04/12/2023 - 09:20

Ðào tạo nghề cho lao động nông thôn 

Năm 2023, thực hiện kế hoạch “Đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn TP Cần Thơ” (gọi tắt là ĐTN NN), Chi cục Phát triển nông thôn (PTNT), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố phối hợp tổ chức các lớp nghề nông nghiệp (NN) theo nhu cầu các địa phương.Qua đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành NN, góp phần phát triển sản xuất theo hướng hiện đại…

Học viên lớp trồng rau màu phường Trà Nóc, quận Bình Thủy trong giờ thực hành.

Sau các phần học lý thuyết về kỹ thuật canh tác, sản xuất rau an toàn; kỹ thuật ghép cây, trồng rau thủy canh, 28 học viên (HV) lớp nghề trồng rau màu, phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, do Chi cục PTNT thành phố phối hợp Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) quận Ô Môn tổ chức, chia nhóm để thực hành tại khoảng đất trống trên địa bàn. Hầu hết HV có nhu cầu học nghề, tìm việc làm nên tham gia đầy đủ, thái độ nghiêm túc. Giáo viên hướng dẫn cố gắng chọn cách truyền đạt nội dung kiến thức dễ hiểu, dễ nhớ để HV dễ tiếp thu, áp dụng thực hành trong canh tác sau này.

Trước đó, HV tìm hiểu kiến thức chung về Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Lao động và khởi sự doanh nghiệp. Anh Dương Ngọc Điền, khu vực 6, nói: “Thời gian trước, tôi làm công nhân Khu công nghiệp Trà Nóc, mức lương đủ sống nhưng bị mất việc 2 năm nay. Tôi mượn đất trồng các loại rau cải để vợ bán lẻ ở chợ, mỗi ngày kiếm được khoảng 200.000 đồng để lo chi phí sinh hoạt và nuôi các con ăn học. Tham gia lớp trồng rau màu, tôi muốn nắm bắt kỹ thuật trồng đạt năng suất, an toàn để tăng thu nhập. Tôi chuẩn bị mướn thêm đất trồng rau các loại bán vào dịp Tết”. Sắp xếp thời gian, công việc, tham gia học nghề đầy đủ, chị Nguyễn Thị Ngọc Dung, khu vực 2, cho biết: “Tôi từng làm nhân viên bán hàng, thu nhập từ 4-5 triệu đồng/tháng. Do sức khỏe không đáp ứng công việc, tôi nghỉ làm hơn 2 năm nay. Tôi vừa tập bán hàng online, vừa phụ giúp mẹ tận dụng đất quanh nhà trồng các loại rau để bán lẻ. Qua học nghề trồng rau màu, tôi tích lũy nhiều kiến thức, kỹ thuật bổ ích, góp phần tăng năng suất rau, nhất là trồng rau thủy canh, đáp ứng yêu cầu thực khách”.   

Lớp nghề trồng cây ăn trái (sầu riêng) do Chi cục PTNT thành phố phối hợp Trung tâm GDNN-GDTX quận Ô Môn vừa tổ chức tại phường Trường Lạc. 35 HV có nhu cầu nắm bắt kỹ thuật cơ bản các công đoạn trồng sầu riêng đạt năng suất cao, tham gia lớp nghề. Chị Mã Thúy Phượng, ở khu vực Bình Thuận, cho biết: “Tôi nắm bắt thông tin thị trường tiêu thụ sầu riêng khá ổn định và được người em hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nên quyết định cải tạo vườn, trồng 60 cây sầu riêng Ri6 được 3 năm nay, đang chuẩn bị cho ra trái. Giờ được tham gia lớp nghề trồng sầu riêng, tôi mong muốn cập nhật kiến thức, kỹ thuật bài bản để đạt năng suất, thu nhập cao”. Theo ông Phạm Thành Thông, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX quận Ô Môn,  tháng 9 và 10 năm 2023, Trung tâm tham gia đào tạo 3 lớp nghề NN là kỹ thuật trồng rau màu (phường Trà Nóc, quận Bình Thủy) và trồng cây ăn trái (phường Thới An và Trường Lạc, quận Ô Môn), với 98 HV.

Thực hiện kế hoạch ĐTN NN, năm 2023, Chi cục PTNT thành phố phối hợp các quận, huyện tổ chức 7 lớp nghề trồng cây ăn trái và trồng rau màu, với 225 lao động. Hầu hết lao động thuộc diện nghèo, bị thu hồi đất sản xuất, mất việc làm… có nhu cầu học nghề NN để áp dụng trong sản xuất, tự tạo việc làm. Theo Chi cục PTNT thành phố, kế hoạch ĐTN NN nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành NN, góp phần phát triển sản xuất theo hướng hiện đại, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, thực hiện tái cơ cấu ngành NN gắn với xây dựng nông thôn mới. Ưu tiên đào tạo lao động vùng sản xuất hàng hóa tập trung, dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; lao động trong trang trại tham gia chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của thành phố; lao động là người khuyết tật, hộ nghèo, cận nghèo, hộ bị thu hồi đất sản xuất NN... Theo kế hoạch, thành phố phấn đấu đào tạo 5.500 lao động nông thôn, ít nhất 85% lao động sau đào tạo có việc làm ổn định, tăng thu nhập. Thành phố đang triển khai nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào NN, nông thôn, nên yêu cầu nguồn nhân lực NN có chuyên môn kỹ thuật tốt, kỹ năng nghề phù hợp. Bên cạnh đó, mục tiêu phát triển NN, nông thôn giai đoạn 2021-2025 của thành phố đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu NN, phát triển NN ứng dụng công nghệ cao, NN hữu cơ, NN đô thị theo chuỗi giá trị; mở rộng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, gắn với chế biến và xuất khẩu các sản phẩm chủ lực.

Trước đó, thực hiện Đề án Đào tạo  nghề cho lao động nông thôn TP Cần Thơ đến năm 2020, thành phố đã đào tạo nghề cho 33.808 lao động, với 72 nghề, gồm 25 nghề NN và 47 nghề phi NN. Đối với nghề NN, đã đào tạo 7.463 lao động, với các nhóm nghề trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản nước ngọt, dịch vụ NN. Khoảng 30% lao động sau học nghề tham gia vào các hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác liên kết sản xuất, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu và áp dụng quy trình sản xuất VietGAP...

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

 

Chia sẻ bài viết