 |
Ngày càng có nhiều người ưa chuộng đi xe buýt (Ảnh chụp tại Bến xe buýt ở đường Nguyễn Thái Học, quận Ninh Kiều). |
Xe buýt là loại phương tiện công cộng giá rẻ đang ngày càng tiện lợi cho người dân thành phố. Giá xăng dầu vừa tăng, nhiều loại phương tiện khác như: xe đò, honda ôm... đang rục rịch tăng giá nhưng giá vé xe buýt vẫn chưa tăng nên càng được nhiều người ưa chuộng sử dụng. Trong khi đó, đơn vị tổ chức hoạt động xe buýt đang tìm cách vượt qua khó khăn do giá nhiên liệu tăng, để duy trì phục vụ nhu cầu đi lại của người dân thành phố...
SỬ DỤNG XE BUÝT ĐỂ TIẾT KIỆM
Những năm gần đây, người dân TP Cần Thơ đã quen dần với xe buýt. Trong đó, đối tượng hay đi xe buýt là học sinh, sinh viên, người dân nông thôn, công nhân, người có thu nhập thấp... Theo nhiều người, chọn đi xe buýt giá rẻ hơn rất nhiều so với nhiều loại phương tiện khác, đồng thời an toàn hơn và rất thuận tiện!... Với dịch vụ xe buýt, hành khách lên xuống dưới 4 km chỉ tốn 2.000 đồng, từ 1 km đến dưới 7 km: 3.000 đồng, đến dưới 12 km: 4.000 đồng, từ 1 km đến dưới 17 km: 5.000 đồng, từ 1 km đến dưới 22 km: 6.000 đồng, từ 1 km đến dưới 27 km: 7.000 đồng... Riêng hành khách đăng ký vé tháng còn được giảm 30% so với giá cước tuyến đăng ký, học sinh và sinh viên được giảm 40%.
Bà Nguyễn Thị Bé (ở thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) hành khách của xe buýt tuyến Cần Thơ-Kinh Cùng, cho biết: “Mỗi lần có việc đi Cần Thơ tôi chọn xe buýt, đi từ nhà đến Cần Thơ chỉ có 7.000 đồng. Đi xe đò thì tốn tiền nhiều hơn, còn xe honda ôm giá cao hơn nữa. Tôi thấy xe buýt thuận tiện, an toàn và giá rẻ hơn nhiều”. Còn chị Lê Ngọc Diễm (ở phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều), nói: “Trước đây tôi thường đi xe máy đến Ô Môn để làm việc, nhưng nay đi bằng xe buýt cho an toàn, lại ít tốn kém hơn, nhất là trong lúc xăng có giá cao như hiện nay. Đi xe buýt từ bến (ở đường Nguyễn Thái Học, quận Ninh Kiều) đến Ô Môn chỉ 7.000 đồng. Đôi khi đi với quãng đường ngắn hơn tôi vẫn chọn xe buýt!”.
Xe buýt cũng là phương tiện không thể thiếu của sinh viên, học sinh. Em Lê Thị Diễm Thu (ở phường Thới Long, quận Ô Môn), đang là sinh viên Trường Cao đẳng Cần Thơ, cho biết: “Thời gian gần đây, do giá xăng tăng cao nên vào cuối tuần tôi thường đi xe buýt về nhà. Còn ở nhà trọ tôi sử dụng xe đạp đi lại”.
Hiện nay, ở các tuyến đường có xe buýt rõ ràng xe honda ôm sẽ “thất thế” do giá xe ôm cao gấp 2-3 lần so với xe buýt. Tuy nhiên, theo nhiều người đi xe buýt hiện nay, ở nhiều tuyến đường khu vực nội ô thành phố chưa có tuyến xe buýt, nên họ buộc phải chọn xe honda ôm với giá cao ngất ngưởng. Thành phố cần quy hoạch mở thêm tuyến xe buýt các đường nội ô để người dân đi lại thuận tiện hơn.
XE BUÝT TÌM CÁCH GIẢM LỖ!
