03/04/2008 - 22:44

Nuôi cá tra, ba sa ở ĐBSCL

Xây dựng tiêu chuẩn chung để phát triển bền vững

Năm 1997, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng cá tra và cá ba sa của Việt Nam đạt 20 triệu USD. Đến năm 2007, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã lên đến 1 tỉ USD. Tuy nhiên, theo nhận định của Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (WWF), sự bùng nổ nuôi cá tra, ba sa đã và đang đặt ra nhiều thách thức cho thực tiễn lẫn dự báo. Xây dựng các tiêu chuẩn để đối tượng này phát triển theo hướng bền vững, nhất là về môi trường và xã hội là một vấn đề hết sức cấp thiết trong thời điểm hiện nay.

Bức xúc từ vùng nuôi

Chi hội Thủy sản Vĩnh Phú Quí, xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang hằng năm cung cấp cho các nhà máy trên 1.500 tấn cá tra nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu. Các thành viên của chi hội đều được tập huấn sản xuất cá tra sạch theo quy trình SQF (an toàn chất lượng thực phẩm), sử dụng hóa chất kháng sinh theo khuyến cáo của các nhà chuyên môn. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Sơn, Chi hội Thủy sản Vĩnh Phú Quí, cho biết: “Dù có áp dụng theo tiêu chuẩn gì gì đi chăng nữa thì con cá tra nguyên liệu của chi hội cũng vẫn phải chịu sự bấp bênh của thị trường. Trong khi đó, chúng tôi phải đầu tư cả về nhân lực, vật lực, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình để có được sản phẩm sạch cung cấp cho nhà chế biến. Rất thiệt thòi”.

 Thu hoạch cá tra ở xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt, TPCT. Ảnh: VĂN CÔNG

Ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến Thủy sản tỉnh An Giang (AFA), cho biết: “Thời gian qua, tại các vùng nuôi cá tra, ngành thủy sản tập huấn cho hàng ngàn hộ nuôi cá tra theo tiêu chuẩn SQF 1000. Tuy nhiên, số lượng đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn này rất ít. Mô hình sản xuất cá sạch buộc người nuôi phải cam kết đảm bảo chất lượng ở tất cả các khâu chăn nuôi nhưng được đảm bảo một mức giá cao khi tiêu thụ. Người nuôi cá đều làm chủ công nghệ nuôi cá sạch, sẵn sàng các cam kết cung cấp sản phẩm sạch, bảo vệ môi trường, cải tiến hệ thống sản xuất... Tuy nhiên, hiện nay, chưa có một doanh nghiệp hay một tổ chức nào đảm bảo việc sản xuất theo tiêu chuẩn quy định sẽ được đảm bảo đầu ra, giá cả hợp lý... Trong khi đó, việc đăng ký được cấp giấy chứng nhận tốn nhiều tiền bạc, thời gian”.

Những điều bất hợp lý này, vô hình trung, tạo nên suy nghĩ trong một bộ phận không nhỏ người nuôi rằng việc tuân thủ theo một quy trình kỹ thuật hướng đến sản phẩm sạch hiện chưa thật sự cần thiết. Tuy nhiên, dù hiện nay chưa có một nước nào yêu cầu nuôi trồng cung cấp nguyên liệu cho xuất khẩu phải áp dụng bất cứ tiêu chuẩn nào, nhưng manh nha có những quy định. Ví dụ như FAO (Tổ chức Nông nghiệp và lương thực của Liên Hiệp Quốc) đã có một số yêu cầu về an toàn thực phẩm, châu Âu đã xây dựng EUREP (Tổ chức người bán lẻ và cung cấp ở châu Âu)...

Thách thức

Đến năm 2007, sản phẩm cá tra, cá ba sa của Việt Nam đã có mặt trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Song, sự bùng nổ về công nghiệp nuôi cá tra, ba sa đã và đang đặt ra nhiều thách thức cho thực tiễn lẫn dự báo trong nghề nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL và cả nước.

Tiến sĩ Flavio Corsin, Cố vấn cao cấp WWF, cho rằng: “Nuôi cá tra, ba sa là một trong những hình thức nuôi trồng thủy sản phát triển nhanh nhất hiện nay trên thế giới. Điều này sẽ giúp người dân nông thôn được hưởng lợi rất lớn. Tuy nhiên, hầu hết người nuôi trồng thủy sản hiện nay không quan tâm nhiều đến ô nhiễm, dịch bệnh...”.

Ông Ngô Phước Hậu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), cho biết: “Trong nuôi và thương mại cá tra, ba sa đã xuất hiện một số dấu hiệu của phát triển không bền vững như giá cả thay đổi và cạnh tranh, chất lượng sản phẩm không đồng đều, việc sử dụng lượng, ô nhiễm nguồn nước, mâu thuẫn giữa người nuôi và người chế biến, thua lỗ và phá sản...”.

