Truyện ngắn: DI NHIÊN
Út có người yêu. Tin đó bay khắp Xóm Cù Lao. Người tấm tắc "Con bé dễ thương, học giỏi lại hiền lành, có nhóc anh chàng ở phố mê mẩn". Có người than "Vậy Xóm Cù Lao mình mất thêm một người. Út lấy chồng ở phố rồi lại không trở về..."
Đó là bởi mấy năm gần đây, đám trẻ Xóm Cù Lao lần lượt ra phố đi học, nhưng ít quay về. Xóm có mấy chục nóc nhà, giờ càng hiu quạnh. Người xóm thường than vắn thở dài, thiếu tiếng cười của con nít, người già thêm héo hon. Rảnh rỗi sau chuyện ruộng vườn, ngồi trước thềm ba nói chuyện, người xóm bỗng nhận ra lâu lắm rồi không được dự một đám cưới, dù nho nhỏ, cho có cái gọi là tiệc tùng. Rồi họ thèm cảm giác bỏ hết mấy cái chuyện lặt vặt hằng ngày, đàn ông ngã heo vào buổi sáng sớm, phụ nữ thớt dao sẵn sàng, tiếng chiên xào nấu nướng va vào nhau. Say mê. Vui vẻ. Họ nói chuyện nàng dâu chú rể sẽ làm ăn, cất nhà dựng cột ra sao, và cả những đứa con của hai trẻ.
Nhưng chuyện đó lâu rồi không xảy ra, từ cái ngày Thành- niềm tự hào tuổi trẻ học rộng hiểu nhiều của xóm- tuyên bố làm đám cưới ngoài phố và ở luôn bên vợ ngoài đó. Ba má Thành đi ra một chuyến xong về buồn hiu, bà Sáu cứ đi tới đi lui than thở: "Biết là ở bên đó thì cháu nội mình sau này được chăm sóc, học hành. Nhưng chắc tui không được gần gũi, bồng ẵm cháu. Còn ruộng vườn mình ai coi, khi tui với ông trăm tuổi già". Ông Sáu không nói gì, nhấp ngụm trà rồi nhìn ra trước mặt thấy minh mông là nước, minh mông là trời.
***
Không khí trong nhà Út yên ắng lạ thường. Không gian chùng xuống báo hiệu một cơn mưa sắp ập xuống căn nhà yếu ớt vì thiếu bàn tay đàn ông chăm sóc. Sau bữa cơm chiều, Út dọn mâm, đũa, xoong nồi xuống bến kì cọ một mình. Ba người phụ nữ còn lại việc ai nấy làm, cố gắng không nhìn vào mắt nhau. Mẹ Út ra chuồng heo sau nhà. Từ ngày về nhà này làm dâu, bà luôn cần mẫn. Út quen tiếng thở dài và giọt nước mắt âm thầm của mẹ trong chái bếp suốt nhiều năm qua, kể từ khi ba theo đoàn quân giải phóng rồi gởi thân nơi chiến trường. Thế nhưng không hiểu sao lúc này Út thấy đắng đót trong lòng. Phải chăng vì giờ đây Út đã biết yêu nên hiểu nỗi cô đơn thăm thẳm khi phải sống xa bạn đời của mẹ. Cũng có lẽ cuộc sống xa nhà tập cho Út biết thương những người thân trong gian nhà rộng này.
Màn đêm buông xuống. Út một mình ra sân trước nhìn lên trời. Những ngôi sao lấp lánh như hàng ngàn viên bi mà ai đó rải lên vũ trụ đang tỏa sáng. Út thấy thương quê mình quá đỗi. Buổi tối ở quê chỉ có bầu trời, tiếng ếch nhái kêu râm ran, lâu lâu tiếng một con cá dưới sông quẫy đuôi. Út chạnh lòng nhớ Thành- người anh hàng xóm mà Út xem như anh ruột, đã lâu không quay về Xóm Cù Lao. Út còn nhớ thuở đó, hai anh em ngồi ở cầu ao, nhìn qua bên kia sông, là thành phố với lấp lánh ánh đèn, Thành nói: "Bên kia là thế giới của biết bao kiến thức và những chuyến đi vô tận sẽ giúp tâm hồn chúng ta lớn hơn mảnh đất cù lao này".
