Từ đầu năm 2009 đến nay, theo thống kê của Sở Công thương TP Cần Thơ, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đã xuất khẩu hàng hóa sang 74 quốc gia và vùng lãnh thổ, giảm 7 quốc gia so với cùng kỳ năm 2008, đồng thời chỉ phát triển thêm 1 thị trường mới. Trong 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các DN thành phố khoảng 512 triệu USD, đạt gần 60% kế hoạch năm và giảm 8,34% so cùng kỳ. Hai mặt hàng chủ lực chiếm hơn 80% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của thành phố là gạo và thủy sản. Riêng thủy sản có giá trị kim ngạch giảm so cùng kỳ, do thị trường nhập khẩu giảm, giá xuất bình quân cũng giảm. Năm 2009, ngành công thương thành phố đưa ra dự báo, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của thành phố có thể giảm 2,57% so với năm trước và đạt mức 814 triệu USD.
Theo nhận định của nhiều DN, khả năng các thị trường nhập khẩu lớn như EU, Mỹ, Nga... vẫn chưa phục hồi mạnh vào cuối năm nay. Tình trạng bán phá giá của một số DN nhỏ tranh mua- tranh bán vẫn tồn tại (cả mặt hàng gạo và thủy sản), tạo nên cuộc cạnh tranh thiếu công bằng cho các DN chân chính và đối tác lợi dụng vấn đề này để ép giá DN. Một số DN xuất khẩu thủy sản khá bức xúc trước tình trạng có DN xuất khẩu dù không có nhà máy chế biến, nhưng họ lại chào hàng giá thấp để chen chân giành thị trường. Nhiều DN chân chính đã bao phen vất vả vì tình trạng này. Việc DN chào hàng giá rẻ sẽ làm cho đối tác ngờ vực về chất lượng sản phẩm. Hiện nay, đối với con cá tra, một số thị trường EU, Nga đã mở cửa trở lại, nhưng rào cản kỹ thuật, thương mại cũng dày hơn. Sản phẩm cá tra vào thị trường này phải qua kiểm định nghiêm nghặt của nước sở tại và tuyệt đối đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ đầu năm đến nay, các DN xuất khẩu thủy sản của TP Cần Thơ đã xuất gần 89.000 tấn với kim ngạch 246,5 triệu USD, chỉ đạt 54,4% kế hoạch năm và giảm 20,5% so cùng kỳ. Thủy sản là mặt hàng chiếm tỷ trọng cao nhất trong kim ngạch xuất khẩu của thành phố với 48,1%.
Thống kê của Sở Công thương TP Cần Thơ, 8 tháng, các DN đã xuất 442.000 tấn gạo, đạt trên 83% kế hoạch năm và tăng 34,7% so cùng kỳ về sản lượng. Nhưng về giá trị chỉ đạt khoảng 184 triệu USD, bằng 58,8% kế hoạch năm và chỉ tăng 0,8% so cùng kỳ. Đây là mặt hàng chiếm tỷ trọng gần 36% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Mặc dù trong tháng 8-2009, thị trường xuất khẩu gạo của DN đã dễ thở hơn tháng trước, sản lượng và kim ngạch đều tăng, nhưng giá gạo lại giảm thêm khoảng 10USD/tấn (so thời điểm cuối tháng 7-2009), giá xuất gạo 5% tấm trong tháng qua ở mức 390-400 USD/tấn. Một số DN xuất khẩu gạo cho rằng, nhiều nước có nhu cầu nhập khẩu gạo vẫn chưa thoát khỏi “vùng trũng” của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Đa phần những nước này có nhu cầu nhập khẩu gạo để tạm trữ, nhưng số lượng không đáng kể và phụ thuộc vào mức tiêu thụ của thị trường nước sở tại.
Tại TP Cần Thơ, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng giảm so cùng kỳ, nhưng cũng có mặt hàng tăng so cùng kỳ như may mặc (đạt 21 triệu USD, tăng 34,8% với trên 2,8 triệu sản phẩm). Thị trường nhập khẩu đã khởi sắc trong tháng 8-2009, dù mức tăng không nhiều nhưng cũng cho thấy động thái tích cực để DN tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu. Riêng mặt hàng cá tra, các DN đang chờ sức mua tăng vào dịp lễ, Noel cuối năm. Với tín hiệu khả quan này, hy vọng kim ngạch xuất khẩu của TP Cần Thơ sẽ thoát khỏi khó khăn.
Theo các chuyên gia, các DN cần có chiến lược ngắn hạn và cả dài hạn để củng cố, mở rộng thị trường mới nhưng phải chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu. Việc đầu tư cho thương hiệu là cần thiết trong bối cảnh hội nhập và khủng hoảng kinh tế. Song, đây là vấn đề rất yếu của DN Việt Nam. PGS. TS Mai Thành Phụng, Phó Trưởng Bộ phận thường trực Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư quốc gia (tại TP Hồ Chí Minh), nói: “Hiện nay, các DN kinh doanh lương thực tại ĐBSCL không có vùng nguyên liệu tập trung mà phụ thuộc vào thương lái. Nông dân thì muốn bán lúa tại ruộng, trong khi DN lớn khó tiếp cận do điều kiện ghe, tàu tải trọng lớn khó vô được những kênh, rạch nhỏ. Cần qui hoạch, xây dựng, chấn chỉnh vấn đề này, nhằm rút bớt khoảng cách trung gian để lúa đến thẳng nhà máy thì vừa đảm bảo lợi nhuận cho người trồng lúa và cả DN. Ngoài ra, việc xúc tiến xây dựng thương hiệu cũng dễ dàng hơn”. Do vậy, các DN xuất khẩu cùng ngành hàng cần tính toán và ngồi lại với nhau để tìm tiếng nói chung trên cơ sở hài hòa lợi ích các bên, đồng thời bảo vệ uy tín, hình ảnh đẹp, năng động của DN Việt Nam trên trường quốc tế.
GIA BẢO