"Đất sinh nghề" là ký sự về cuộc sống mưu sinh của người dân miền Tây Nam Bộ với những nghề rất đặc trưng ở vùng đất này. Đó không chỉ là đời sống, tập quán sinh hoạt mà còn là nét văn hóa đặc sắc, những khát vọng sống thích nghi, chinh phục tự nhiên. Chương trình phát sóng lúc 20h30 thứ ba hằng tuần trên kênh VTV Cần Thơ, hoặc xem trên kênh YouTube VTV Cần Thơ - Kết nối miền Tây.
Hình ảnh trong tập “Ðáy hàng khơi”. Ảnh chụp màn hình
Mỗi tập của ký sự có thời lượng hơn 13 phút, trong đó ghi lại hành trình của những người, cộng đồng với những nghề rất độc đáo ở mỗi nơi. Nghề ở miền Tây rất đa dạng, có những nghề chỉ làm một vài tháng tùy theo con nước, có nghề chỉ mùa khô mới rộ mùa mưa ngưng làm, có nghề chỉ làm nửa buổi đêm hay trời hửng sáng… Những câu chuyện trong "Đất sinh nghề" được phác họa chân thực, mộc mạc qua chân dung của những người làm nghề, giữ nghề qua nhiều thế hệ ở vùng đất này. Ở đó, người xem không chỉ biết thêm thông tin về những nghề độc đáo mà còn hiểu, đồng cảm với những nỗi vất vả trong hành trình giữ nghề của người dân địa phương.
Như câu chuyện về nghề đáy hàng khơi trong tập "Đáy hàng khơi" mang đến cho người xem nhiều cảm xúc về hành trình ra khơi của người dân ở xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Đáy hàng khơi là công cụ đánh bắt của ngư dân, gồm cột từ thân dừa hay thân cây sao, rượng, đõi, nèo, miệng đáy bằng lưới có hình chóp giăng ngang dòng nước chảy ở biển để bắt tôm, cá các loại. Đáy hàng khơi tức là những hàng đáy được đóng giữa biển khơi. Theo truyền miệng, nghề đóng đáy hàng khơi ở Trà Vinh có từ hơn 100 năm trước. Đây là nghề rất vất vả vì phải phụ thuộc theo thời tiết, con nước, dậy sớm thức khuya bám biển. Trong "Đáy hàng khơi", hành trình đưa người xem theo chân chủ ghe Lê Văn Thành (gọi thân quen là Quẹo) và nhóm "bạn đáy", "bạn tàu", "bạn chòi" đóng đáy, thu hoạch cá tôm để hiểu hơn về nghề mưu sinh trên biển đầy nguy hiểm. Người làm nghề đóng đáy gọi là "bạn đáy", thường thông thạo luồng lạch, biết xem thiên văn, biết cách cắm cột, trải đáy…
Mỗi việc đều đòi hỏi phải có sức khỏe, khéo léo và sự phối hợp nhịp nhàng. Cứ khoảng 5-10m cắm một cột đáy chắn ngang con nước. Rượng đáy giữa các cột cố định bằng cây tre hoặc dây kẽm cách mặt nước biển chừng 1,5-2,5m. Mỗi hộ có khoảng 10-30 miệng đáy tùy kinh tế gia đình. Theo đó, sẽ có chòi canh được cất trên miệng đáy và người giữ chòi được gọi là "bạn chòi". Mỗi chòi canh đáy chỉ rộng từ 4-10m2 cho 2-3 người cùng ở. Họ phải ở đây canh chòi và chỉ vào bờ khi con nước non. Cũng theo con nước, "bạn đáy" và "bạn tàu" sẽ kéo đáy bắt cá tôm. Chủ ghe sẽ tùy theo sản lượng thu hoạch mà chia cho "bạn đáy" và "bạn tàu", riêng "bạn chòi" sẽ được lựa chọn từ 2-3 miệng đáy để thu hoạch trả công cho những vất vả, nguy hiểm mà họ đối mặt trong những ngày canh chòi. Những hình ảnh, những con người chân thực trong "Đáy hàng khơi" mang đến cho người xem không chỉ là sự hiểu biết về nghề mưu sinh, mà ở đó còn có cảm xúc, những tình cảm chân thành của những con người cùng chung nghề. Họ không nề hà công việc, vất vả, nguy hiểm mà phối hợp rất nhịp nhàng, ăn ý, thể hiện nét đẹp lao động, sự hào sảng, chân thành của người miền Tây.
Những câu chuyện trong "Đất sinh nghề" rất đẹp. Đẹp không chỉ ở cảnh sắc được trau chuốt qua từng khung hình mà còn là nét đẹp lao động chân thực, mộc mạc qua từng câu chuyện được khai thác sâu.
Như hành trình về nghề nấu đường thốt nốt ở Tịnh Biên, An Giang. Người xem được biết thêm về loại đường thơm ngọt này qua hành trình của ông Chau Tỷ, một người dân ở phường An Phú, thị xã Tịnh Biên, gắn bó lâu đời với nghề. Đường thốt nốt được làm từ nước tiết ra từ những vết cắt trên hoa, do đó việc lấy nước cây thốt nốt là công đoạn có phần nguy hiểm, đòi hỏi sự chuyên nghiệp, kinh nghiệm lâu năm và khéo léo. Để lấy nước thốt nốt, người dân phải leo lên cây cao hơn 10m. Sau khi đến ngọn cây, người ta dùng dao cắt ngang ngọn hoa rồi lấy can để hứng nước chảy ra. Quá trình hứng nước hoa kéo dài từ 5-7 ngày. Nước thốt nốt sau khi đem về sẽ được lọc lại cho sạch bụi, côn trùng và mang đi nấu. Sau 4 tiếng thì có mẻ đường vàng óng, thơm nức. Cứ 10 lít nước hoa sẽ cho ra 1kg đường thốt nốt. Để thu hoạch được mật hoa, cây phải trên 20 năm. Mùa thu hoạch thường vào mùa nắng, khoảng tháng 11 âm lịch cho tới khoảng đầu tháng 5 năm sau. Nắng càng gắt thì mật mới tiết nhiều, ngọt hơn. Với ông Chau Tỷ, nghề nấu đường thốt nốt không chỉ mưu sinh mà còn là hành trình gìn giữ nghề truyền thống của cha ông qua 3 đời.
Mỗi hành trình của "Đất sinh nghề" đều mang đến cho người xem những câu chuyện đầy cảm xúc. Đó không chỉ là hành trình bám đất, bám biển, bám nghề mà còn là niềm tin, khát vọng về cuộc sống, thể hiện tính thích nghi, thích chinh phục tự nhiên của bao thế hệ đi khai phá mảnh đất phương Nam. Trong "Đất sinh nghề", người xem sẽ được biết có những nghề rất lạ, như nghề "chấm nụ, thụ phấn" để tăng tỷ lệ đậu trái cho cây mãng cầu ta, nghề "gõ, mát xa" hoa dừa để lấy mật từ hoa, hay nghề trèo cây cau để hái trọn buồng cau… Tất cả đều phản ánh quá trình lao động đầy nhiệt huyết, sáng tạo của người dân vùng ĐBSCL.
BẢO LAM