08/11/2023 - 08:52

Xây dựng thói quen sống, làm theo Hiến pháp và pháp luật 

Các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương ở TP Cần Thơ luôn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, nội dung phù hợp từng đối tượng. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của người dân để việc sống, làm theo Hiến pháp và pháp luật dần trở thành thói quen của mỗi người... 

Phụ nữ khuyết tật thành phố phấn khởi tham gia trả lời các câu hỏi về tình huống pháp luật do Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Cần Thơ tổ chức.

Theo Hội đồng Phối hợp PBGDPL thành phố, ngay từ đầu năm, UBND thành phố đã ban hành định hướng nội dung PBGDPL năm 2023 theo từng tháng. Hoạt động này giúp các ngành, các cấp thực hiện tuyên truyền đúng trọng tâm, trọng điểm. Các phòng tư pháp quận, huyện thành lập các nhóm Zalo, trong đó có đại diện của trưởng ấp/khu vực, tổ hòa giải... và đại diện từng hộ gia đình tham gia để thuận tiện trong việc truyền tải thông tin pháp luật. Bên cạnh đó, thành phố còn xây dựng tài liệu tuyên truyền, đăng tải trên Cổng thông tin điện tử PBGDPL thành phố; truyền thông chính sách pháp luật thông qua các cuộc thi trực tuyến, tiểu phẩm sân khấu... 

Bằng cách tuyên truyền lồng ghép vào các câu chuyện, tiểu phẩm, người dân dễ dàng tiếp nhận những quy định của pháp luật. Em Nguyễn Thị Bích Ngân, học sinh 9A1, Trường THCS Thường Thạnh quận Cái Răng, nói: “Ðược dự phiên tòa giả định về tội cố ý gây thương tích mà người vi phạm đang ở tuổi học sinh, tình huống liên quan đến bạo lực học đường, em nhận ra rằng pháp luật rất quan trọng trong cuộc sống. Nếu chúng ta sống mà không có ý thức chấp hành pháp luật, sẽ phải nhận lãnh những hậu quả rất nặng nề”. Ông Nguyễn Thành Ðạt ngụ phường Thới An Ðông, quận Bình Thủy, bộc bạch: “Hiện nay, việc tìm hiểu các quy định pháp luật không còn là vấn đề khó khăn. Thông qua các kênh truyền thông, người dân rất thuận tiện khi tìm hiểu các quy định liên quan đến những vướng mắc đang gặp phải trong đời sống để hiểu và hành xử đúng. Tôi nghĩ, mỗi người nên lựa chọn kênh thông tin chính thống để đảm bảo nội dung pháp luật tiếp cận là đúng”.

Theo bà Mai Trúc Phi, trợ giúp viên pháp lý, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Cần Thơ, qua việc bào chữa tại những phiên tòa, ngoài vận dụng quy định pháp luật phù hợp nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, bị cáo, các trợ giúp viên sẽ giải thích pháp luật để người dân hiểu hành vi thực hiện là đúng hay sai và các chế tài nếu vi phạm, từ đó, sống có trách nhiệm với bản thân và xã hội. Luật sư Nguyễn Văn Sĩ, Ðoàn Luật sư TP Cần Thơ, chia sẻ: “Việc tuyên truyền pháp luật đến người dân cũng là một phần trách nhiệm của luật sư. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Sở Tư pháp thành phố tập huấn nghiệp vụ hòa giải cơ sở cho đội ngũ hòa giải viên cơ sở trên địa bàn thành phố, nhằm nâng cao vai trò, chất lượng hòa giải viên, bởi đây là nguồn lực gần gũi nhất với người dân, đặc biệt là khi người dân gặp vướng mắc trong cuộc sống liên quan đến pháp lý”.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Chủ tịch Hội đồng Phối hợp PBGDPL thành phố, cho biết: Thành phố đã thực hiện tốt công tác PBGDPL. Hướng tới, công tác PBGDPL phải chú trọng vào nội dung; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy và tận dụng tối đa tất cả các phương tiện hiện có: cổng thông tin điện tử PBGDPL thành phố, mạng xã hội, hệ thống truyền thanh, truyền hình, mạng viễn thông, báo chí, sân khấu hóa, các thể loại sáng tác… vào công tác PBGDPL. Các đơn vị cần quan tâm hơn công tác tuyên truyền bằng các hình thức trực quan, sinh động, chuyên đề tuyên truyền phải đúng đối tượng, phù hợp với các hoạt động kinh tế - xã hội trong từng thời điểm.

 Bài, ảnh: HOÀNG YẾN

 

Chia sẻ bài viết