Ngoài ra, các yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng/an toàn vệ sinh thực phẩm, nhu cầu về các sản phẩm bền vững về mặt môi trường, xã hội và sự cạnh tranh với các quốc gia khác cũng là những thách thức lớn đối với con cá tra, ba sa của ĐBSCL và cả nước. Vì thế, ông Ngô Phước Hậu cho rằng, cần xây dựng các tiêu chuẩn, các kế hoạch nuôi trồng, triển khai hệ thống quản lý dựa vào cộng đồng, cải thiện chất lượng con giống, chuyển đổi từ thức ăn tự chế sang thức ăn công nghiệp, xây dựng năng lực thể chế...

Sớm hình thành tiêu chuẩn chung

Hiện nay, thị trường thế giới đang đặt ra các tiêu chuẩn rất cao cho cá tra, cá ba sa và cả hàng hóa nông sản xuất khẩu. Muốn vượt qua các rào cản do các nhà nhập khẩu đặt ra, phải đáp ứng và tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm từ việc nuôi trồng, chế biến. Ví dụ như cần phải có chứng nhận FAD khi xuất sang Hoa Kỳ, IFS cho thị trường Đức và châu Âu, HALAL cho thị trường các nước Hồi giáo... Vì thế, việc xây dựng một quy định, một tiêu chuẩn chung cho nghề nuôi cá tra, ba sa ở ĐBSCL và cả nước phát triển theo hướng bền vững là một yêu cầu cấp thiết.

Đáp ứng mục tiêu này, từ tháng 4-2007, WWF đã khởi xướng Đối thoại nuôi cá tra/ba sa (PAD). Tiến sĩ Flavio Corsin, cố vấn cao cấp của WWF, cho rằng: “Các hệ thống cấp chứng nhận hiện có không thể đáp ứng được vấn đề đảm bảo sự bền vững. Bởi các hệ thống chứng nhận này hạn chế trong thành phần tham dự và trong việc áp dụng các quá trình dựa trên sự đồng thuận; hạn chế tính minh bạch trong quá trình xây dựng tiêu chuẩn cũng như quản lý. Ngoài ra, hệ thống cấp chứng nhận này có phạm vi quá rộng, không giải quyết được những tác động cơ bản, khiến việc đánh giá rất tốn kém nhưng đại đa số người nuôi lại khó có thể áp dụng được”.

Theo Tiến sĩ Flavio Corsin, mục tiêu của PAD là hướng đến xây dựng các tiêu chuẩn cấp chứng nhận nuôi cá tra, ba sa bền vững. Vì thế, điều cấp thiết là phải giảm thiểu tác động việc nuôi với môi trường và xã hội, trong lúc vẫn đảm bảo đáp ứng nhu cầu thị trường. Những tiêu chuẩn được xây dựng thông qua PAD, cần phải được: các bên liên quan xây dựng thông qua quá trình dựa trên cơ sở đồng thuận; tập trung vào những vấn đề cơ bản nhất; không xây dựng một hệ thống chỉ áp dụng được trên số lượng hạn hẹp người nuôi mà nhằm mục tiêu có ít nhất từ 10-15% người nuôi loài thủy sản đang được thảo luận tuân thủ. Vấn đề này, ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch AFA, cho rằng: “Người nuôi và doanh nghiệp phải gắn kết chặt chẽ hơn nữa; phải chia sẻ lợi nhuận, chia sẻ rủi ro trong quá trình phát triển”.

Ông Nguyễn Tử Cương, Cục trưởng cục Quản lý Chất lượng, An toàn vệ sinh thú y thủy sản (NAFIQAVED), cho biết: “Vai trò của nhà nước trong việc hướng tới mục tiêu nuôi cá tra, cá ba sa bền vững bao gồm xây dựng khung pháp lý, lập kế hoạch tổng thể cho đa ngành, khuyến khích và cấp chứng nhận cho các đầm nuôi áp dụng các tiêu chuẩn BMP/GAP... triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Về mặt kỹ thuật, cần đánh giá tác động và sức tải môi trường của ĐBSCL, sản xuất vaccin, cải tiến các phương pháp xử lý chất thải và bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng con giống”.

***

Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Việc xác định quy trình, tiêu chuẩn sản xuất hàng hóa nông sản, trong đó có con cá tra, cá ba sa, là một việc làm cấp thiết. Tuy nhiên, theo VASEP, tiêu chuẩn này phải hài hòa với các tiêu chuẩn mà EuroGAP (thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn châu Âu), ACC (Hội đồng Chứng nhận Nuôi trồng thủy sản) đang được xây dựng cho cá tra, cá ba sa của Việt Nam... Có như vậy mới có thể đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững đối với con cá tra, ba sa cũng như hàng hóa nông sản của ĐBSCL và cả nước.

ĐÔNG TRIỀU

Chia sẻ bài viết