05/11/2011 - 08:40

KỲ HỌP THỨ 2, QUỐC HỘI KHÓA XIII

Xử lý nghiêm các hành vi quảng cáo sai sự thật

* Luật Giáo dục đại học còn nhiều điều quy định chung chung

(TTXVN)- Sáng 4-11, đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận, cho ý kiến vào Dự thảo Luật Quảng cáo và Dự thảo Luật Giáo dục đại học.

Các đại biểu nhất trí cho rằng cần thiết phải ban hành Luật Quảng cáo trong bối cảnh hoạt động quảng cáo ở nước ta đang phát triển mạnh mẽ, nhiều loại hình quảng cáo mới xuất hiện, đặc biệt là quảng cáo trên Internet và các phương tiện điện tử. Hệ thống pháp luật về quảng cáo không còn phù hợp, bộc lộ nhiều mâu thuẫn bất cập, đặt ra yêu cầu phải có một văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao hơn điều chỉnh hoạt động quảng cáo trong tình hình mới.

Đa số đại biểu đề nghị giao Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về quảng cáo bởi mục đích chính của công tác quản lý hoạt động quảng cáo là quản lý nội dung sản phẩm quảng cáo. Đại biểu Phạm Thị Hồng Nga (Hà Nội), Trịnh Xuyên (Thanh Hóa) và nhiều đại biểu khác cho rằng cần giao Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về quảng cáo. Bộ cần phối hợp với Bộ Thông tin - Truyền thông và các Bộ, ngành liên quan để công tác quản lý Nhà nước về quảng cáo được thực hiện tốt hơn. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Xuân Trường (Hải Phòng) lại đề nghị công tác quản lý nhà nước về quảng cáo nên giao cho Bộ Thông tin - Truyền thông, nội dung quảng cáo do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm, bởi hiện nay, có tới 80% thị phần quảng cáo được thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, trong khi đó, ngành văn hóa, thể thao và du lịch chỉ trực tiếp quản lý quảng cáo ngoài trời.

Theo đại biểu Phạm Thị Hồng Nga, Phạm Thanh Hùng (Hà Nội) hiện nay hoạt động quảng cáo còn gây nhiều bức xúc trong nhân dân, nhất là việc quảng cáo sai sự thật vẫn đang tồn tại, gây hệ lụy rất lớn cho xã hội. Tin nhắn quảng cáo gửi vào điện thoại, phát tờ rơi ở ngã tư đèn đỏ, rao vặt bằng loa đài, âm thanh gây ồn ào nơi công cộng hoặc quảng cáo có yếu tố nước ngoài, không hề có tiếng Việt... là những vấn đề cần quy định cụ thể trong Luật với mức xử phạt thật nghiêm.

Đại biểu Lê Minh Thông (Thanh Hóa) đề nghị cần quy định cấm sử dụng thuần túy tiếng nước ngoài vào quảng cáo; quy định rõ trách nhiệm của người quảng cáo, kinh doanh quảng cáo, phát hành quảng cáo để dễ quy kết khi có sai phạm. Quảng cáo là lĩnh vực nhạy cảm nên cần phân định rõ nội dung cần xin phép và nội dung không cần xin phép; thận trọng khi cấp phép với loại hình quảng cáo nơi công cộng và quảng cáo bằng đoàn người; quy hoạch quảng cáo ngoài trời vẫn chưa thực sự rõ, cần gắn với quy hoạch đô thị, dân cư...

Thảo luận dự thảo Luật Giáo dục đại học, các đại biểu tập trung vào các nội dung quản lý nhà nước trong giáo dục đại học; mô hình tổ chức và việc phân tầng cơ sở giáo dục đại học; quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học; xã hội hóa giáo dục đại học; kiểm định chất lượng đào tạo; giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục đại học và người học...

Nhiều đại biểu cho rằng Dự thảo Luật còn chung chung, chưa thể hiện rõ những vấn đề cốt lõi của bậc giáo dục đại học; chưa thể chế hóa một số chủ trương, chính sách lớn, chưa giải quyết thấu đáo, triệt để một số vấn đề quan trọng như phân tầng các cơ sở giáo dục đại học, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học,... Dự thảo Luật cần hướng tới xử lý tốt mối quan hệ giữa Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học; một số điều, khoản thay nên quy định cụ thể ngay trong Luật thay vì giao cho các văn bản dưới Luật sẽ gây khó khăn và chậm trễ cho việc triển khai thi hành Luật trong thực tiễn.

Chiều 4-11, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra các dự án: Luật phòng, chống rửa tiền; Bộ luật lao động (sửa đổi); Luật công đoàn (sửa đổi) và Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Chia sẻ bài viết