Theo Xí nghiệp Vận tải Hành khách Công cộng (Công ty Công trình Đô thị Cần Thơ), đợt điều chỉnh tăng giá xe buýt vào tháng 3-2008 chỉ mới đảm bảo cho xe buýt tạm hoạt động được, chứ chưa có lời nhiều. Do đó, việc giá dầu tăng vào ngày 21-7 vừa qua, xe buýt tiếp tục gặp khó khăn trong hoạt động. Hiện trên 7 tuyến xe buýt có tổng cộng 119 đầu xe (gồm xe Công trình Đô thị Cần Thơ và xe liên doanh bên ngoài), hoạt động tốn khoảng 4.000 lít dầu/ngày. Với giá dầu vừa tăng, tính ra công ty phải chi thêm khoảng 5 triệu đồng/ngày tiền xăng dầu, các xe liên doanh cũng bỏ ra thêm với số tiền tương ứng với công ty.
Ông Võ Hoàng Thọ, Giám đốc Xí nghiệp Vận tải Hành khách Công cộng (Công ty Công trình Đô thị Cần Thơ), cho biết: “Hiện nay, ở TP Cần Thơ, đa số người dân còn đi lại bằng phương tiện xe máy nên lượng hành khách đi xe buýt gần như đã bão hòa. Sau khi giá xăng dầu tăng, số lượng người dân chuyển qua đi xe buýt có tăng nhưng chưa cao. So với vài tháng trước, hiện lượng hành khách đi xe buýt không những không tăng mà còn giảm do học sinh, sinh viên đang vào kỳ nghỉ hè. Trước tình hình này, xe buýt đang hoạt động đến ngưỡng lỗ. Vì vậy, có khả năng công ty phải lấy nguồn từ các đơn vị khác để bù đắp cho xí nghiệp phần chi phí xăng dầu tăng thêm khoảng 150 triệu đồng/tháng”.
Mặc dù xe buýt đang hoạt động trong tình trạng khó khăn, nhưng Xí nghiệp Vận tải Hành khách vẫn chưa kiến nghị với ngành chức năng, UBND thành phố cho tăng giá cước. Theo Xí nghiệp này, Chính phủ đã có chỉ đạo kiềm chế giá cả hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, trong đó có giá xe buýt, nên vào thời điểm này không thể tăng giá vé xe buýt được. Tuy nhiên, sau khi dầu tăng giá, xí nghiệp đã thực hiện cắt giảm bớt những chuyến kém hiệu quả để giảm bớt chi phí nhiên liệu, giải quyết được phần nào khó khăn trong hoạt động hiện nay. Chẳng hạn như: đối với những chuyến xuất bến không vào giờ cao điểm, xe không đầy khách, trước đây khoảng 7-8 phút có một chuyến xe thì nay tăng lên 10-15 phút; đồng thời cắt những chuyến xuất bến vào thời điểm tối (chỉ có vài hành khách). Tuy cắt bớt chuyến nhưng xí nghiệp cũng chú ý không làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại của hành khách.
Ông Trần Văn A, chủ một xe buýt liên doanh (xe buýt số 69), cho biết: “Sau khi giá dầu tăng, tôi phải chi thêm 70.000-80.000 đồng/ngày tiền dầu. Trong khi giá vé không tăng nên hoạt động gặp khó khăn. Hiện xe tôi chạy quay vòng trên 4 tuyến, nếu ngày nào chạy tuyến Cần Thơ-Ô Môn được đông khách thì còn có lời chút đỉnh, còn các tuyến khác ít khách hơn coi như lỗ. Tôi còn đỡ hơn một số người khác, họ mua xe trả góp để tham gia chạy xe buýt nhưng bây giờ phải hoạt động trong tình trạng không có lời thì lấy gì mà đóng tiền trả góp xe. Đang khó khăn nên ai cũng muốn tăng giá vé, nhưng do hưởng ứng chủ trương chia sẻ khó khăn với cộng đồng, chúng tôi phải duy trì hoạt động...”.
Giá vé xe buýt không tăng vào thời điểm hiện tại, giới kinh doanh xe buýt đang gặp khó. Nhưng trong tình hình giá cả hàng hóa ở mức cao, phương tiện đi lại với giá rẻ như xe buýt được giữ nguyên giá thì người dân cảm thấy mình đã được chia sẻ phần nào khó khăn.
Bài, ảnh: ANH KHOA