20/09/2020 - 10:10

Xu hướng gọi vốn làm phim từ cộng đồng tại Hàn Quốc 

Gặp khó khăn về kinh phí làm phim, nhiều nhà sản xuất đã nghĩ đến giải pháp gọi vốn từ cộng đồng. Đây vốn là phương thức đã xuất hiện từ khá lâu ở các dự án phim độc lập ở Âu Mỹ và đang là xu hướng tại Hàn Quốc khi các nhà đầu tư không đủ tài chính.

Cảnh trong phim “Space Sweepers”.

Cảnh trong phim “Space Sweepers”.

Gần đây, Merychristmas - một công ty sản xuất phim tại Hàn Quốc, cho biết sẽ sử dụng hạ tầng gọi vốn cộng đồng Crowdy để huy động kinh phí quảng bá cho dự án phim “Space Sweepers”. Chi phí được nêu ra để kêu gọi đóng góp từ cộng đồng khoảng 254.000 USD và dự án đã nhận được hơn 4.500 người đăng ký quan tâm. Chỉ 5 ngày sau khi việc gọi vốn được bắt đầu, “Space Sweepers” đã thu được 2/3 số tiền cần thiết. Đây là con số khả quan giữa lúc kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 và dự án vẫn đang tiếp tục gọi vốn để đạt mức 80% chi phí dự kiến, nhằm có thể tiến hành các bước tiếp theo.

Câu chuyện này chứng tỏ sự quan tâm của cộng đồng dành cho phim ảnh tại Hàn Quốc vẫn còn mạnh mẽ. Chris Chung, Giám đốc điều hành Merychristmas, nói rằng: “Chúng tôi có ý tưởng hình thành dự án khi tìm những phương thức mới để đầu tư sản xuất phim ảnh; đồng thời gọi vốn qua nhiều cách khác nhau để đối phó với các rủi ro. Tất nhiên, giữa lúc dịch bệnh COVID-19 thì mọi thứ điều khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn hy vọng sẽ có nhiều người còn quan tâm đến phim ảnh, vì vậy quyết định kêu gọi góp vốn từ cộng đồng. Kết quả thu được rất khả quan”.

Thực tế, việc gọi vốn từ cộng đồng đã hình thành khá vững chắc ở Hàn Quốc với các dự án phim độc lập, hay cá nhân. Trong ngành điện ảnh, cũng đã có nhiều phim được sản xuất và gặt hái thành công từ phương thức này, như: “Our President” (2017), “Intention” (2018). Thậm chí, một số phim thương mại cũng dần chuyển hướng sản xuất theo phương thức này. Trong đó, hạ tầng gọi vốn cộng đồng lớn nhất Hàn Quốc là Wadiz đã trở thành cầu nối trung gian cho nhiều dự án phim khởi động. Đơn cử, cả 3 phim “Kim Ji Young, Born 1982”, “Forbidden Dream”, “The Divine Fury” đều được góp vốn thành công trên hạ tầng này. Tham gia góp vốn theo phương thức này, các nhà đầu tư sẽ được nhận những trái phiếu và được chia lợi nhuận theo tương ứng trái phiếu họ giữ.

Đây cũng là hình thức mà “Space Sweepers” đang tiến hành. Tuy nhiên, “Space Sweepers” khác biệt ở chỗ đây là phim thương mại có kinh phí đầu tư lớn, ít nhất phải bán được hơn 5,8 triệu vé thì các nhà đầu tư mới có thể hòa vốn - một con số không dễ đạt được. Kim Ju Won, đồng sáng lập và quản lý Crowdy, cho rằng, “Space Sweepers” là phim thương mại đầu tiên ở Hàn Quốc có kinh phí đầu tư cao gọi vốn theo phương thức kêu gọi cộng đồng, với sự rủi ro cũng cao tương ứng. Bởi lẽ với hình thức này, các nhà sản xuất, các đạo diễn, diễn viên đang kêu gọi công chúng cùng chia sẻ tài sản với họ. Đó là hình thức phải ngồi chung thuyền, thành công hay thất bại, tất cả các bên cùng chia sẻ.

Mặc dù chứa nhiều rủi ro nhưng Chris Chung cho rằng Merychristmas vẫn sẽ gọi vốn cho những dự án tiếp theo của công ty theo hình thức này, bởi công ty muốn tạo ra một tiền lệ thành công theo tiêu chuẩn và trong bối cảnh mới khi ngành điện ảnh đang trong giai đoạn cực kỳ khó khăn bởi dịch COVID-19. “Gọi vốn cộng đồng không chỉ là xu hướng trong giải quyết vấn đề chi phí, mà còn để hiểu khán giả, biết họ đang quan tâm đến vấn đề gì. Đây là phương tiện để tiếp cận khán giả đại trà, vì họ quan tâm mới có đầu tư”, Chris Chung nhấn mạnh.

MINH NHIÊN (Theo Korea Herald)

Chia sẻ bài viết