01/08/2019 - 07:32

Xúc động “Ðiều Ba Mẹ không kể” 

Poster phim.

Không nhiều kịch tính hay tình huống bất ngờ, nhưng phim Hàn Quốc “Ðiều ba mẹ không kể” lại gây ấn tượng mạnh với khán giả bởi câu chuyện rất đời và đầy tính nhân văn. Phim đang chiếu tại các cụm rạp của Lotte Cinema và CGV tại Cần Thơ.

Gia đình - hai tiếng thiêng liêng ấy không phải lúc nào cũng mang lại sự bình yên, hạnh phúc cho các thành viên, bởi cuộc sống luôn có những sóng gió, bất trắc. Thế nên, có những gia đình mà không khí ngột ngạt và các thành viên mệt mỏi, chán nản về nhau. Gia đình của ông Cho Nam-Bong trong “Điều ba mẹ không kể” là một điển hình như thế.

Một ông cụ gần 70 tuổi vẫn ngày ngày lái taxi kiếm tiền lo cho gia đình nên luôn nạt nộ, gia trưởng. Một người vợ cả đời chỉ lo việc nội trợ, chăm sóc chồng con, phụ thuộc kinh tế và mang trong lòng những uất ức khó giãi bày. Một cậu con trai là tiến sĩ nhưng thất nghiệp, sống bám cha mẹ và vợ, luôn thấy mình bị xem thường. Một cô con dâu vừa đi làm, vừa chăm con, vừa chịu đựng cha chồng khó tính và ông chồng vô dụng nên luôn mệt mỏi, rầu rĩ. Cuộc sống nhàm chán cứ thế trôi qua cho đến khi bà Mae-Ja, vợ ông Cho Nam- Bong mắc bệnh mất trí nhớ, lúc tỉnh, lúc như người điên. Cô con dâu chịu không nổi nên đưa con về nhà ngoại. Vì vợ đang mang thai nên anh chồng cũng đi theo để tiện bề chăm sóc. Nhà chỉ còn 2 vợ chồng già lo cho nhau. Bi kịch là ông phát hiện mình cũng mắc bệnh giống vợ…

Trong căn nhà ấy, ai cũng chất chứa nỗi niềm riêng, chỉ đến khi xảy ra chuyện hoặc quá sức chịu đựng họ mới dám nói thật lòng mình, dám làm điều mà trước giờ không dám… Nhưng có lẽ, sự thay đổi của ông Cho Nam-Bong lại khiến người xem cảm mến và suy nghĩ nhiều nhất. Bởi đằng sau sự gia trưởng, những lời nói lạnh lùng, có phần tàn nhẫn của ông lại là một trái tim ấm áp và tinh thần trách nhiệm cao. Một người đàn ông cả đời cố chấp, không bao giờ nói lời xin lỗi với người thân dù mình sai, đến cuối cùng, thốt lên lời xin lỗi với vợ khi bà đã ra đi. Nghe bà Mae-Ja nói với chồng khi được ông yêu thương chăm sóc lúc bệnh: “Giá mà tôi bệnh sớm hơn nhỉ” khiến người xem càng day dứt, suy tư, rằng: đừng để quá muộn mới nói lời xin lỗi, mới thể hiện sự yêu thương, quan tâm với người thân.

Điều xúc động nhất chính là hai vợ chồng già đã tự chăm sóc, nương tựa nhau lúc bệnh tật, khó khăn mà không làm phiền đến con cháu. Ngay cả những nỗi niềm riêng họ cũng không kể hay giải thích, bởi cha mẹ nào cũng mong con mình sống vui vẻ, hạnh phúc. Giọt nước mắt và những tiếng khóc nghẹn của vợ chồng người con trai khi phát hiện bệnh tình cha mẹ, khi nhìn những mảnh giấy ông bà viết cho nhau dán khắp nhà, hay cảnh hai ông bà tìm cách tự sát để nhẹ gánh cho người ở lại… đã lấy nước mắt của khán giả.

Phim chinh phục khán giả bằng câu chuyện chân thật và giản dị, với những tình huống, va chạm rất đời thường. Trong mạch phim chậm và có phần day dứt ấy, những chi tiết hài hước nhẹ nhàng, duyên dáng được đưa vào khéo léo, hợp lý, khiến câu chuyện bớt căng thẳng.

“Ký ức phai mờ nhưng tình yêu còn mãi”, bộ phim đã thể hiện trọn vẹn tinh thần đó trên poster giới thiệu. Tình yêu đó không chỉ là tình nghĩa phu thê mà còn là tình yêu của cha mẹ dành cho con cái, luôn còn mãi với thời gian.

Cát Ðằng

Chia sẻ bài viết