26/02/2013 - 21:49

Xử lý triệt để những hành vi cản trở tác nghiệp để báo chí phát triển mạnh mẽ hơn

(CT)- Khẳng định vai trò của báo chí đối với sự phát triển kinh tế xã hội địa phương; phân tích các hành vi cản trở tác nghiệp báo chí và trao đổi về việc xử lý hành chính các hành vi này… là những nội dung trong 2 hội thảo "Quy trình xử lý hành chính hành vi cản trở các hoạt động báo chí" và "Vai trò của truyền thông trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương". Hội thảo diễn ra trong ngày 26-2-2013, do Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông phát triển (RED Communication) và Sở Thông tin truyền thông TP Cần Thơ tổ chức với sự tham gia của nhiều cơ quan báo chí, truyền thông khu vực ĐBSCL.

Các ý kiến tham luận tại 2 cuộc hội thảo cho thấy báo chí toàn quốc nói chung và ĐBSCL nói riêng đang phát triển mạnh mẽ với nhiều loại hình báo chí đa dạng, phong phú, đội ngũ nhà báo đông đảo về số lượng, vững vàng về tay nghề. Qua đó, báo chí đáp ứng nhu cầu hưởng thụ thông tin của người dân; góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội các địa phương phát triển. Theo RED Communication, cả nước hiện có hơn 17.000 nhà báo và hơn 5.000 phóng viên đang hoạt động trên mọi lĩnh vực, mọi địa bàn. Báo chí ngày càng nêu cao vai trò xung kích trong đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực xã hội. Khung pháp lý đảm bảo cho nhà báo tác nghiệp tương đối đầy đủ; đặc biệt, Nhà nước đã ban hành các quy định cụ thể để đảm bảo việc cung cấp thông tin cho báo chí được thực hiện một cách chuyên nghiệp, dễ dàng. Tuy nhiên, trong thực tế, các hành vi vi phạm pháp luật cản trở tác nghiệp báo chí diễn ra ngày càng phức tạp, dưới nhiều hình thức từ mua chuộc nhà báo cho đến né tránh cung cấp thông tin, đe dọa, hành hung nhà báo… Việc xử lý các hành vi này ít nhiều còn hạn chế.

Vì vậy, để tự bảo vệ mình cũng như để thuận lợi hơn trong quá trình tác nghiệp, các nhà báo cần trang bị cho mình những kiến thức pháp luật về nghề nghiệp. Song song đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà báo và các cơ quan chức năng (Sở Thông tin Truyền thông, Công an…) trong việc thông tin, xử lý các hành vi cản trở tác nghiệp báo chí. Thực tế ở một số địa phương cho thấy, với sự thúc đẩy của các cơ quan chức năng, các hành vi vi phạm pháp luật cản trở tác nghiệp báo chí sẽ được xử lý nhanh chóng và triệt để hơn. Đó cũng là giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn các hành vi này, góp phần để báo chí phát triển mạnh mẽ hơn.

SỸ HUIÊN

Chia sẻ bài viết