Mới đây, lãnh đạo TP Cần Thơ đã kiểm tra Dự án nâng cấp, cải tạo quốc lộ 91 (QL91) đoạn đầu tuyến và các công trình trọng điểm sử dụng vốn ODA thuộc Dự án 3. Qua kiểm tra, lãnh đạo thành phố yêu cầu tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành các công trình được chọn chào mừng kỷ niệm 20 năm TP Cần Thơ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy Cần Thơ kiểm tra Dự án Nâng cấp, mở rộng QL91 (đoạn từ km0-km7).
Khởi động lại Dự án nâng cấp, cải tạo QL91 đoạn đầu tuyến
Theo Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ, QL91 theo phê duyệt Quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ (tại Quyết định số 1454/QÐ-TTg ngày 1-9-2021) là tuyến quốc lộ chính yếu khu vực phía Nam, có điểm đầu tại TP Cần Thơ, điểm cuối là Cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang), chiều dài là 135km, quy mô cấp III, từ 2-6 làn xe. QL91 riêng đoạn đi qua TP Cần Thơ dài khoảng 51,1km, điểm đầu giao đường Trần Phú (km0+00) và kết thúc tại cầu Cái Sắn, giáp ranh tỉnh An Giang (km50+889). Trong đó, Trung ương đã đầu tư hoàn thành đoạn từ km7-km14 thuộc Tiểu dự án 1 - hợp phần A Dự án tăng trưởng hạ tầng giao thông ÐBSCL sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB), đạt tiêu chuẩn đường phố chính cấp II (bề rộng nền đường 37m) và đưa vào sử dụng năm 2014; đoạn từ km14-km50+889 đã được đầu tư xây dựng đạt tiêu chuẩn cấp III đồng bằng (bề rộng 11m) theo hình thức BOT và đưa vào sử dụng năm 2015. Còn đối với đoạn đầu tuyến từ km0-km7 (đường Cách mạng Tháng 8 và Lê Hồng Phong) chưa được đầu tư, nâng cấp hoàn chỉnh.
Trước đây, đoạn từ km0-km7 đã được Bộ Giao thông vận tải giao về cho địa phương quản lý theo quy định đường đô thị. Năm 2008, UBND TP Cần Thơ đã phê duyệt Dự án nâng cấp, mở rộng QL91 đoạn từ km0-km7 (tại Quyết định số 1060/QÐ-UBND) với tổng mức đầu tư là 1.398 tỉ đồng sử dụng vốn hỗ trợ có mục tiêu của Chính phủ. Dự án đang triển khai dở dang công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đã đấu thầu 3/4 gói thầu nhưng dự án bị đình giãn tiến độ theo Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24-2-2011 của Chính phủ nên đã tạm dừng thực hiện từ năm 2011. Sau đó, thành phố chuyển giao toàn bộ Dự án nâng cấp, mở rộng QL91 đoạn từ km0-km7 cho Bộ Giao thông vận tải trong năm 2014 để tiếp tục kế hoạch triển khai đầu tư xây dựng. Từ năm 2014 đến nay, do nhiều nguyên nhân khách quan, dự án vẫn chưa được triển khai.
Trong giai đoạn trung hạn 2021-2025, Cần Thơ đã kiến nghị các bộ, ngành Trung ương và Thủ tướng Chính phủ có giải pháp bố trí nguồn vốn để triển khai dự án. Theo đó, Dự án Nâng cấp, mở rộng QL91 (đoạn từ km0-km7) đã được đưa vào danh mục ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2030 bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn huy động khác theo Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 30-8-2021 của Chính phủ về việc Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Và dự án đã được giao về cho UBND TP Cần Thơ làm đơn vị chủ quản để triển khai thực hiện.
Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ, cho biết: Hiện Dự án Nâng cấp, mở rộng QL91 (đoạn từ km0-km7) đã được Bộ Kế hoạch và Ðầu tư trình Chính phủ đưa vào đầu tư giai đoạn 2021-2025, sử dụng nguồn vốn tăng thu ngân sách để triển khai dự án này. Dự án có chiều dài tuyến khoảng 7km, có cầu Bình Thủy là cầu lớn nhất trên tuyến, chức năng là đường phố chính, tốc độ thiết kế 60-80 km/giờ, bề rộng nền đường 37m (tương đồng với đoạn đã được đầu tư km7-km14), tuyến đường cơ bản bám theo tuyến đường cũ. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 7.188 tỉ đồng; trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 5.775 tỉ đồng, còn lại là chi phí xây dựng khoảng 1.050 tỉ đồng và các chi phí khác.
Theo Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ, dự kiến sau khi có chủ trương phân bổ vốn Trung ương (từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022) là 3.235 tỉ đồng, Sở sẽ hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; Sở Kế hoạch và Ðầu tư tham mưu UBND thành phố trình HÐND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, làm cơ sở để Sở Giao thông vận tải triển khai công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư… Dự án này có hơn 1.000 trường hợp bị ảnh hưởng. Giai đoạn thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư: kể từ khi có đủ thủ tục pháp lý dự án (năm 2023-2024). Giai đoạn triển khai thực hiện (lựa chọn nhà thầu xây lắp, tư vấn giám sát và triển khai thi công xây dựng) khoảng 36 tháng; dự kiến khởi công trong quý III-2024 và hoàn thành năm 2027.
