29/04/2013 - 20:17

Xóm đạo kiên trung

* Ký: QUỐC THÁI

Chiến tranh đã lùi xa 38 năm, nhưng trong lòng nhiều cán bộ gầy dựng cơ sở cách mạng ở xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ), ký ức về những ngày tháng sống, chiến đấu với quân thù dưới sự chở che, đùm bọc của bà con giáo dân nơi đây như mới hôm nào. Từng là " vùng kềm" "vùng trắng" của Mỹ - Ngụy trong nhiều năm, nhưng địch không thể ngờ ngay trong nhà thờ giáo xứ Long Bình, một căn hầm bí mật được xây dựng kiên cố để nuôi chứa, bảo vệ và tiếp tế lương thực, thuốc men cho cán bộ cách mạng, góp phần cho ngày toàn thắng…

Cơ sở cách mạng trong lòng giáo xứ

 Chính quyền xã Thạnh An và bà con giáo dân cùng chung sức xây dựng tuyến đường kênh E1, góp phần thay đổi diện mạo vùng ngoại thành. Ảnh: QUỐC THÁI

Lần giở những tài liệu ghi chép, ông Phạm Thành Hiếu (Năm Hiếu), nguyên là Trưởng Ban an ninh liên xã Thạnh Quới - Thạnh An, nhớ như in những ngày đầu gầy dựng cơ sở cách mạng ở xã Thạnh An. Sau hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, ông Năm Hiếu được phân công ở lại miền Nam. Từ Cà Mau, ông trở về quê ở xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ rồi qua Thạnh An để bắt liên lạc với cơ sở cách mạng. Chỉ tay về phía kênh Cái Sắn, ông Năm Hiếu bồi hồi kể: Xã Thạnh An xưa kia là vùng kềm chặt của địch, có nhiều tôn giáo với nhiều hệ phái khác nhau. Nhất là khi chính quyền Ngô Đình Diệm cho thành lập Dinh điền Cái Sắn, đưa đồng bào miền Bắc di cư vào miền Nam, trong đó có 98% là theo đạo Thiên chúa giáo. Nhân dân đại bộ phận là bần cố nông, lao động nghèo trong khi phải thường xuyên đóng góp sức người và của cải cho giáo hội để xây dựng nơi thờ tự, nuôi dưỡng lực lượng giáo phái, đồng thời còn phải "đi quân dịch" bổ sung lực lượng cho ngụy quân chống phá cách mạng ở các nơi khác. Do nằm trong vùng kềm, lực lượng cách mạng lại mỏng, nên đến năm 1962, Chi bộ liên xã Thạnh Quới - Thạnh An mới được thành lập. Khi đó, chi bộ chỉ có 3 đồng chí, gồm: Trần Hùng - Trưởng Ban an ninh huyện Thốt Nốt (cũ), Nguyễn Phương Ngôn - Bí thư Chi bộ và ông Phạm Thành Hiếu làm Trưởng Ban an ninh xã. "Xây dựng lực lượng nòng cốt trong hàng ngũ địch, tích cực bám trụ gầy dựng cơ sở cách mạng trong đồng bào có đạo để tổ chức phong trào quần chúng đấu tranh với địch là nhiệm vụ then chốt của chúng tôi lúc bấy giờ" - ông Năm Hiếu cho biết.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng ông Năm Hiếu vẫn nhớ mãi sự đùm bọc, chở che, giúp đỡ hết lòng của linh mục Nguyễn Văn Luyến, chánh xứ giáo xứ Long Bình. Cũng nhờ vậy, chi bộ mới tồn tại và hoạt động hiệu quả, đồng thời xây dựng thêm nhiều cơ sở cách mạng rộng khắp và vững chắc. Đưa tay vuốt mái tóc bạc phơ, ông Năm Hiếu bồi hồi kể lại những lần gặp gỡ linh mục Nguyễn Văn Luyến. Khi ấy, ông đến đào đất mướn cho nhà thờ, linh mục thường hỏi thăm chuyện gia đình, điều kiện sinh sống và đem cơm nước mời ông ăn, uống. Cho đến một ngày, linh mục phát hiện có súng trong chiếc nốp và tỏ ý nghi ngờ ông Năm Hiếu không phải là người làm mướn bình thường. Biết linh mục là người yêu nước, thương dân, ông Năm Hiếu tỏ thiệt mình là cán bộ cách mạng nằm vùng, đồng thời kêu gọi sự giúp đỡ của linh mục và hứa sẽ chung sức cùng giáo xứ hết lòng bảo vệ an toàn tính mạng cho bà con giáo dân.

