Bài, ảnh: HÀ VĂN
TP Cần Thơ bước vào vụ lúa chính trong năm - vụ đông xuân 2022-2023. Tuy nhiên, vụ lúa này sẽ gặp một số khó khăn do phân bón, vật tư nông nghiệp giá cao, thời tiết, khí hậu thay đổi… Nông dân sản xuất rất cần được hỗ trợ ứng dụng khoa học vào sản xuất, góp phần sản xuất thắng lợi vụ lúa chính trong năm.
Nông dân huyện Vĩnh Thạnh san lấp mặt ruộng, chuẩn bị gieo sạ lúa đông xuân.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, vụ lúa đông xuân 2022-2023, TP Cần Thơ có kế hoạch gieo sạ 74.280ha. Ðến ngày 13-11 toàn thành phố đã xuống giống được gần 15.000ha, đạt 20% so với kế hoạch và sớm hơn 10.856ha so với cùng kỳ năm trước. Hiện lúa đang trong giai đoạn mạ và mới gieo sạ.
Ông Phan Thiện Khanh, ở xã Ðịnh Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho biết: "Năm nay mực nước nội đồng lên cao hơn so với những năm trước, đồng ruộng đủ nước để tẩy rửa mầm bệmh, bồi đắp phù sa. Bà con ở xã Ðịnh Môn cũng như huyện Thới Lai đến đầu tháng 10 âm lịch là vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị bờ thửa gieo sạ lúa đông xuân, vụ lúa quan trọng nhất trong năm. Gia đình tôi xuống giống hơn 1ha lúa đông xuân và thực hiện gieo sạ hàng, sạ thưa, sử dụng giống chất lượng cao theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp địa phương".
Dự kiến, lịch thời vụ gieo sạ đợt 2 lúa đông xuân 2022-2023 trên địa bàn TP Cần Thơ từ 18 đến 24-11 (nhằm ngày 25 đến 1-11 âm lịch). Ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ phổ biến kế hoạch xây dựng cơ cấu giống lúa phải đảm bảo yêu cầu cân đối, an toàn dịch bệnh và sử dụng giống bền vững, phù hợp với thực tế sản xuất, thị trường, giữ tỷ lệ cơ cấu phù hợp với các giống chủ lực như Ðài Thơm 8, Jasmine 85, OM 5451, OM 18, OM 4218, OM 2517; OM 7347. Khuyến cáo nông dân sử dụng giống xác nhận, áp dụng biện pháp sạ hàng, sạ thưa, sạ cụm, cấy máy; lượng giống sử dụng không quá 100 kg/ha, đặc biệt khuyến khích các biện pháp canh tác sử dụng từ 50-60kg giống/ha.
Theo Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ, lúa đông xuân chủ yếu mới xuống giống và giai đoạn mạ. Dịch hại trên đồng ruộng chủ yếu ốc bươu vàng, chuột, rầy nâu… xuất hiện rải rác ở một số địa phương. Trong đó, số lượng rầy nâu thành trùng di trú vào các bẫy đèn cao nhất 1.427 con/bẫy, cao hơn so với rầy nâu vào đèn cùng kỳ vụ đông xuân trước. Do đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ yêu cầu ngành Nông nghiệp các địa phương cần nhắc nhở bà con theo dõi thời tiết hằng ngày, gia cố đê bao đề phòng nước dội đồng, tăng cường đánh nhiều rãnh sâu để quản lý ốc, cỏ dại và hạn chế chết giống nếu xảy ra mưa to. Vận động nông dân làm đất đánh bùn kỹ, dọn cỏ dại, tu sửa bờ, đánh rãnh quản lý ốc, cỏ, chuột đầu vụ, hướng dẫn nông dân không dùng thuốc gốc Abamectin 3.6 EC để trừ ốc. Ðặc biệt cần nhắc nhở bà con xuống giống theo lịch khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, không nên gieo sạ trước khi rầy di trú đến, tránh tình trạng xuống giống rải rác trên cùng
cánh đồng...
