25/10/2022 - 08:30

Ðảm bảo sản xuất vụ lúa đông xuân thắng lợi 

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Vụ lúa thu đông 2022 tại TP Cần Thơ thu hoạch gần dứt điểm, năng suất và giá cả tương đương cùng kỳ năm 2021. Sau khi thu hoạch lúa, nông dân tiếp tục vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị sản xuất vụ lúa đông xuân 2022-2023 kế tiếp…

Nông dân huyện Vĩnh Thạnh trục, trạc kết hợp làm phẳng mặt ruộng sau khi thu hoạch lúa thu đông.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, vụ lúa thu đông 2022, toàn thành phố đã xuống giống được 66.839ha, đạt 114% so với kế hoạch. Ðến giữa tháng 10-2022 đã thu hoạch được 59.012ha, sớm hơn 2.303ha so với cùng kỳ, năng suất ước đạt 55,33 tạ/ha, tương đương so với cùng kỳ năm 2021. Hiện diện tích lúa thu đông còn lại (khoảng 12% diện tích) chủ yếu trong giai đoạn chắc xanh đến chín, sinh trưởng và phát triển tốt tập trung tại huyện Vĩnh Thạnh.

Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ, cho biết: "Từ đầu vụ, Chi cục Bảo vệ thực vật phối hợp với ngành Nông nghiệp các huyện theo dõi sát sao diễn biến của mưa, bão và tăng cường kiểm soát tình hình sản xuất lúa thu đông tại các huyện. Trong đó, khuyến cáo nông dân sử dụng giống lúa có tính chống chịu với rầy nâu, dịch bệnh và giống có độ cứng cây để hạn chế đổ ngã. Ðặc biệt, quá trình sản xuất bổ sung canxi và silic cho lúa để tăng cường tính chống chịu trong điều kiện mưa, bão… Nhờ đó đảm bảo được năng suất thu hoạch, tăng thêm lợi nhuận cho nông dân".

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ, đến giữa tháng 10-2022, giá lúa tươi tăng 250 đồng/kg ở các giống OM. Cụ thể, giá lúa tươi giống Ðài Thơm 8 từ 5.300-5.600 đồng/kg; giống OM 5451, OM 18 từ 5.250-5.700 đồng/kg; giống IR 50404, OM 380 từ 5.000-5.400 đồng/kg. Trừ chi phí thu hoạch, nông dân thu được lợi nhuận khá. Ông Nguyễn Văn Tâm, ở xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: "Vụ lúa thu đông này, gia đình tôi tiếp tục sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng dẫn của ngành Nông nghiệp huyện. Năm nay sản xuất lúa có nhiều thuận lợi do thời tiết ổn định, đủ nước cung cấp cho lúa. Lúa cho năng suất khá, đảm bảo sản xuất có hiệu quả, tái đầu tư cho vụ mùa kế tiếp. Sau khi thu hoạch lúa thu đông xong, chúng tôi tiếp tục vệ sinh đồng ruộng để xuống giống sản xuất vụ lúa đông xuân tiếp theo, đồng thời tiếp tục ứng dụng các biện pháp khoa học tiến bộ vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả canh tác…".

Diện tích lúa thu đông còn lại tập trung ở các xã phía Bắc kênh Cái Sắn, thuộc huyện Vĩnh Thạnh. Ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ cũng đề nghị Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh khuyến cáo nông dân chủ động tích cực liên hệ dịch vụ máy móc, vận chuyển trong thời gian thu hoạch tập trung, tránh ảnh hưởng thời tiết mưa bão, triều cường và bị động trong khâu chuẩn bị máy móc, thu hoạch trễ so với độ chín của lúa, tránh thất thoát sau thu hoạch và giảm chất lượng hạt gạo.