Dù không báo tin cho chính quyền ngụy, nhưng linh mục vẫn hoài nghi sự có mặt của ông Năm Hiếu có thể gây nguy hiểm cho bà con giáo dân. Đến khi một số giáo dân bị cướp bóc của cải được cán bộ cách mạng giúp đỡ bảo vệ tính mạng, tài sản, thì linh mục Luyến mới thực sự tin tưởng. Dưới sự giúp đỡ của linh mục Luyến, nhà xứ trở thành địa điểm an toàn để cán bộ cách mạng hội họp, sinh hoạt. Đặc biệt, năm 1963, linh mục đã cho xây dựng 1 căn hầm bí mật để nuôi chứa lực lượng cách mạng. Theo trí nhớ của ông Năm Hiếu, căn hầm khá rộng được xây dựng kiên cố bằng sắt và xi măng, có thể chứa 1 tiểu đội. Căn hầm là nơi cán bộ Huyện ủy Thốt Nốt (cũ), địa phương quân trú ngụ để tránh sự bố ráp của địch, đồng thời là nơi nuôi chứa, sơ cấp cứu thương binh trong các đợt tiến công "phá kềm, diệt ác" của quân ta. Theo ông Năm Hiếu, thành quả lớn nhất là ta đã phối hợp với linh mục Luyến vận động thành lập toán du kích mật gồm 18 thanh niên, toàn bộ là đồng bào công giáo. Các cơ sở cách mạng tại đây đã tạo điều kiện cho Tiểu đoàn Tây Đô về dinh điền Cái Sắn mở vùng, diệt ác, phá kềm vào tháng 5- 1965. Tiểu đoàn đã kết hợp với lực lượng địa phương quân huyện Thốt Nốt, du kích và lực lượng cán bộ chính trị, binh vận, đoàn thể địa phương giải tán lực lượng phòng vệ dân sự ở các ấp, tước từ tay địch 300 súng và nhiều vũ khí khác.

Giáo dân một lòng theo Bác

Dù tuổi đã cao, nhưng ông Đỗ Văn Chương ở ấp G1, xã Thạnh An, nguyên là du kích mật ở xã thời chống Mỹ, nay là Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Thạnh An, vẫn còn minh mẫn. Quê ở Ninh Bình, ông Chương cùng gia đình theo linh mục Luyến di cư vào Nam sinh sống từ năm 1955. Dẫn chúng tôi thăm nhà thờ Long Bình, căn hầm năm xưa đã bị san lấp, chỉ còn lại mộ linh mục Nguyễn Văn Luyến, ánh mắt trìu mến của ông bỗng lóng lánh xúc động. Bởi chính ở nơi này, ông được linh mục Luyến và chi bộ vận động tham gia đội du kích mật tại địa phương. Từng có khoảng thời gian làm tạp dịch cho chế độ ngụy quyền Sài Gòn, sớm hiểu rõ bản chất giả tạo, mị dân của thế lực cầm quyền, nên sau khi được cán bộ cách mạng giác ngộ, ở người thanh niên này, ngoài niềm tin với Chúa, ông đặt trọn lòng tin vào Bác Hồ kính yêu. Bởi vậy, vào khoảng năm 1964 - 1965, khi chính quyền ngụy quyền tập hợp bà con công giáo để xuyên tạc về Hồ Chí Minh, bắt ông cầm biểu ngữ "chống cộng", ông cố nén nỗi căm giận dâng trào để giữ bí mật cho cơ sở cách mạng.

Sau nhiều đêm suy nghĩ, đau đáu tìm biện pháp nhằm phá tan âm mưu xuyên tạc, chia rẽ, gây mất lòng tin của nhân dân, nhất là đồng bào công giáo với Đảng, ông Chương bàn bạc với linh mục Luyến dùng uy tín của linh mục đề nghị chính quyền ngụy thành lập tề ấp, gồm: Trưởng ấp, Trưởng toán thanh niên chiến đấu. Trong đó toàn bộ là du kích mật được lực lượng ta cài vào. Bề ngoài thì hoạt động cho chính quyền Sài Gòn, nhưng thực chất là phục vụ cho cách mạng. Nhiều lần đối mặt với lực lượng cách mạng, toán thanh niên này giả vờ nổ súng cho qua, hoặc giả bày trận giả để lấy lý do tiêu tốn đạn dược, xin cấp thêm khí tài để phục vụ cách mạng. Hoạt động đến tháng 3 - 1967 thì ông Chương bị địch bắt, giam tại Khám lớn Cần Thơ. Dù địch tra tấn dã man nhưng ông vẫn giữ trọn khí tiết, một lòng kiên trung theo Bác, quyết bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng. Để cứu ông, gia đình phải nhờ linh mục Nguyễn Văn Luyến ra mặt và lo lót cho bọn chúng để ông được giảm án còn 6 tháng tù. Chỉ cho tôi xem những vết sẹo do địch tra tấn năm xưa còn hằn sâu trên thân thể, ông Chương tâm sự: " Tôi thà chết không khai vì tôi tin cách mạng thành công thì bà con sẽ không còn khổ nữa và tôi tin Bác Hồ, tin các đồng chí của tôi nữa…".