Theo kế hoạch, huyện Vĩnh Thạnh dự kiến xuống giống lúa đông xuân 2022-2023 là 25.100ha, năng suất dự kiến 7 tấn/ha, sản lượng 175.700 tấn. Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: "Ngành Nông nghiệp huyện đang tập trung hướng dẫn nông dân ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất lúa theo hướng an toàn, thân thiện môi trường như "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm", tưới tiết kiệm nước, ứng dụng công nghệ sinh thái, sản xuất và sử dụng chế phẩm sinh học trong quản lý sâu rầy. Khuyến cáo nông dân không sử dụng thuốc trừ sâu trong giai đoạn lúa từ 0-40 ngày sau sạ; không bón thừa phân đạm, bón phân cân đối giúp lúa phát triển bộ rễ mạnh, đẻ nhánh tập trung, cây cứng khỏe và tăng sức đề kháng từ đầu vụ. Khuyến cáo sử dụng phân hữu cơ vào đồng ruộng, giúp cải tạo đất, giảm lượng phân hóa học và hạn chế sâu, bệnh về sau…".
Thành phố tập trung mọi hoạt động để chuẩn bị xuống giống lúa đông xuân đợt 2. Sở NN&PTNT TP Cần Thơ chỉ đạo ngành Nông nghiệp các quận, huyện tập trung thực hiện một số giải pháp, như tích cực vận động nông dân vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch cỏ bờ, gia cố bờ mẫu để giữ nước và cắt đứt nơi lưu tồn, tích lũy mầm dịch bệnh, đồng thời hạn chế ngộ độc hữu cơ đầu vụ. Các địa phương vận động nông dân "Xuống giống né rầy, đồng loạt, tập trung cho từng vùng, từng cánh đồng". Trong vụ đông xuân 2022-2023, nông dân cần kết hợp nhiều biện pháp quản lý tổng hợp để phòng trừ ốc bươu vàng như cắm cọc để thu gom tiêu diệt ổ trứng, đặt lưới để bắt ốc bươu vàng trước khi rút nước gieo sạ lúa, tăng cường thực hiện các biện pháp thủ công bắt ốc để làm thức ăn cho vịt, cá; áp dụng biện pháp sinh học kết hợp biện pháp làm đất để tạo điều kiện thu gom ốc; thực hiện biện pháp diệt ốc bằng thuốc hóa học theo nguyên tắc 4 đúng, hạn chế ảnh hưởng môi trường... Thời điểm đầu vụ nước đang dâng cao, chuột bị hạn chế nơi trú ẩn và cạn kiệt nguồn thức ăn, chủ yếu sống trên các khu gò cao nên các địa phương cần tổ chức chiến dịch diệt chuột trên quy mô cộng đồng, liên tục, diệt chuột bằng nhiều biện pháp. Chú ý phát quang, vệ sinh khu vực xung quanh đồng ruộng. Tuyệt đối không sử dụng xung điện trong phòng, chống chuột... Ngoài ra, ngành Nông nghiệp các địa phương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, không để tình trạng lợi dụng tình hình thị trường cung ứng hoặc trong thời điểm dịch bệnh cây trồng phát triển để tăng giá hoặc bán hàng giả, hàng không đảm bảo
chất lượng...
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (thuộc Bộ NN&PTNT), nhấn mạnh: "Ngay từ đầu vụ lúa đông xuân, ngành Nông nghiệp các địa phương vùng ÐBSCL cần khuyến cáo người dân giảm lượng phân bón, lúa giống để giảm giá thành vật tư đầu vào, đảm bảo lợi nhuận sau thu hoạch. Ðặc biệt, các địa phương trong vùng cần đẩy nhanh biện pháp ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, nhằm đảm bảo hiệu quả canh tác, giảm giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm… Trong đó cần chú ý các giải pháp tăng cường kiểm tra, ổn định giá cả vật tư nông nghiệp để người dân an tâm canh tác vụ lúa đông xuân, góp phần đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực và thế mạnh về xuất khẩu gạo của vùng ÐBSCL…".