10/11/2013 - 17:40

Tổ chức sản xuất và quản lý nông nghiệp theo hướng hiện đại

“4 nhà” cùng vào cuộc

Vấn đề liên kết "4 nhà"(nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân) đã được đặt ra từ khi Quyết định 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng ban hành. Qua hơn 10 năm triển khai, nhiều mô hình liên kết, quản lý mới trong nông nghiệp ra đời đáp ứng yêu cầu thực tiễn sản xuất. Song, liên kết "4 nhà" chủ đạo vẫn lỏng lẻo và chưa tìm được tiếng nói chung. Làm thế nào để kết dính và phát huy tối đa mối liên kết này một lần nữa được đặt ra tại Hội thảo "Đổi mới tổ chức sản xuất và quản lý nông nghiệp theo hướng hiện đại gắn với thị trường tiêu thụ nông sản hiệu quả, bền vững" tại Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế Việt Nam 2013 đang diễn ra tại TP Cần Thơ.

* Còn nhiều bất cập

Theo các chuyên gia đầu ngành, những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL có xu hướng đa dạng hóa tổ chức sản xuất dựa trên nguyên tắc liên kết kinh tế tự nguyện giữa các nông hộ; gắn kết nông dân và doanh nghiệp, giữa vùng sản xuất nguyên liệu với nhà máy chế biến thông qua hợp đồng tiêu thụ nông sản. Ở ĐBSCL, xuất hiện nhiều mô hình Hợp tác xã (HTX) tiêu biểu, thể hiện tính hiệu quả trong các hoạt động cung cấp dịch vụ "đầu vào", "đầu ra" cho các hộ thành viên sản xuất lúa gạo, thủy sản, cây ăn trái, rau màu… Hoạt động của các HTX thể hiện rõ tính hợp tác trong xây dựng và thống nhất kế hoạch sản xuất từng vụ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, sản xuất sạch, bảo vệ môi trường… Điển hình như: HTX Nông nghiệp Bình Tây (huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang), HTX Giống Nông nghiệp Thốt Nốt (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ), HTX Tân Tiến (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp)…

Thu hoạch lúa trên “Cánh đồng lớn” ở xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ. 

Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song các mô hình sản xuất và quản lý nông nghiệp theo hướng hiện đại vẫn còn nhiều bất cập. So với các ngành khác, loại hình HTX trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm số lượng lớn nhưng hoạt động bộc lộ nhiều yếu kém. Ông Trương Văn Kiệm, Phó Chủ tịch Liên minh HTX TP Cần Thơ, cho biết: "Các hoạt động dịch vụ phục vụ các thành viên trong HTX gặp nhiều khó khăn về vốn, cơ sở vật chất, trình độ quản lý… Ở một số mô hình liên kết, sự chia sẻ lợi ích giữa doanh nghiệp và người sản xuất chưa hài hòa; hiện tượng "được mùa, mất giá" thường xuyên diễn ra khiến nông dân lo lắng, không yên tâm sản xuất". Thực tế cho thấy, mặc dù doanh nghiệp thể hiện mong muốn xây dựng vùng nguyên liệu nhưng chưa có sự đầu tư theo chiều sâu, giá cả và hình thức thu mua kém thuyết phục dẫn đến tình trạng phá vỡ hợp đồng…

Nhiều ý kiến cho rằng, các mô hình sản xuất và quản lý nông nghiệp theo hướng hiện đại chưa phát huy hết hiệu quả là do mối liên kết "4 nhà" còn lỏng lẻo. Ở lĩnh vực cây lúa, ông Lê Thanh Tùng, Phó trưởng phòng Cây lương thực-Cây thực phẩm, Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, đánh giá: "Mặc dù có sự chuyển mình mạnh mẽ, song tập tính canh tác, tiêu thụ lúa gạo của nông dân trong chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ lúa gạo vẫn chưa ổn. Mô hình "Cánh đồng lớn" đã cho thấy xu hướng giảm bớt các chi phí trung gian, mang lại lợi ích thiết thực cho người trồng lúa. Những thay đổi này là cần thiết song cũng cần có những giải pháp đồng bộ để giảm giá thành sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh của giá cả lúa gạo Việt Nam". Theo ông Phạm Việt Bắc, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, nông dân chưa gắn kết được với đơn vị phân phối và tiêu thụ hàng hóa nông sản. Người sản xuất vẫn chưa có ý thức bán hàng như thế nào để mang lại hiệu quả cao nhất mà chỉ quan tâm đến việc bán có lời, bán nhanh và thu tiền ngay. Với phương thức thu mua như thế nông dân không quan tâm đến thương hiệu, mẫu mã sản phẩm của mình. Từ đó, nông dân vẫn áp dụng các giải pháp canh tác đơn giản, chưa chủ động liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm: vườn của ai nấy trồng, sản xuất bao nhiêu bán bấy nhiêu, mùa nào trồng cây đó…