Trong muôn trùng nguy hiểm, dưới sự kiểm soát gắt gao của địch, nhiều bà con giáo dân đã chọn theo Bác, theo cách mạng. Cũng vì thế, nhiều người đã bất chấp nguy nan, vượt hàng chục cây số tiếp tế lương thực, thuốc men cho cán bộ cách mạng. Điển hình như ông Nguyễn Đình Dương (88 tuổi) ở ấp G2, xã Thạnh An, nguyên là du kích mật khi xưa. Ông lão tóc bạc phơ, bị lảng tai nhưng nghe hỏi chuyện xưa, đôi mắt của ông như bừng sáng, đầy sống động. Ông nhớ như in cái thời trai trẻ đầy nhiệt huyết, bất chấp hiểm nguy bơi xuồng vận chuyển lúa, gạo, thuốc men cách nhà hơn 16 cây số để tiếp tế cho cách mạng. Ở giữa lòng địch, vậy mà ông đã mưu trí vận chuyển an toàn nhiều hàng hóa, thuốc men tiếp tế cho cách mạng từ năm 1962 đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. " Thấy mình chở lúa, gạo thường xuyên nên người ta cũng nghi ngờ, hỏi thăm. Tôi nói là đi làm từ thiện…" - ông Dương bộc bạch. Có những lúc đang chở hàng nghe tin báo có địch chặn kiểm soát, ông đâm thủng xuồng hủy hàng để giữ bí mật.

Về thăm xứ đạo "3 không"

Tiếp nối truyền thống cách mạng vẻ vang ấy, từ khi đất nước thống nhất đến nay, bà con giáo dân xã Thạnh An luôn đoàn kết một lòng dưới sự lãnh đạo của đảng bộ, chính quyền địa phương, góp phần xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp. Đặc biệt, các chức sắc, bà con giáo dân đóng vai trò quan trọng trong thực hiện mô hình "Xứ đạo, họ đạo 3 không" (không tội phạm, không ma túy, không mại dâm).

Một ngày cuối tháng 4, chúng tôi trở lại giáo xứ Martinô là một trong những giáo xứ nhiều năm liền được công nhận xứ đạo 3 không. Theo linh mục Trần Hòa, chánh xứ giáo xứ Martinô, giáo xứ có 100% nhân khẩu trên địa bàn ấp đều là giáo dân. Để thực hiện tốt nghĩa vụ công dân và bổn phận con chiên của Chúa, Hội đồng mục vụ đã kết hợp với lực lượng công an và chính quyền địa phương đến từng hộ gia đình bàn bạc, vận động bà con ký cam kết với chính quyền xây dựng mô hình "Xứ đạo, họ đạo 3 không". Vào những ngày lễ, cùng với việc giảng đạo, linh mục cũng thường xuyên giảng dạy, nhắc nhở bà con thực hiện những điều đã cam kết về an ninh trật tự, không cho phép bất cứ ai làm những điều trái với quy định, với luân thường đạo lý làm ảnh hưởng đến thanh danh trong giáo xứ.

Đồng chí Trần Minh Trung, Bí thư Đảng ủy xã Thạnh An, đến nay có 12/12 giáo xứ đạt nội dung 3 không. Chỉ tính trong năm 2012, bà con giáo dân đã cung cấp cho công an 15 nguồn tin về an ninh trật tự và tích cực vận động các đối tượng ra đầu thú, tránh gây hậu quả lớn. Điển hình như anh Nguyễn Văn Thuần ở ấp E1, đã vận động 3 đối tượng trộm cắp ra đầu thú và trả lại hơn 77 chỉ vàng cho người bị trộm.

Theo đồng chí Trần Minh Trung, cũng nhờ sự đồng lòng, đoàn kết góp sức xây dựng quê hương của nhân dân mà từ năm 2007 đến nay, toàn xã đã xây dựng hơn 24 km đường bê tông kiên cố, giúp hệ thống giao thông nông thôn được liên hoàn. Thành quả ấy có sự đóng góp không nhỏ của Hội đồng mục vụ các giáo xứ. Đã hơn 63 tuổi, ông Nguyễn Văn Tuất, ở ấp E1, tỏ ra rất phấn khởi khi tuyến đường bê tông trước nhà sắp hoàn thành. Ông đã đóng góp hơn 16 triệu đồng và tích cực vận động bà con hiến đất, hoa màu…để tuyến đường sớm hoàn thành.

Chia tay xóm đạo Thạnh An, tôi cảm nhận về một xứ đạo bình yên đang ngày càng thay da đổi thịt. Ở đó, bà con giáo dân đã và luôn vững niềm tin theo Đảng, theo cách mạng, đoàn kết một lòng để đưa quê hương phát triển, xã hội phồn vinh.

Chia sẻ bài viết