Mỗi thế hệ đều có cách làm và quan niệm nghệ thuật khác nhau. Vì thế, mọi sự so sánh đều khập khiễng. Nhân đề cập đến dòng phim hương xưa, nhắc lại đôi điều về phim "Đất phương Nam" với mong muốn khơi gợi cảm nhận về bộ phim sau 20 năm công chiếu vẫn có sức hút mãnh liệt với khán giả.
"Đất phương Nam" được NSƯT Nguyễn Vinh Sơn chuyển thể từ tiểu thuyết "Đất rừng phương Nam" của nhà văn Đoàn Giỏi. Suốt phim là hành trình đi tìm cha của cậu bé tên An. Đây là phim truyền hình dài tập thứ 2 do Hãng phim TFS sản xuất năm 1997, sau phim "Người đẹp Tây Đô" và là bộ phim dài tập đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Nói về thành công của phim, ngoài đội ngũ rất am hiểu và trân trọng văn hóa Nam bộ, cần nhắc đến cố vấn phong tục tập quán cho phim là nhà văn Sơn Nam, nhà báo Bảy Triển; và nhạc sĩ Lư Nhất Vũ đã thổi hồn cho phim bằng những ca khúc để đời.
Cốt lõi của phim là đề tài chiến tranh cách mạng, song nếu bỏ qua yếu tố điện ảnh và nội dung, "Đất phương Nam" vẫn tròn trịa là cuốn sách văn hóa dân gian Nam bộ quý báu. Từ nếp sống, nếp cư xử của những thế hệ cư dân khai đất, lập làng, đến thiên nhiên phương Nam kỳ thú, những nét sinh hoạt dân gian: hát bội cúng đình, mãi võ
đều được khai thác thú vị và chính xác.
|
Nghệ sĩ Kiều Oanh diễn lại trích đoạn trong tuồng “Giọt máu chung tình” trong phim. Ảnh chụp lại. |
Người xem ấn tượng cảnh ông Tám Luông tự tử trước sự hà hiếp của giặc Tây. Ông khoác áo dài khăn đóng, kính cẩn đốt nhang mồ mả, bàn thờ tổ tiên rồi an nhiên vừa nói thơ Vân Tiên, vừa treo cổ. Đó là khí khái của người Nam bộ thuở khẩn hoang. Hay cảnh đoàn của thầy giáo Bảy hát bội cúng đình, đạo diễn đã khơi lại không khí rộn ràng của đình làng Nam bộ thuở xưa từ sân khấu, tuồng tích đến cảnh người cầm trống chầu. Chỉ cách người giới thiệu: "Kính thưa hương cả, hương chủ và các bậc kỳ lão làng sở tại!" đã thấy đúng hồn cốt của buổi hát bội. Đặc biệt, đây là bộ phim đầu tiên, và duy nhất cho đến nay, đã diễn lại trích đoạn trong kịch bản "Giọt máu chung tình" của soạn giả Mộc Quán- Nguyễn Trọng Quyền, cảnh Bạch Thu Hà khóc Võ Đông Sơ.
Những cảnh bắt sấu, bắt rắn, gác cu, hò đối đáp, hò chèo ghe
được đạo diễn tả thật đến từng chi tiết, và kỹ lưỡng như một phim tài liệu về nghệ thuật ấy. Kịch bản phim còn được khéo léo lồng ghép ca dao, tục ngữ, dân ca dân gian một cách rất hợp lý. Ví như đoạn ông Bà Ngù xin cho An ở nhờ bà Tư Ù, ông nói: "Thôi mà cô Tư. Nước chảy ra thì thương cha nhớ mẹ. Nước chảy vào thương kẻ mồ côi". Thật nhân văn và đúng điệu miền Nam.
Với tôi, ấn tượng nhất vẫn là cảnh ông Ba Bắt Rắn và Cò, An cất nhà giữa đất rừng U Minh. Đó là những tư liệu quý về tâm thức tín ngưỡng trong việc dựng nhà của người Nam bộ cần gìn giữ. Trước giờ động thổ, ông Ba dọn bàn án, thành kính thắp nhang xin phép Thần hoàng, Thổ võ, Đất đai, Dương trạch cho cất nhà, an tâm mà "ăn đời, ở kiếp, sống gởi thác về trên đất U Minh này". Đợi nước lớn, anh thợ chính mới gọi ông Ba thả đòn dong. Để thả đòn dong, ông Ba lại dọn bàn lễ, bà con lối xóm quây quần, lần này ông Ba cầu Bà Cửu Thiên huyền nữ, phù hộ cho cha con ông có cuộc sống an lành.
Về phần âm nhạc, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ đã chăm chút cho nhạc phim hay đến nao lòng. Hai ca khúc trong phim "Bài ca đất phương Nam" và "Chú bé đi tìm cha" đã đi vào lòng bao thế hệ người yêu nhạc. Trong phim, đoạn An hái trộm ổi ông cho nhạc nền Lý Cây ổi, đoạn gánh hát bội chuẩn bị diễn ông cho nhạc nền Lý Trống chầu; và còn có nói thơ Vân Tiên, vè Nam bộ, hò đối đáp
được đưa vào những tình huống phim rất hợp lý, phát huy hiệu quả nghệ thuật.
Sẽ còn nhiều điều để nói về phim "Đất phương Nam" để giải đáp cho câu hỏi vì sao 20 năm qua, bộ phim vẫn được nhiều khán giả yêu mến, dù gần như thuộc làu. Khi nhắc phim này trên facebook, nhiều bạn bè của tôi đã chia sẻ sự thích thú và cho rằng đó là thành công lớn của điện ảnh truyền hình Việt Nam đương đại.
Nhắc lại những điều này để thấy rằng, "Đất phương Nam" được thực hiện bởi những nhà làm phim, nhà văn hóa tâm huyết và am tường. Mọi thước phim, cảnh quay, đều được chăm chút kỹ lưỡng, công phu. Dòng phim hương xưa bây giờ, có mấy cảnh quay được chăm chút như vậy?
DUY LỮ