12/11/2017 - 14:50

Ưu tiên phát triển kinh tế xanh 

Tại Hội thảo “Phát triển bền vững - giải pháp cho TP Cần Thơ đến năm 2030” vừa được UBND TP Cần Thơ tổ chức, các nhà khoa học, nhà quản lý đã đánh giá lại kết quả đạt được trong triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững TP Cần Thơ giai đoạn 2013-2016. Các chuyên gia, nhà khoa học đề xuất, thành phố cần ưu tiên phát triển kinh tế tri thức, tăng trưởng xanh, đổi mới sáng tạo để tạo đột phá cho phát triển kinh tế xanh.

Chuyển đổi mô hình tăng trưởng

Nhận thức tầm quan trọng của phát triển bền vững, TP Cần Thơ đã thành lập Ban Chỉ đạo phát triển bền vững để triển khai các hoạt động phát triển bền vững một cách hệ thống, toàn diện và hiệu quả. Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, giai đoạn 2013-2016, các mục tiêu phát triển bền vững được lồng ghép vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và bước đầu giải quyết được những vấn đề đang đặt ra trong 3 lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường. Các lĩnh vực lao động, việc làm, giảm nghèo, giáo dục-đào tạo, bình đẳng giới được quan tâm và đạt thành tựu đáng khích lệ. Việc lồng ghép các vấn đề về môi trường từ giai đoạn lập chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và giai đoạn chuẩn bị đầu tư các dự án đã góp phần hạn chế và giảm ô nhiễm môi trường.

TP Cần Thơ đang hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững, đảm bảo môi trường. Trong ảnh: Ruộng lúa của nông dân huyện Vĩnh Thạnh áp dụng quy trình sản xuất theo VietGAP.

Giai đoạn 2013-2016, thành phố chuyển đổi mô hình tăng trưởng phát triển theo chiều sâu; duy trì tăng trưởng kinh tế đạt mức khá, GRDP tăng 7,1%; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 50,4 triệu đồng lên 65,3 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tăng dần tỷ trọng các ngành có hàm lượng tri thức, công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh. Đồng thời giảm dần tỷ trọng các ngành sử dụng nhiều tài nguyên và thâm dụng lao động, đáp ứng yêu cầu thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Đến năm 2016, tỷ trọng khu vực nông nghiệp – thủy sản chiếm 9,32%; khu vực công nghiệp xây dựng chiếm 32,53% và khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 58,15%.

TP Cần Thơ cũng tăng cường các nguồn lực tài chính thực hiện phát triển bền vững giai đoạn 2013-2016, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; giảm dần tỷ lệ đầu tư công trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Các nguồn vốn huy động tập trung đầu tư cho phát triển giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế và xây dựng nông thôn mới. Giai đoạn 2013-2016, tổng vốn đầu tư toàn xã hội huy động trên địa bàn ước đạt 158.850 tỉ đồng, tăng bình quân 7,5%/năm. Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ Trương Quốc Trạng cho rằng, các giải pháp phát triển của thành phố những năm qua phù hợp với bối cảnh kinh tế-xã hội của địa phương. Vai trò của TP Cần Thơ đối với vùng ĐBSCL và cả nước được nâng lên.

Tuy nhiên, những thành tựu đạt được chưa xứng tầm với tiềm năng và sự phát triển của TP Cần Thơ chưa được gọi là phát triển bền vững. Theo ông Trương Quốc Trạng, kinh tế thành phố tăng trưởng nhưng chưa ổn định, chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh chưa cao. Sản phẩm công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao còn thấp; sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ và phân tán; xúc tiến đầu tư còn dàn trải, chưa trọng tâm, môi trường đầu tư chưa thật sự hấp dẫn nhà đầu tư. Công tác khởi nghiệp, chuyển đổi các loại hình doanh nghiệp vẫn còn lúng túng và hiệu quả chưa cao... “Cần xác định các giải pháp cụ thể để TP Cần Thơ phát triển kinh tế bền vững, gắn với đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, từng bước đạt được 17 mục tiêu tổng quát về phát triển bền vững quốc gia đến năm 2030” - ông Trương Quốc Trạng đề xuất.

Cần giải pháp phù hợp

Định hướng giải pháp cho thành phố đến năm 2030, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch hành động về phát triển bền vững TP Cần Thơ giai đoạn 2017-2020. Theo đó, thời gian tới, thành phố tích cực triển khai các nhiệm vụ nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững; phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, xây dựng nông thôn mới; phát triển bền vững hạ tầng đô thị. Đẩy mạnh công tác giảm nghèo theo hướng bền vững; nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng của dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý chất thải rắn và chất thải; thực hiện các biện pháp làm giảm nhẹ biến đổi khí hậu và hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Thành phố tiếp tục tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn ODA, các nguốn vốn đầu tư xã hội, nguồn tài trợ của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước. Phát triển nguồn nhân lực cho thực hiện phát triển bền vững; đẩy mạnh đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học trong thực hiện phát triển bền vững; tăng cường hợp tác với các địa phương, mở rộng hợp tác quốc tế.

Chia sẻ những nhiệm vụ mục tiêu phát triển bền vững của TP Cần Thơ trong thời gian tới, nhóm nhà khoa học đến từ Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho rằng, thành phố cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ ưu tiên như: phát triển kinh tế tri thức, tăng trưởng xanh, áp dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ và hỗ trợ đổi mới sáng tạo để tạo đột phá về năng suất lao động, giá trị sản phẩm. Đầu tư phát triển ngành để tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế các khu vực và nội bộ ngành, thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông, thủy sản gắn với thế mạnh của Cần Thơ và Tây Nam bộ. Huy động và sử dụng toàn diện, nâng cao hiệu quả các nguồn lực, sử dụng vốn ngân sách như vốn mồi để phát triển kinh tế. Nâng cao chất lượng tăng trưởng phải đảm bảo an sinh xã hội, an toàn xã hội, môi trường. Tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận tốt nhất về các dịch vụ xã hội cơ bản như: giáo dục - đào tạo, y tế, việc làm, bảo hiểm xã hội, nhà ở...

Theo Tiến sĩ Trần Văn Giải Phóng, phụ trách kỹ thuật Tổ chức ISET Việt Nam, TP Cần Thơ cần nâng cao năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững cho thành phố. Các lĩnh vực trọng tâm gồm: cơ sở hạ tầng xanh (đa dạng sinh học, sinh cảnh; hiệu quả kinh tế - môi trường của các giải pháp cơ sở hạ tầng; vùng lõi đô thị, ven đô, nông thôn); xây dựng các chuỗi giá trị (hiệu quả kinh tế, tạo việc làm); giảm nghèo thông qua hỗ trợ về sinh tế và môi trường sống (sinh kế gắn với chuỗi giá trị, khởi nghiệp…); cơ chế điều phối liên ngành, liên vùng về quy hoạch tích hợp và tăng cường khả năng chống chịu.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Dũng yêu cầu các sở, ban ngành thành phố và các địa phương tăng cường hoạt động chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo phát triển bền vững thành phố. Tập trung huy động sự hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước cho việc triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Để phát triển bền vững và hội nhập vào xu thế phát triển chung của toàn khu vực, cần đánh giá một cách đầy đủ và khoa học những tiềm lực, cơ hội phát triển để đề ra các giải pháp đồng bộ. Tăng trưởng kinh tế bền vững gắn với tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, xây dựng và phát triển đô thị ngày càng văn minh hiện đại.

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết