01/09/2020 - 08:27

Xây dựng chính phủ điện tử

Xu thế tất yếu đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước 

Trong giai đoạn hiện nay, việc xây dựng chính phủ điện tử (CPĐT) để đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế số và xã hội số trở thành xu thế tất yếu. Việc tìm ra những giải pháp, cách làm hay để xây dựng CPĐT, chính quyền điện tử bắt kịp với xu hướng thế giới và phù hợp với tình hình thực tiễn từng địa phương đang được Chính phủ đặc biệt quan tâm.  Đây cũng là vấn đề được thảo luận xuyên suốt tại hội nghị trực tuyến với các Ban Chỉ đạo Xây dựng CPĐT các bộ, ngành và Ban Chỉ đạo chính quyền điện tử 63 tỉnh, thành vừa diễn ra do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.

Chuyển biến tích cực

Về công tác xây dựng CPÐT thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: Các nền tảng CPÐT của chúng ta phát triển nhanh thể hiện qua số lượng các nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, tỉnh được xây dựng tăng đột biến. Các doanh nghiệp Việt dần làm chủ các công nghệ cốt lõi, phát triển các nền tảng công nghệ cho chuyển đổi số. Trong đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp công nghệ tiêu biểu như: Viettel, VNPT, BKAV… đã đóng góp nhân lực, tài lực vào phòng, chống dịch, đầu tư xây dựng các ứng dụng xử lý, phân tích tình hình dịch bệnh, truy vết tiếp xúc người nhiễm bệnh như: Bluezone, NCovi… Hay về Cổng Dịch vụ công Quốc gia, vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã tích cực triển khai nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ cao của các bộ, tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp truy cập các dịch vụ công trực tuyến.

Ra mắt vào cuối năm 2019, Cổng Dịch vụ công Quốc gia nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân, doanh nghiệp bởi những tính năng ưu việt trong tương tác giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền trên môi trường điện tử.


Ra mắt vào cuối năm 2019, Cổng Dịch vụ công Quốc gia nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân, doanh nghiệp bởi những tính năng ưu việt trong tương tác giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền trên môi trường điện tử. 
 

Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, sau hơn 8 tháng hoạt động, đến nay Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã tích hợp, cung cấp 1.039 dịch vụ công trực tuyến/6.842 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền. Ðồng thời, đạt trên 60 triệu lượt truy cập, trên 235.000 tài khoản đăng ký; hơn 15 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, trên 295.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến trên cổng; tiếp nhận, hỗ trợ trên 24.000 cuộc gọi và 7.800 phản ánh, kiến nghị.

Thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPÐT giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025, tính đến nay, cả nước hoàn thành 62/83 nhiệm vụ. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trung bình cả nước đạt khoảng 15,91%. Có 9 bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 11 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên 30%. Trong đó, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông đạt  tỷ lệ 100%. Về chỉ số tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin, đối với cấp bộ ngành, Bộ Tài chính giữ vị trí đầu bảng, cuối bảng là Bộ Xây dựng. Ðối với cấp tỉnh, Thừa Thiên Huế giữ vị trí đầu bảng, cuối bảng là tỉnh Cao Bằng.

Chia sẻ kinh nghiệm, cách làm để đẩy nhanh chỉ tiêu cung ứng dịch vụ công mức độ 4, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết: Thay vì xây dựng chi tiết từng phần mềm đơn lẻ, chúng tôi tập trung xây dựng các module trong Cổng Dịch vụ công và Hệ thống Thông tin một cửa điện tử như một nền tảng chung để xây dựng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Với sự nỗ lực của toàn ngành, đến nay Bộ Y tế đã hoàn thành cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin y tế đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ: 100% bệnh viện đã ứng dụng công nghệ thông tin, 99,5% các cơ sở khám chữa bệnh đã kết nối giám định khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với cơ quan bảo hiểm xã hội Việt Nam,...

Các bước hành động tiếp theo

Mặc dù đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận, song vấn đề xây dựng CPÐT của nước ta vẫn còn nhiều tồn tại cần sớm khắc phục. Ðó là môi trường pháp lý cho CPÐT chưa hoàn thiện, một số nghị định về một số nội dung quan trọng (bảo vệ dữ liệu cá nhân, định danh, xác thực điện tử) vẫn chưa được ban hành. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 vẫn thấp và nếu không có cách làm mới sẽ không thể đạt mục tiêu 30% trong năm 2020. Một số cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển CPÐT vẫn chậm được triển khai, đặc biệt là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai. Vấn đề an toàn, an ninh mạng chưa được đầu tư đúng mức; đầu tư cho an toàn an ninh mạng thường không đạt ngưỡng 10% ngân sách chi cho công nghệ thông tin.

Từ thực tế đó, nhiều doanh nghiệp đi đầu về công nghệ thông tin đã lên kế hoạch "mở đường" cho việc xây dựng và phát triển CPÐT trong thời gian tới. Theo ông Huỳnh Quang Liêm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), không chỉ cung cấp hạ tầng kết nối, trong chiến lược chuyển đổi số của mình, VNPT tham gia thực hiện các nền tảng số, giải quyết yêu cầu cụ thể phục vụ xây dựng chính phủ số, phát triển kinh tế và xã hội số. VNPT tiếp tục xây dựng và phát triển hạ tầng mạng viễn thông hiện đại, an toàn, dung lượng lớn, tốc độ cao và ứng dụng các công nghệ mới: mở rộng vùng phủ sóng di động 4G/5G và mạng cáp quang; nâng cấp, phát triển hệ thống trung tâm dữ liệu hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế (Tier 3) tại các thành phố lớn trên cả nước với năng lực trên 5.000 Rack…

Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị Chính phủ xem xét, ban hành các nghị định quan trọng để hoàn thiện thể chế phát triển CPÐT gồm: Nghị định về định danh và xác thực điện tử, Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Ðồng thời, khẩn trương triển khai các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 749/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Trong đó chú trọng kiện toàn tổ chức các đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin để thực thi nhiệm vụ chuyển đổi số, xây dựng và triển khai các đề án thành phần để thúc đẩy Chương trình Chuyển đổi số quốc gia như: Ðề án Ðào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số, Ðề án Phát triển kinh tế số, Ðề án Hỗ trợ cho các tổ chức, doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, phát triển CPĐT là vấn đề lớn, cấp thiết đối với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn hiện nay. Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành hữu quan tiếp tục thực hiện, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra về phát triển CPĐT giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025; Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, xúc tiến hoàn thành việc tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu 30% vào năm 2020 và nâng tỷ lệ 100% trong năm 2020-2021 về dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Đối với việc xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia phải hoàn thành trước tháng 9-2020. Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ triển khai Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đưa vào khai thác, vận hành trước tháng 7-2021. Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương triển khai thực hiện xây dựng Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia và các văn bản pháp luật, quy định kỹ thuật.

Bài, ảnh: MỸ THANH

 

Chia sẻ bài viết