Trong nhà vang lên tiếng hắng giọng ho khục khặc của bà. Lần về thăm nhà này Út thấy bà ho nhiều hơn, những nếp nhăn hiện rõ hơn trên khuôn mặt hằn dấu tháng năm, vì đợi chờ và cô quạnh. Cả đời bà dành trọn ở Xóm Cù Lao đợi ông. Nhưng ông đi rồi không quay lại, cả người con trai duy nhất cũng đi biền biệt không về. Rồi cả con rể của bà cũng để người con gái thứ Ba thành góa bụa. Những giọt nước mắt đã khô theo tháng cùng năm mòn mỏi. Mỗi lần nhìn vào đôi mắt hõm sâu của bà, của mẹ và cả cô Ba, Út sợ mình sẽ bị lạc trong ánh mắt buồn thăm thẳm ấy. Út đã từng sợ một ngày không thể chịu nổi cái buồn nơi đây, rồi cũng sẽ chạy máy qua bên kia bờ, đón xe lên phố sống giữa huyên náo với những người trẻ đã rời Xóm Cù Lao.
Mẹ thôi lục đục dưới nhà, nhẹ nhàng đến bên Út nhắc nhở đi ngủ, mai còn dậy sớm qua sông về trường. Nhắc thì nhắc vậy thôi nhưng mẹ vẫn ngồi xuống vuốt vuốt tóc con gái. Mẹ thấy xót xa bởi Út ốm hơn nhiều, nhưng chững chạc và biết suy nghĩ hơn. Tuy cả đời chôn chân Xóm Cù Lao quanh quẩn với vườn cây và heo gà, nhưng mẹ hiểu tuổi trẻ cần được đi đây đi đó học điều hay, được hòa nhập với thế giới với những con người thông minh tài giỏi. Mẹ thấy đã đúng khi cho Út đi học xa. Vì chỉ hai năm thôi, mà về nhà Út đã biết bày cho gia đình và bà con làng xóm cách chăn nuôi, trồng trọt hạn chế sử dụng thức ăn, phân, thuốc. Út còn đang loay hoay kết nối Xóm Cù Lao với các doanh nghiệp thu mua. Biết thì biết vậy, nhưng nghe Út nói đã có người yêu ở phố, mẹ không khỏi chạnh lòng lo nỗi lo như những người ở Xóm Cù Lao, rằng Út cũng sẽ không về- như Thành.
Bà lại trở mình lần nữa. Có lẽ đêm nay là một đêm dài. Màn đêm u tịch lại dày thêm như mang theo nhiều nỗi niềm. Út tự hỏi rằng không biết Kiên- người yêu của Út, sẽ thấy thế nào nếu về Xóm Cù Lao? Kiên sinh ra trong một gia đình nhà giáo, từ nhỏ đã được dạy về lòng nhân hậu, yêu thiên nhiên qua những hoạt động xã hội mà Kiên tham gia từ những năm phổ thông trung học. Út quen Kiên trong một lần sinh hoạt chung nhóm tình nguyện mùa hè xanh khi Út mới năm hai và Kiên năm ba đại học. Út cảm mến sự năng động, nhiệt tình và tấm lòng tận tụy của Kiên mùa hè xanh năm đó. Nên Út tin rằng, khi Kiên đến Xóm Cù Lao, anh sẽ sung sướng hít căng lồng ngực không khí trong lành, hào hứng nghe tiếng ếch nhái kêu ran vào những đêm mưa. Anh sẽ quá giang ghe chèo nhà bác Sáu đi thăm đồng ruộng, vườn cây, ao cá trong xóm; trò chuyện với người Xóm Cù Lao để mở mang kiến thức thực tế cho chuyên ngành trồng trọt mà anh theo đuổi.
Nghĩ tới đó, Út chợt mỉm cười một mình, rồi vô nhà, nhẹ nhàng nắm tay bà, kể cho bà nghe chuyện của Kiên, chuyện của Út và Kiên
Hai bà cháu nói chuyện rù rì, trong ánh mắt ngậm cười của mẹ.
Ngày mai Út lại qua đò trở lại phố. Nhưng Út biết sẽ không xa Xóm Cù Lao bé nhỏ mà nghĩa tình, sẽ đền đáp yêu thương và bảo vệ mà bà, cô, mẹ, cùng những người Xóm Cù Lao đã dành cho Út trong tháng năm những người đàn ông trụ cột của gia đình đi xa. Út tin Kiên đủ thấu hiểu để yêu xóm nhỏ.