23/02/2012 - 20:35

XUẤT KHẨU GẠO
Chờ tín hiệu mới

Giá lúa đang giảm, khiến nông dân trồng lúa
lo lắng. Ảnh: NGUYỄN SỰ
 

Tháng 3-2012, nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ vào vụ thu hoạch rộ lúa đông xuân 2011-2012, giá lúa có chiều hướng giảm, trong khi chi phí sản xuất tăng, thương lái, doanh nghiệp (DN) chưa đẩy mạnh thu mua. Thị trường lúa gạo ở ĐBSCL đang chờ động thái tích cực từ các thị trường nhập khẩu.

Thị trường trầm lắng

Theo Cục Trồng trọt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), diện tích xuống giống vụ đông xuân 2011-2012 tại vùng ĐBSCL đạt trên 1,5 triệu héc-ta, dự kiến sản lượng lúa hàng hóa vụ trên 10,3 triệu tấn. Hiện nông dân vùng ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân, năng suất lúa ở một số địa phương đạt khá cao, nông dân đang hy vọng tiếp tục có vụ mùa bội thu. Song, giá lúa gạo đang có chiều hướng giảm, do thị trường xuất khẩu đang trầm lắng. Trong khi giá thành sản xuất vụ đông xuân bình quân 3.000- 3.400 đồng/kg, nông dân trồng lúa lo lắng vì hiện tại hàng xáo và DN chưa đẩy mạnh thu mua.

Ông Nguyễn Thanh Hải, thương lái mua bán lúa gạo tại Bà Đắc, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, cho biết: “Hiện lúa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đang ở mức 5.500- 5.600 đồng/kg (lúa khô) và 5.100 đồng/kg lúa tươi. Riêng đối với lúa IR 50404 tiêu thụ khó hơn, do DN và thương lái chưa đẩy mạnh thu mua vì chất lượng hơi kém”. Còn theo DN xay xát lúa gạo Tấn Tài 1 (Bà Đắc, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), giá lúa thường tại kho hiện có giá 5.700-5.750 đồng/kg lúa khô, lúa dài khô 5.750- 5.900 đồng/kg; giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm ở mức 7.450- 7.600 đồng/kg, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm từ 7.350- 7.500 đồng/kg, tùy chất lượng. Giá lúa gạo giảm nhẹ, do các DN đang chờ động thái từ thị trường nhập khẩu, do hiện tại hợp đồng thương mại của các DN ký kết chưa nhiều.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), từ đầu năm 2012 đến ngày 16-2, các DN đã xuất 430.026 tấn gạo các loại, trị giá trên 226,14 triệu USD (giá FOB). Hiện nay, các DN xuất khẩu gạo đang nỗ lực tìm kiếm thị trường, tuy nhiên do tác động của khủng hoảng kinh tế, biến động chính trị ở một số quốc gia nhập khẩu gạo, lượng tồn kho còn, nên các nước nhập khẩu gạo chưa đẩy mạnh ký hợp đồng. Theo một DN xuất khẩu gạo ở TP Cần Thơ, thời điểm này, cả hợp đồng thương mại và hợp đồng tập trung đều chưa ký nhiều, trong khi giá gạo thế giới đang giảm, giá trong nước ở mức cao, nên DN chưa đẩy mạnh thu mua lúa gạo trong dân. Hiện VFA đã có kế hoạch thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ đông xuân 2011- 2012 khi vào cao điểm thu hoạch và áp dụng mức giá sàn thu mua để giữ giá thị trường trong nước, đảm bảo cho nông dân trồng lúa có lợi nhuận theo chỉ đạo của Chính phủ.

Gạo cấp thấp: khó cạnh tranh

Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) cho biết: “Pakistan, Ấn Độ đang bán ra lượng gạo cấp thấp tồn kho giá rẻ, nên gạo cấp thấp Việt Nam khó mà cạnh tranh được về giá. Do vậy, nhiều DN đang tập trung thị trường gạo cấp cao, gần đây, thị trường Hồng Công và các nước Tây Phi đã trở thành thị trường chính tiêu thụ gạo cấp cao của Việt Nam”. Theo một DN xuất khẩu gạo của TP Cần Thơ, giá lúa gạo trong nước chưa giảm là do tác động của giá cao kéo từ quý IV/2011 đến nay, trong khi gạo xuất khẩu chào giá thấp, nếu xuất khẩu gạo cấp thấp, DN sẽ bị lỗ và khó cạnh tranh, giá gạo của DN Việt Nam chào cao, chi phí vận chuyển xuất khẩu cũng cao hơn. Tuy nhiên, các DN vẫn đang nỗ lực tìm thị trường, góp phần tiêu thụ lúa gạo vụ đông xuân cho nông dân. Có khả năng đến tháng 6 - 7 thị trường tập trung Indonesia, Philippines mở thầu, khi thị trường gạo cấp thấp khởi động, DN sẽ đẩy mạnh thu mua.

Trong khi thị trường nhập khẩu chưa có tín hiệu rõ ràng, giá gạo thế giới có chiều hướng giảm, nông dân gieo sạ giống lúa cấp thấp tiếp tục một vụ mùa đầy lo toan. Chủ trương giảm diện tích gieo sạ giống IR50404 đã được Bộ NN&PTNT, VFA khuyến cáo từ đầu vụ, hiện lúa IR50404 tiêu thụ gặp khó, dù bài học về thị trường này được đúc kết nhiều năm qua, nhưng thay đổi tập quán sản xuất là điều không dễ dàng. Vụ đông xuân 2011-2012, phần lớn các cánh đồng lúa đều đạt năng suất cao, do nông dân đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, nhưng nhiều nông dân trồng lúa cho rằng khả năng lợi nhuận cao sẽ khó đạt, do giá thành sản xuất tăng so với vụ đông xuân năm ngoái.

Theo ông Lê Việt Hải, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Mekong, TP Cần Thơ, gạo cấp cao, gạo thơm Việt Nam đang bán được giá sang các thị trường EU và Hồng Công, giá lúa Jasmine (khô) được DN mua ở mức 7.000 đồng/kg, nông dân trồng lúa thơm, lúa chất lượng cao đầu ra thuận lợi hơn. Thị trường gạo cấp cao, gạo thơm của Việt Nam cạnh tranh được là do Thái Lan thực hiện chính sách giữ giá, gạo cấp cao Việt Nam giá đang thấp hơn Thái Lan. Theo VFA, trong tổng lượng gạo xuất khẩu đến giữa tháng 2-2012 của các DN, gạo 25% tấm chiếm 5,31%, gạo 15% tấm chiếm 42,98%, gạo 5-10% tấm 36,84%, gạo thơm 7,79%... chủ yếu đi thị trường châu Á (83,11%), châu Phi (14,22%...). Thị trường gạo cấp thấp của Việt Nam gần đây phải chịu áp lực cạnh tranh rất lớn từ các nhà xuất khẩu gạo Pakistan, Ấn Độ; trong khi đây là thị trường thế mạnh của Việt Nam nhiều năm qua. Các DN đang mất dần lợi thế vì cạnh tranh, cộng thêm với sự thay đổi chính sách nhập khẩu của các quốc gia nhập khẩu gạo cũng làm DN phải cân não toan tính. Trong khi đó, gạo cấp cao đầu năm khởi động khá thuận lợi, do vậy, nhiều DN đang xoay chiến lược kinh doanh dài hơi theo thị trường này.

SONG NGUYÊN- KHẢI CA

Giá lúa đang giảm, khiến nông dân trồng lúa lo lắng. Ảnh: NGUYỄN SỰ 

Chia sẻ bài viết