* Cần sự vào cuộc tích cực

Trước thực trạng này, nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, cần có sự vào cuộc tích cực của các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương bằng những chính sách thiết thực, lâu dài. Ngành nông nông nghiệp các tỉnh, thành tiến hành quy hoạch, tổ chức lại sản xuất với hình thức phù hợp như: HTX, tổ hợp tác, câu lạc bộ… nhằm phát huy hiệu quả công tác quản lý và liên kết với doanh nghiệp. "Thực tế cho thấy, doanh nghiệp tiêu thụ hoàn toàn có thể liên kết ngang với doanh nghiệp hỗ trợ đầu vào để cung ứng vật tư cho vùng nguyên liệu. Song, vấn đề đặt ra là các doanh nghiệp không thể làm ăn với từng hộ nông dân riêng lẻ mà cần có đầu mối hoặc tổ chức kinh tế hợp tác đủ tin cậy để quản lý, phân phối, phân chia lợi ích hài hòa cho nông dân và doanh nghiệp khi tham gia"- ông Trương Văn Kiệm, Phó Chủ tịch Liên minh HTX TP Cần Thơ, bày tỏ.

Các giống lúa mới giới thiệu tại Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế Việt Nam 2013 thu hút sự chú ý của khách tham quan.

Các chuyên gia đầu ngành khẳng định, đổi mới tổ chức sản xuất và quản lý nông nghiệp nhất thiết phải có sự tham gia của cả "4 nhà". Ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng Kinh tế hợp tác và trang trại, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, đề xuất: Để đảm bảo tính bền vững doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ ban đầu và bao tiêu sản phẩm cho các HTX để người sản xuất đảm bảo đời sống và có vốn để tái đầu tư. Các doanh nghiệp cần có ý thức xây dựng vùng nguyên liệu gắn với phát triển thương hiệu, mở rộng và duy trì thị trường bằng uy tín, chất lượng sản phẩm và giá cả cạnh tranh. Để giúp nông dân ổn định sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, Nhà nước cần đẩy mạnh phong trào ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; vận dụng linh hoạt các chính sách hỗ trợ về giống, cơ giới hóa, khuyến nông; hỗ trợ nông dân phục hồi sản xuất sau thiên tai, dịch hại…

Theo Tiến sĩ Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam (Vacvina), Bộ NN&PTNT tổ chức quy hoạch vùng nguyên liệu nông sản tập trung, chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể, sản xuất nông sản theo hướng GAP với chất lượng đạt tiêu chuẩn và khối lượng lớn theo yêu cầu của thị trường. Đồng thời, tạo điều kiện và hỗ trợ người sản xuất ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm tối đa thất thoát sau thu hoạch. Bộ Công thương liên kết chặt chẽ với Bộ NN&PTNT để "đặt hàng" sản phẩm nông sản, lên kế hoạch phát triển và quản lý thị trường trong nước nhất là các chợ đầu mối, làm cơ sở cho xuất khẩu. Điều tra, nghiên cứu xác định thị trường xuất khẩu tiềm năng và đề ra chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu cho từng ngành. Ngoài ra, ngành công thương các tỉnh, thành cần tạo điều kiện cho các nông dân sản xuất giỏi, các HTX hoạt động hiệu quả tham gia nghiên cứu thị trường, tham gia xúc tiến thương mại…

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết