24/04/2018 - 07:50

Cuộc chiến Netflix - Liên hoan phim Cannes

Xung đột giữa hiện đại và truyền thống? 

Việc Netflix rút khỏi Liên hoan phim (LHP) Cannes đang là tâm điểm của điện ảnh quốc tế. Mâu thuẫn của Netflix và Ban điều hành LHP không chỉ ở khác biệt quan điểm; mà còn là xung đột giữa xu hướng công nghệ số và điện ảnh truyền thống.

“Roma”- tác phẩm Netflix đầu tư, đang được LHP Cannes thương thảo để trình chiếu trong sự kiện, nhưng Netflix hiện kiên quyết từ chối vì các quy định của LHP Cannes.
“Roma”- tác phẩm Netflix đầu tư, đang được LHP Cannes thương thảo để trình chiếu trong sự kiện, nhưng Netflix hiện kiên quyết từ chối vì các quy định của LHP Cannes.

Câu chuyện khởi đầu khi Thierry Frémaux, Chủ tịch LHP Cannes, chỉ cho phép các phim công chiếu ở Pháp được tranh giải tại LHP năm nay (dự kiến từ ngày 8 đến 19-5). Quy định này được đưa ra sau khi “The Meyerowitz Stories” và “Okja” - đều do Netflix sản xuất - tranh giải năm 2017 và bị giới chuyên môn phản ứng. Phương thức phát hành trực tuyến của Netflix bị cho là không phù hợp với quy cách của phim điện ảnh, vốn phải ra rạp trước khi tranh giải.

Quy định mới này gây khó cho Netflix. Nếu Netflix cho phim ra ngoài rạp thì phải đợi đến 36 tháng sau phim đó mới được phát hành trực tuyến, theo quy định của Pháp. Netflix là đơn vị chủ yếu kinh doanh trực tuyến và quyết định rút lui hoàn toàn khỏi Cannes của hãng là điều dễ hiểu. Ông Ted Sarandos, Giám đốc quản lý nội dung của Netflix, nói: “Với quy định mới này, LHP Cannes đặt nặng cách phát hành chứ không phải nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm”. Thierry Frémaux lập tức phản bác: Các tác phẩm của Netflix là “con lai” giữa điện ảnh và truyền hình, đi ngược giá trị nguyên bản của điện ảnh là thưởng thức phim trên màn ảnh rộng.

Thực ra không có gì lạ khi Netflix bị cô lập tại Cannes; bởi vì đây là LHP của những tác phẩm điện ảnh đã ra rạp, có công chúng, doanh thu và đánh giá của giới phê bình. Tranh cãi giữa Netflix và LHP Cannes, phần nào phản ánh mâu thuẫn lớn hơn trong cách nhìn nhận một tác phẩm điện ảnh. Trước mắt, những người bảo vệ cách thức phát hành và giá trị truyền thống có thể khiến Netflix rút lui khỏi LHP Cannes, nhưng không ai có thể phủ nhận phim phát hành trực tuyến đang tạo ra dòng chảy chủ lưu của điện ảnh đương đại.

Netflix ra đời năm 1997, chủ yếu phát hành phim trực tuyến và kinh doanh đĩa DVD. Từ năm 2013, Netflix lấn sân sản xuất phim, tạo ra không ít sản phẩm chất lượng. Khán giả chỉ cần bỏ tiền sử dụng dịch vụ của Netflix là có thể thưởng thức tất cả các sản phẩm mà hãng sản xuất, phát hành, không cần phải đến rạp. Với tiện ích đó, tính đến tháng 4-2018, Netflix, có đến 125 triệu người dùng, trong đó có khoảng 56,7 triệu người ở Mỹ.

Sự phát triển của Netflix đã đe dọa ngành công nghiệp điện ảnh truyền thống và được cho là một trong những nguyên nhân khiến doanh thu phòng vé sụt giảm. Dù đứng trước sự tẩy chay của các nhà làm phim và giới phê bình truyền thống; Netflix vẫn được đánh giá đã đang mang đến bước phát triển mới cho ngành điện ảnh. Jeff Bock, chuyên gia về các xu hướng ngành công nghiệp điện ảnh, nói: “Các hãng phim đang tụt lại phía sau vì họ đang sa vào việc làm lại các tác phẩm trong quá khứ. Do đó, thay vì chống lại Netflix, họ nên cân nhắc cách làm thiết thực, phù hợp thị hiếu từ mô hình trực tuyến”.

Giới phân tích cho rằng các ông chủ của ngành công nghiệp điện ảnh nên xem lại giá vé xem phim tại rạp. Một vé xem phim có giá trung bình là 8,97 USD vào năm 2017. Trong khi đó, giá thuê bao dịch vụ Netflix trọn gói chỉ từ 7,99 đến 13,99 USD. Từ đó có thể hiểu vì sao doanh thu phòng vé quý I năm 2018 của Hollywood sụt giảm, thì Netflix lại có doanh thu khoảng 3,6 tỉ USD, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2017, với 7,4 triệu lượt người dùng tăng thêm. Mức đầu tư Netflix cũng tăng vượt bậc với khoảng 80 dự án điện ảnh, 700 phim truyền hình và chương trình giải trí trong năm 2018.

BẢO LAM (Tổng hợp từ Variety, Indie Wire, Guardian, Business Insider, Independent)

Chia sẻ bài viết