Vụ lúa đông xuân 2022-2023 sắp tới, TP Cần Thơ có kế hoạch xuống giống 74.280ha. Chi cục Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ, khuyến cáo: để vụ lúa đông xuân 2022-2023 sản xuất đạt hiệu quả, ngay sau khi thu hoạch lúa thu đông, ngành Nông nghiệp các địa phương phải tích cực vận động nông dân vệ sinh đồng ruộng, trục xới đất, đưa nước vào ruộng để nhấn chìm rơm rạ, tiêu diệt mầm bệnh, đồng thời hạn chế ngộ độc hữu cơ do rơm rạ chưa kịp phân hủy. Ðặc biệt, nông dân xuống giống lúa đông xuân phải tập trung đồng loạt, nhưng vẫn đảm bảo thời gian cách vụ, đảm bảo chất lượng và hiệu quả sản xuất.

Theo kế hoạch, Sở NN&PTNT TP Cần Thơ triển khai lịch thời vụ gieo sạ lúa đông xuân 2022-2023 gồm 2 đợt. Ðợt 1 gieo sạ từ ngày 28-10 đến 3-11-2022 (nhằm ngày 4-10 đến 10-10 âm lịch). Ðợt II từ ngày 18-11 đến ngày 24-11-2022 (ngày 25-10 đến ngày 1-11 âm lịch). Các địa phương cần theo dõi chặt chẽ rầy nâu tại chỗ và tình hình rầy di trú kết hợp với chế độ thủy văn, mưa bão để thực hiện và triển khai lịch thời vụ xuống giống lúa đông xuân phù hợp. Bên cạnh đó xây dựng cơ cấu giống lúa phải đảm bảo yêu cầu cân đối, an toàn dịch bệnh và sử dụng giống bền vững, phù hợp với thực tế sản xuất, thị trường, giữ tỷ lệ cơ cấu phù hợp với các giống chủ lực như Ðài Thơm 8, Jasmine 85, OM 5451, OM 18, OM 4218, OM 2517; OM 7347.  Khuyến cáo nông dân sử dụng giống xác nhận, áp dụng biện pháp sạ hàng, sạ thưa, sạ cụm, cấy máy; lượng giống sử dụng không quá 100 kg/ha, đặc biệt khuyến khích các biện pháp canh tác sử dụng từ 50-60kg giống/ha.

Bà Phạm Thị Minh Hiếu nhấn mạnh: trước khi gieo sạ lúa đông xuân, nông dân cần chú ý thực hiện tốt việc xới, trục, trạc kết hợp làm phẳng mặt ruộng, đánh rãnh tạo điều kiện thoát nước tốt, thuận lợi cho việc chăm sóc và quản lý dịch hại trên đồng ruộng. Gia cố bờ bao, cống, đập đảm bảo điều tiết nước thuận lợi trên đồng ruộng. Về chăm sóc cần bón lót phân lân, phân vôi, phân hữu cơ... giúp kích thích bộ rễ cây lúa phát triển mạnh, hạn chế ngộ độc hữu cơ. Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất lúa theo hướng an toàn, thân thiện môi trường như "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm", tưới ngập - khô xen kẽ, ứng dụng công nghệ sinh thái, sử dụng chế phẩm sinh học (nấm xanh, Ometar...) trong quản lý
sâu rầy…

Sở NN&PTNT TP Cần Thơ cũng yêu cầu ngành Nông nghiệp các địa phương thường xuyên cập nhật thông tin thời tiết, thủy văn, dịch bệnh... để xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp với từng địa phương; kịp thời tham mưu UBND quận, huyện triển khai kế hoạch sản xuất, biện pháp kỹ thuật tiến bộ đến các cơ quan, đơn vị liên quan để khuyến cáo, hỗ trợ nông dân ứng dụng; chủ động phối hợp doanh nghiệp liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ; tổ chức xây dựng từng cánh đồng lúa đặc sản, lúa thơm phù hợp để tạo vùng nguyên liệu cho xuất khẩu; quan tâm xây dựng các chuỗi liên kết ổn định, bền vững như chuỗi sản xuất lúa hữu cơ; tăng cường công tác quản lý chất lượng giống lúa, chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật về việc thực hiện niêm yết giá, ngăn ngừa tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, tạo khan hiếm giả, tăng giá vào vụ đông xuân 2022-2023…

Chia sẻ bài viết