Các nghiên cứu về: các bước sóng trong vùng quang phổ, các màu khác nhau có thể kích thích lá, cành… phù hợp từng loại rau; kết hợp chế độ dinh dưỡng khác nhau cho từng loại cây trồng; kiểm soát nhiệt độ, ẩm độ, môi trường, ánh sáng… cho phép nâng sản lượng rau trái sạch trồng trong nhà theo mô hình 15-20 tầng/ nhà. Những kết quả nghiên cứu hết sức hấp dẫn này từng được áp dụng ở EU từ những năm 1994, 1995, nay đã phổ biến ở Hàn Quốc, Thái Lan…
Khả năng tích hợp
Tiến sĩ (TS) Phạm Văn Tấn, Phó Giám đốc Viện Cơ điện nông nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết tại Agri Technica & Horti ASIA 2018 (Thái Lan), những mô hình sản xuất rau trái quy mô nhỏ (thích hợp cho gia đình 3-4 người) bên cạnh mô hình xưởng sản xuất rau với ống tưới, giá thể, cung cấp dinh dưỡng, máy bơm… nhằm tạo ra nông sản đạt tiêu chuẩn với số lượng lớn, vẫn có thể tồn tại nếu biết chọn lựa công nghệ thích hợp.
TS Phạm Văn Tấn, Phó Giám đốc Viện Cơ điện nông nghiệp tại Agri Technica & Horti ASIA 2018, Thái Lan.
Nhờ nền tảng cơ giới hóa và tầm nhìn dài hạn nên các nước phát triển nhanh hơn Việt Nam trong lĩnh vực này. Ở Việt Nam, một số doanh nghiệp bắt đầu ứng dụng trang bị thiết bị thông minh, tự động hóa, kết nối IoT, tự điều khiển bơm nước, dinh dưỡng… nhưng chưa điều khiển được dải bước sóng. Việt Nam có đủ thứ chính sách, nhưng khó tích hợp; Nông trang, nông trại khó tiếp cận nguồn vốn, thủ tục rườm rà… Các chính sách hỗ trợ vốn hoặc lãi suất trong hai năm đầu, giảm 50% lãi suất trong năm thứ 3 chủ yếu là máy móc, thiết bị ngoài đồng, chưa đủ tạo bước đột phá trong cơ giới hóa, tự động hóa trong nhà, TS Phạm Văn Tấn nhận xét.
Ngược lại, các nhóm “tự phát” hùn vốn mua sắm máy móc làm dịch vụ cơ giới hóa (làm đất, dịch vụ sấy, bảo quản …) như ở ĐBSCL cho thấy tư duy thực tế, tự bổ sung đã làm cho các nhóm làm dịch vụ khá hiệu quả (thu hoạch, xịt thuốc, bón phân, cấy mướn…). Họ biết dựa vào mùa vụ, biết tính công suất máy móc, vốn liếng và tình trạng thiếu lao động nông nghiệp nên việc đầu tư, tiếp cận nhu cầu, thu hồi vốn nhanh. “Nếu nhà nước hỗ trợ nhóm này, hướng họ vào việc cung cấp dịch vụ cho trang trại, nông trại, làm dịch vụ hỗ trợ sản xuất an toàn thì tốc độ phát triển chắc chắn sẽ nhanh hơn”, TS Phạm Văn Tấn nói.
“Tư duy của các nước về hệ sinh thái phát triển nông nghiệp rất khác với chúng ta”, TS Phạm Văn Tấn nói tiếp: “Họ phát triển công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp rất tốt, không chỉ các dịch vụ cơ giới hóa vào cuộc mà tài chính, ngân hàng, công nghệ, logistic… phối hợp nhịp nhàng nên doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tập trung hơn, quy mô lớn và hiện đại hơn”.
Đúng ngay từ đầu
Các tác nhân tham gia hệ sinh thái nông nghiệp cần có tư duy tiếp cận đúng ngay từ đầu. Còn nhớ mấy năm trước, máy gặt đập liên hợp Trung Quốc ào ạt vào thị trường, nông dân sử dụng 1-2 năm là hỏng hóc, thiệt hại xã hội rất lớn. Cơ giới hóa cần vai trò của các tổ chức kiểm định giám sát chặt chẽ chất lượng mọi thiết bị có mặt trên thị trường chứ không thể thả nổi để nông dân bị thiệt hại.
Tương tự, khi các nhóm tự trang bị máy móc nôn nóng thu hồi vốn, thu hoạch nhanh để đạt năng suất tối đa thì tổn thất khi thu hoạch rất lớn, lúa rày mọc xanh hơn ruộng sạ do rơi vãi rất lớn… là bằng chứng dễ thấy.
Hiện nay, Chính phủ có chương trình hỗ trợ 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL phát triển cơ giới hóa nông nghiệp, tập trung 4 ngành hàng chủ lực: lúa gạo, rau quả, thủy sản và chăn nuôi. Đáng chú ý là lần này không chỉ hỗ trợ thiết bị ngoài đồng mà chương trình sẽ hỗ trợ thiết bị sơ chế từ trong nhà, nâng cao giá trị cho sản phẩm.
Đầu tư cơ giới hóa nông nghiệp gặp trở ngại do chi phí lớn, lợi nhuận thấp, thu hồi lâu nên ít nhà đầu tư. Nhiều người nói trước đây nhà nước từng có những xưởng cơ khí cấp huyện, nhưng sau đó hoạt động không hiệu quả... “Các đơn vị nghiên cứu cũng bỏ ngành cơ khí phục vụ nông nghiệp do thu nhập từ lĩnh vực này quá thấp và cũng chính vì vậy không ai theo đuổi nữa. TS Phạm Văn Tấn nói: “Hiện nay chỉ còn Đại học Nông lâm TPHCM duy trì đào tạo ngành cơ khí, tức là dạy đủ thứ, trong đó có cơ khí nông nghiệp, sinh viên mới theo học”.
Các Viện nghiên cứu, trường nghề không có nguồn đầu tư thiết bị hiện đại để nghiên cứu chế tạo máy nông nghiệp trong nhiều năm nay nên muốn tuyển dụng kỹ sư cơ khí nông nghiệp, lao động lành nghề rất khó khăn.
Các nông dân tự chế máy móc, nhưng không thể phát triển ngành hàng vì không đủ năng lực chuyên môn, không có phương tiện để sản xuất hàng loạt, không thể chuẩn hóa. Nếu ngày nào còn bỏ quên hệ sinh thái nông nghiệp thì việc kêu gọi đầu tư, tìm kiếm nguồn nhân lực và hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo của những kỹ sư chân đất theo chuẩn mực còn gập ghềnh, khó khăn.
Bài, ảnh: Châu Lan