Kiểm tra Dự án Nâng cấp, mở rộng QL91 (đoạn từ km0-km7), lãnh đạo TP Cần Thơ đã làm việc với lãnh đạo Sở Giao thông vận tải và các quận Ninh Kiều, Bình Thủy về tình hình triển khai dự án. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, nhấn mạnh: Ðây là công trình trọng điểm và mở ra không gian phát triển mới cho thành phố, Trung ương quan tâm ưu tiên nguồn vốn, bố trí trong thời gian ngắn để thành phố giải quyết. Do đó, tinh thần làm việc đối với dự án này cần khác biệt so với các dự án khác. Dự án rất quan trọng nên cũng cần phải đảm bảo được các yếu tố pháp lý, UBND thành phố, Sở Kế hoạch và Ðầu tư sớm trình HÐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư Dự án; những công việc gì có thể làm trước được phải bắt tay làm ngay. Giai đoạn đầu tư tập trung công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và ưu tiên bố trí vốn cho công tác này; khi có được mặt bằng ít nhất 70% mới tiến hành đấu thầu xây dựng. Về tái định cư, Ninh Kiều có sẵn nền cố gắng triển khai sớm; Bình Thủy sớm triển khai xây dựng thêm Khu tái định cư Long Hòa 2 để bố trí tái định cư cho dự án này, phấn đấu đến giữa năm 2024 phải có được khoảng 200 nền phục vụ tái định cư các công trình trọng điểm...
Hoàn thành công trình cầu Trần Hoàng Na vào cuối năm 2023
Theo Ban Quản lý dự án ODA TP Cần Thơ, Dự án 3 vốn vay của Ngân hàng Thế giới, có tổng mức đầu tư hơn 9.167 tỉ đồng (bao gồm vốn vay và vốn đối ứng), thời gian thực hiện đến ngày 30-6-2024. Dự án có 58 gói thầu gồm: 47 gói thầu thuộc nguồn vốn ODA và 11 gói thầu vốn ứng. Ðến nay, đã trao thầu và thực hiện được 52/58 gói thầu (41/47 gói thầu nguồn vốn ODA và 11/11 gói thầu nguồn vốn đối ứng).
Về tiến độ thực hiện các gói thầu, đến nay có 14 gói thầu đạt dưới 50% (bao gồm 6 gói chưa triển khai), 4 gói thầu đạt từ 50-70%, 7 gói thầu đạt từ 70-90%, 31 gói thầu đạt trên 90% (trong đó có 3 gói thầu xây lắp đã hoàn thành bàn giao)… Về công tác giải ngân nguồn vốn Dự án 3, tính đến ngày 14-10-2023 đã giải ngân được hơn 5.965 tỉ đồng, chiếm 65,07% tổng khối lượng toàn bộ dự án. Dự kiến đến ngày 31-12-2023 sẽ giải ngân được hơn 7.183,68 tỉ đồng, đạt 78,36% tổng khối lượng toàn bộ dự án.

Ông Bùi Thái Thượng, Giám đốc Ban Quản lý Dự án ODA TP Cần Thơ, cho biết: Công trình cầu Trần Hoàng Na là công trình trọng điểm và lớn nhất của Dự án 3. Ðến nay đã hoàn thành gần 90% khối lượng, giá trị thực hiện được hơn 652 tỉ đồng; còn một số dầm thép Ban đã làm việc với nhà thầu chuyển về công trình trong vòng vài ngày tới, tiến hành lắp đặt, tập trung thi công hoàn thiện cầu. Cầu Trần Hoàng Na phấn đấu thông xe vào cuối năm 2023.
Theo Ban Quản lý Dự án ODA TP Cần Thơ, công trình trọng điểm xây dựng âu thuyền Cái Khế đến nay tiến độ thi công cũng đã đạt 52%, giá trị thực hiện được hơn 217 tỉ đồng; công trình cải tạo hệ thống thoát nước khu vực trung tâm quận Ninh Kiều tiến độ đạt 85%, giá trị thực hiện đến nay được hơn 240 tỉ đồng; công trình cầu Quang Trung đơn nguyên 2 đã cơ bản hoàn thành và thông xe kỹ thuật hơn 1 năm nay.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, nhấn mạnh: Công trình trọng điểm cầu Trần Hoàng Na được chọn chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương. Do đó, chủ đầu tư, nhà thầu phải đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu đến khoảng ngày 20-12-2023 hoàn thành công trình, thành phố tổ chức khánh thành. Công trình xây dựng âu thuyền Cái Khế cũng là một trong những công trình trọng điểm thành phố chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập, cần tập trung đẩy nhanh tiến độ sớm hoàn thành. Ðối với công trình cầu Quang Trung đơn nguyên 2, phần cây xanh và chiếu sáng sớm thi công hoàn thành dứt điểm trong tháng 10-2023, bàn giao công trình cho đơn vị quản lý. Ngoài ra, quận Ninh Kiều tập trung cao độ cho công tác giải phóng mặt bằng dứt điểm Dự án 3; Ban Quản lý Dự án ODA tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình Dự án 3, năm nay phải hoàn thành đưa vào sử dụng một số công trình chào mừng kỷ niệm 20 năm TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương.