tự động cho bà con trong THT.

►Thay đổi tư duy

Mặc dù đạt được những kết quả đáng khích lệ, song theo đánh giá của ngành Nông nghiệp huyện, lĩnh vực kinh tế tập thể nói chung cũng như hoạt động của các HTX, THT chuyên trồng cây ăn trái vẫn tồn tại nhiều bất cập. Khâu liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ còn ở quy mô nhỏ, chưa thực hiện phổ biến tại hầu hết các HTX, THT. Hiện nay, sản xuất trái cây còn phải đối mặt với biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, sâu bệnh… diễn biến phức tạp. Trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm, trái cây Phong Điền vẫn còn chịu sự cạnh tranh gay gắt với các loại trái cây ngoại nhập và yếu thế do chưa xây dựng được thương hiệu…

Từ thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng, để nâng cao giá trị, tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm cây ăn trái của huyện Phong Điền cần sự phối hợp giữa Nhà nước và nhà vườn trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu. Bà Hồ Thị Phương, Chủ tịch UBND xã Tân Thới, cho biết: “Với lợi thế trồng cây sầu riêng, vừa qua xã đã hướng dẫn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đối với nhãn hiệu tập thể “Sầu riêng Tân Thới”; xây dựng và được chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP đối với THT Sản xuất sầu riêng Tân Thới. Đây là niềm vui, kỳ vọng lớn đối với sản phẩm sầu riêng trên địa bàn xã Tân Thới trong hành trình vươn cao, vươn xa để khẳng định thương hiệu của mình”.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền, trong năm 2020, ngành Nông nghiệp huyện tiếp tục vận động nhà vườn cải tạo, khôi phục diện tích vườn bị suy thoái, kém hiệu quả; chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái. Đồng thời, vận động nhà vườn tham gia vào các mô hình kinh tế tập thể để tiếp tục thực hiện xây dựng mô hình cây ăn trái tập trung chuyên canh theo hướng VietGAP gắn với phát triển du lịch. Ông Nguyễn Út Em, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền, nhấn mạnh: “Hiện nay, vấn đề tuyên truyền để thay đổi tư duy cho người nông dân vẫn phải tiếp tục thực hiện mạnh mẽ, thường xuyên hơn. Huyện cũng sẽ tổ chức các buổi hội thảo, xây dựng mô hình điểm, tham quan thực tế để các nhà vườn dần bỏ lối canh tác lạc hậu, đơn lẻ và mạnh dạn tham gia vào HTX, THT”.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết